THCL - Theo tướng Lê Văn Cương, cuộc bầu cử nước Mỹ hiện nay đang diễn ra trong bối cảnh 3 cuộc khủng hoảng đang hòa quyện với nhau, tạo ra hai nhân vật là Donal Trump và Hillary Clinton.
Ông Lê Văn Cương, Thiếu tướng, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an- (Ảnh: ĐK).
Chỉ còn hơn một tháng nữa là nước Mỹ tìm ra vị tổng thống mới, để có thêm nhiều thông tin, góc nhìn đa chiều về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016, VietTimes ghi nhận những ý kiến phân tích của Tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an.
Ba cuộc khủng hoảng tạo nên ông Donald Trump và bà Hillary Clinton
Thưa ông, như vậy là chỉ còn vài tuần nữa là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 sẽ kết thúc. Nói theo ngôn ngữ thể thao, giờ là lúc các ứng viên tranh cử đã bước vào đường chạy nước rút và tiến thẳng vào vòng chung kết. Đến ngày 8/11, nước Mỹ sẽ chọn ra được vị tân Tổng tư lệnh mới. Theo đánh giá của riêng ông, trong 2 ứng viên của đảng Cộng Hòa và đảng Dân Chủ là ông Donald Trump và bà Hillary Clinton, mỗi người có bao nhiêu phần trăm cơ hội thắng cử trong cuộc đua này?
Trước hết, phải nói vấn đề cơ bản là tính đặc biệt của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Đây là cuộc bầu cử đặc biệt nhất từ trước đến nay, vì từ 1970 đến nay, lần đầu tiên một cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra trong bối cảnh có tới 3 cuộc khủng hoảng đồng thời diễn ra.
Đặc biệt, hai ứng cử viên của đảng Cộng Hòa và đảng Dân Chủ là ông Donald Trump và bà Hillary Clinton xuất hiện bởi 3 cuộc khủng hoảng này quyện với nhau.
Đầu tiên là khủng hoảng kinh tế từ 2008, Mỹ đã thoát ra khỏi đáy cuộc khủng hoảng nhưng chưa bước vào chu kỳ phát triển mới nên trạng thái tâm trạng xã hội về kinh tế còn nhiều bất an, nên có thể nói khủng hoảng kinh tế vẫn kéo dài đến bây giờ.
Thứ hai, người dân Mỹ đang lâm vào cuộc khủng hoảng xã hội, dường như có nhiều người mất niềm tin vào giới tinh hoa truyền thống nên ông Trump được nhiều người dân ủng hộ là điều không mấy ngạc nhiên, phía sau đảng Cộng hòa là một bộ phận không nhỏ xã hội Mỹ, cử tri Mỹ. Tức là đây là cuộc khủng hoảng chính trị, xã hội.
Việc cử tri Mỹ dồn phiếu cho ông Trump, gần giống với cuộc bầu cử cách đây 8 năm khi ông Obama được lựa chọn là người đứng đầu nhà Trắng. Trong 230 năm qua, ngước Mỹ là nước kỳ thị chủng tộc, người da trắng là dân tộc thượng đẳng, còn địa vị của người da màu rất thấp.
Nhưng năm 2008, người dân Mỹ đã vượt qua chính mình để bảo vệ cho ông Obama. Chính lúc đấy là lúc xã hội Mỹ không còn tin vào Đảng Cộng hòa nữa.
Cuối cùng là cuộc cạnh tranh giữa tập đoàn Đảng Dân chủ và tập đoàn Đảng Cộng hòa. Chúng ta có thể thấy cuộc bầu cử này đang diễn ra trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, còn trong lòng nước Mỹ thì khủng hoảng niềm tin.
Nhưng cử tri Mỹ buộc phải lựa chọn cái họ không muốn lựa chọn. Bà Clinton cũng không phải là một người lựa chọn lý tưởng của cử tri Mỹ, với Donal Trump lại càng không phải, nhưng họ vẫn phải lựa chọn cái họ không muốn lựa chọn.
(Về tỷ lệ phần trăm thắng cử của các ứng viên Donald Trump và Hillary Clinton, Tướng Lê Văn Cương nói ông không đưa nhận định - PV).
Trong hai ứng viên sáng giá nhất trong cuộc đua vào Nhà Trắng (không kể một số ứng viên độc lập khác), ông thấy ứng viên nào có tư chất, khả năng tốt hơn cho vị trí Tổng tư lệnh của nước Mỹ?
Nói riêng về về hai ứng cử viên này, chúng ta cần hiểu về mặt lịch sử và quá trình hoạt động, rõ ràng bà Hillary Clinton là một người từng trải khi bản thân bà đã từng là Ngoại trưởng, Thống đốc bang, đặc biệt, chồng bà là tổng thống Mỹ hai nhiệm kỳ.
Có thể nói Bà Clinton là một nhà chính trị chuyên nghiệp. Mà với một nhà chính trị chuyên nghiệp, cốt lõi của chính sách của họ đều muốn duy trì Mỹ ở vị trí siêu cường lãnh đạo thế giới.
Ngược lại, Donal Trump không phải là một nhà chính trị chuyên nghiệp, nhưng ông lại là một nhà kinh tế tài năng. Tuy chỉ là một người làm tay trái về chính trị, nhưng không thể phủ nhận tiềm năng Donal Trump sẽ tạo ra một siêu cường kinh tế từ trong lòng nước Mỹ.
Như vậy, ông Trump sẽ quan tâm đến những vấn đề về kinh tế, đời sống của nước Mỹ. Vì vậy, chương trình tranh cử của ông Trump là giải quyết tình hình kinh tế trong nước, giải quyết an ninh trong nước cho người Mỹ.
Cụ thể, cấm và hạn chế nhập cư, theo quan điểm của ông Trump, người nhập cư- nhất là người Hồi giáo sẽ đẻ ra nhiều rắc rối. Tóm lại trọng tâm chiến dịch tranh cử của ông Trump là đảm bảo đời sống, an ninh xã hội của người dân Mỹ, còn với đối ngoại ông Trump chỉ giữ ở mức độ nào đấy, ông ta không đặt trọng tâm lắm về đối ngoại.
Như vây, đặc điểm lớn nhất của hai người này cho đến lúc này là một người làm chính trị chuyên nghiệp (bà Clinton) và một người xem chính trị là tay trái (ông Trump).
Sau ngày 8/11 nước Mỹ sẽ chọn ra người đứng đầu Nhà Trắng - (Ảnh: Politicususa).
TPP có thể thay đổi, nhưng về bản chất chính sách Mỹ- Việt Nam không thay đổi
Ông là người theo dõi tình hình thời sự- chính trị- an ninh quốc tế rất kỹ, ông có thể cho biết kỹ hơn vì sao chính quyền Nga ưa ông Donald Trump hơn bà Hillary Clinton?
Giới tinh hoa Nga hay ông Putin thích ông Donal Trump hơn bà Clinton là điều dư luận quốc tế và nhiều chuyên gia đã khẳng định từ trước rồi. Điều này là có thật! Nếu được đi bầu cử, điện Kremlin sẽ bỏ phiếu cho Donal Trump.
Vì sao? ở đây ta cần phân tích để thấy rõ hơn về chính sách ngoại giao của bà Hillary Clinton. Đầu tiên phải hiểu Hillary là ai? Hillary là một người hoạt động chuyên nghiệp chính trị lọc lõi, mặc dù bà ta đại diện cho đảng Dân chủ, nhưng tư tưởng trong quan hệ quốc tế của bà mang đậm sắc thái của Đảng cộng hòa.
Thêm nữa, sau lưng bà Clinton, có thể là những tổ hợp tài phiệt công nghiệp quốc phòng. Đừng nhìn bà Clinton là một người phụ nữ xinh đẹp mà nghĩ đơn giản. Theo nhiều nguồn tin từ Mỹ, Hillary là đại biểu của Chủ nghĩa bảo thủ mới ở Mỹ, có truyền thống gay gắt với Nga, thích dùng vũ lực đơn phương.
Mà nổi bật nhất là Bush con, một đại diện rõ ràng nhất cho chủ nghĩa này. Ngoài ra, phía sau chủ nghĩa này còn có cả một cộng đồng có thế lực, vì vậy tôi cho rằng đường lối đối ngoại của Hillary gần với Bush con nhiều hơn là Obama.
Ngoài ra, Hillary muốn tạm thời hòa hoãn với Trung Quốc, mặc dù quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc là 1 vực thẳm, mất lòng tin và đối đầu với nhau thực sự về mục tiêu chiến lược. Nhưng Hillary tạm gác, tạm dung hòa mối quan hệ này, giữ cho mối quan hệ này yên ổn, để tập trung xử lý Nga. Vì thế nên giới tinh hoa Nga không ưa gì bà Clinton.
Trong khi đó, ông Donal Trum là một người kinh doanh, ông ta chỉ lo lợi nhuận là làm sao đảm bảo cho người dân Mỹ, tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội. Donal Trump hiện chưa đặt trọng tâm vào các vấn đề quốc tế, quan điểm của ông ta là muốn duy trì vai trò siêu cường của Mỹ bắt đầu từ kinh tế Mỹ. Hơn nữa, “người ta” nói những vấn đề kinh tế chính trị đối ngoại ông Trump không rành, không giỏi.
Từ những khác biệt như thế, ta có thể dễ ràng thấy rõ vì sao chính quyền Nga ưa thích Donal Trump hơn bà Hillary.
Ông Donald Trump (ảnh minh họa)
Dù nước Mỹ có truyền thống là ứng cử viên nào lên làm Tổng thống cũng đề phải kế thừa di sản của chính quyền cũ, tuy nhiên, cũng có quan ngại cho rằng một khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ, di sản của chính quyền Obama sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí có nguy cơ tan vỡ, đặc biệt là chiến lược xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương vốn đang được Washington hiện thực hóa trong mấy năm nay. Ông có bình luận gì về vấn đề này?
Về việc này ta cần quay trở lại nói thêm về hai ứng viên. Ông Donal Trump là một người làm kinh doanh thực thụ tại nội bộ nước Mỹ. Vì thế nên ông ta chỉ nhìn phương diện tiếp cận vấn đề là kinh tế. Vì thế, ông ta nhìn TPP chỉ thấy ảnh hưởng đến lợi ích người lao động Mỹ như: mất việc làm, cạnh tranh về hàng hóa từ các nước khác... nên có phần nào do dự chuyện này.
Tuy nhiên, với tôi thì TPP là điểm thông minh trong tư tưởng chiến lược của chính quyền Obama. Với hàng trăm cuộc thương thảo song phương, đa phương về vấn đề TPP, các bên chỉ nói về kinh tế, không ai đề cập đến an ninh chính trị, nhưng thực chất phía sau nó là chính trị và an ninh. Bởi vì, sau 15 năm sa lầy ở Trung Đông với cuộc chiến chống khủng bố, Mỹ để Trung Quốc trỗi dậy, thâu tóm toàn bộ vùng Đông Á- Tây Thái Bình Dương.
Trước nguy cơ có thể lép vế tại vùng Đông Á- Tây Thái Bình Dương, vai trò của Mỹ ở khu vực này nguy cơ suy sụp. Nên chính quyền ông Obama đã dựng nên TPP- Hiệp định kinh tế xuyên Thái Bình Dương để lôi kéo các nước phụ thuộc Mỹ về kinh tế, từ đó giảm sự phụ thuộc của các nước này với Trung Quốc về các mặt văn hóa, an ninh. Vấn đề của việc xoay trục là như thế, nhưng ông Trump lại không hiểu được vấn đề này.
Với Hillary, bà ấy cũng không đồng ý với TPP, bà muốn xây dựng một kế hoạch khác. Trong hai cường quốc đang đối đầu với Mỹ, bà Clinton lại muốn lôi kéo Trung Quốc, mặc dù mâu thuẫn đối kháng vẫn còn nguyên nhưng bà Clinton xem Nga là mối nguy hiểm lớn hơn đối với nước Mỹ.
Vì thế, hai người phản đối TPP theo hai cách hiểu khác nhau. Ông Trump phản đối TPP vì lợi ích kinh tế nước Mỹ, ông ta không đủ trí tuệ chính trị để nghĩ về chiều sâu trong lợi ích an ninh quốc phòng và vị thế nước Mỹ. Còn bà Clinton phản đối TPP do quan điểm nhận thức đối ngoại quan trọng nhất là dồn ép, buộc Nga phải thay đổi chính sách chứ không phải là Trung Quốc.
Trong trường hợp bà Hillary Clinton lên làm Tổng thống, theo ông quan hệ Mỹ- Việt sẽ diễn ra theo xu hướng nào?. Một câu hỏi tương tự như vậy đối với ông Donald Trump, rằng liên quan hệ Việt- Mỹ có bị tác động gì nếu ứng viên của đảng Cộng hòa này lên làm Tổng thống Mỹ?
Theo tôi sẽ không có nhiều thay đổi trong mối quan hệ Mỹ- Việt Nam khi nước Mỹ có vị Tổng tư lệnh mới. Bởi vì, bà Hillary Clinton hay ông Donald Trump thì sự thay đổi chỉ là phần mang tính tình huống giải pháp, còn những vấn đề cơ bản là không thay đổi. Nếu ông Trump lên, sẽ làm căng với Trung Quốc về kinh tế, nhưng sẽ nhân nhượng Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.
Hơn nữa, khu vực châu Á- Thái Bình Dương có tới 4 điểm nóng chứ không phải một. Phía Bắc là bán đảo Triều Tiên, sau lưng Triều Tiên là Trung Quốc, sau Hàn Quốc là Mỹ; xuống dưới một tý là Sensaku (Điếu Ngư), một bên Trung Quốc, còn một bên Nhật Bản, nhưng sâu xa vẫn là Trung Quốc và Mỹ; ở giữa là Đài Loan và Trung Quốc, vẫn là Trung Quốc và Mỹ; phía Nam này là biển Đông, vẫn là Trung Quốc và Mỹ. Nên chúng ta không thể tách Việt Nam ra khỏi 3 điểm nóng kia.
Những người nghiên cứu chiến lược về quốc tế và an ninh quốc gia Việt Nam phải đặt bài toán Biển Đông, bài toán Việt- Trung, Việt- Mỹ trong tổng thể 4 điểm nóng này. Cả 4 điểm nóng này đều là giữa Trung Quốc và Mỹ, vì vậy họ có thể nhường nhau điểm này để đạt được lợi ích điểm kia.
Nên tôi cho rằng nếu chính sách của Hoa Kỳ về quan hệ với Việt Nam thay đổi thì chỉ là những thay đổi mang tính tình huống về chiến thuật.
Theo Đình Khương, Bùi Phú - VietTimes