Đánh giá tình hình công tác đảm bảo an ninh hàng không nửa đầu năm 2021, Bộ Tài chính cho biết, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trên địa bàn cả nước vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tuyến hàng không, bưu điện.
Đây là tuyến tiềm ẩn nguy cơ đối tượng lợi dụng để buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng có trị giá lớn, thuế suất cao... Đặc biệt, thời gian qua nổi lên tình trạng đối tượng giấu cần sa, ma túy tổng hợp trong hàng hóa như máy móc, thiết bị, quần áo, hộp bánh/ kẹo,... gửi qua chuyển phát nhanh về Việt Nam.
Địa bàn trọng điểm là sân bay quốc tế Nội Bài; sân bay quốc tế Đà Nẵng, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất; Bưu điện Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh; điểm chuyển phát nhanh DHL, Fedex. Các mặt hàng trọng điểm các đối tượng thường lợi dụng tuyến hàng không chủ yếu là ma tuý, đồ hiệu, điện thoại, ngoại tệ, đồng hồ, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng; động, thực vật hoang dã thuộc danh mục CITES....
Phương thức, thủ đoạn chủ yếu của các đối tượng là cất giấu hàng hóa trong hành lý mang theo khi nhập cảnh; giấu cần sa, ma túy tổng hợp trong hàng hóa như máy móc, thiết bị, quần áo, hộp bánh kẹo,... gửi qua chuyển phát nhanh về Việt Nam để tránh sự kiểm tra, phát hiện của cơ quan chức năng. Đối với vũ khí, các đối tượng thường tháo rời từng bộ phận để kèm với các mặt hàng khác nhằm đánh lạc hướng, qua mặt lực lượng chức năng.
Trước tình hình đó, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị thuộc bộ triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp mang tính đột phá, qua đó đã kiểm soát được tình hình, chủ động phát hiện và đấu tranh với các phương thức, thủ đoạn mới, triệt phá thành công nhiều chuyên án, vụ việc lớn, phức tạp, góp phần tích cực đảm bảo tăng thu cho ngân sách nhà nước.
Tổng cục Hải quan chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, các cục hải quan tỉnh, thành phố có cảng hàng không sân bay tiếp tục tăng cường công tác phối hợp phòng, chống gian lận thương mại và buôn lậu, lực lượng kiểm soát Hải quan nắm tình hình, trao đổi với các lực lượng chức năng của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Quản lý thị trường, Văn phòng Thường trực 389 quốc gia để phối hợp bắt giữ, xử lý nghiêm các vụ việc hàng cấm nhập khẩu (vũ khí quân dụng, súng hơi, đạn súng hơi ...).
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan thông qua việc triển khai thủ tục hải quan điện tử gắn liền với quản lý rủi ro, thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu đồng thời đảm bảo công tác kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại trên các tuyến, địa bàn, đặc biệt là tuyến hàng không, góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại, đảm bảo an ninh hàng không, trật tự an toàn xã hội.
Ứng dụng triệt để công nghệ thông tin, phát huy vai trò của Hệ thống giám sát Hải quan trực tuyến, tăng cường phân tích dữ liệu để xác định phương thức, thủ đoạn, đối tượng trọng điểm nhằm tập trung theo dõi, kiểm soát tại Chi cục Hải quan sân bay quốc tế, bưu điện, địa điểm làm thủ tục hải quan...
Với sự chủ động trong công tác đấu tranh với hành vi gian lận qua đường hàng không, từ cuối năm 2020 đến hết tháng 4/2021 lực lượng kiểm soát ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ 203 vụ vi phạm liên quan đến buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, gian lận thương mại và hàng giả; trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 16,535 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, để công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mặt qua đường hàng không đạt hiệu quả, Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Hải quan tăng cường thực hiện các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan, chủ động nắm chắc diễn biến tình hình đối với các tuyến hàng không để chủ động dự báo, cảnh báo các hiện tượng nổi cộm và xây dựng, triển khai kịp thời các kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh.
Chỉ đạo cơ quan Hải quan các cấp tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng và các cơ quan liên ngành trên địa bàn về nắm bắt tình tình địa bàn, trao đổi thông tin, đối tượng, phương thức thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả. Tăng cường sử dụng hiệu quả các trang thiết bị công nghệ cao trong công tác kiểm tra, giám sát hàng hóa và công tác theo dõi, phân tích trên hệ thống thiết bị giám sát trực tuyến.
Hà Trần