Theo đó, mục đích là để cải tạo đưa mỏ về trạng thái an toàn, làm hàng rào bảo vệ, phục hồi môi trường xung quanh khu vực mỏ, khu vực ảnh hưởng, bảo vệ tài nguyên khoáng sản còn lại, bàn giao khu vực mỏ cho Nhà nước quản lý.
Nhiều hố sâu hàng chục mét tiềm ẩn nhiều nguy hại sau khi các công ty khai đá để lại
Trước đó, mỏ đá xây dựng tại khu vực Lèn Chùa, phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai đã được UBND tỉnh Nghệ An cấp phép khai thác cho 3 doanh nghiệp bao gồm: Công ty TNHH Thanh Xuân, Công ty TNHH Xuân Hùng, Công ty TNHH Xuân Chung.
Tuy nhiên, sau khi giấy phép khai thác đá các doanh nghiệp này hết hạn, các công ty này vẫn tiếp tục khai thác, vận chuyển đá đi tiêu thụ. Thậm chí, Công ty Thanh Xuân, Công ty Xuân Chung còn tiến hành xây dựng các trạm trộn bê tông, công trình ngay trong khu vực mỏ.
Phát hiện sự việc, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Xuân Hùng và Công ty TNHH Thanh Xuân với số tiền 120 triệu đồng/đơn vị. Đồng thời, tỉnh Nghệ An yêu cầu 2 doanh nghiệp này phải tiến hành san lấp, phục hồi môi trường, thực hiện các giải pháp đưa các khu vực đã khai thác vượt quá độ sâu khai thác về trạng thái an toàn. Tuy nhiên, các công ty này không thực hiện.
Trước vấn đề đó, căn cứ vào phiên họp thẩm định của Hội đồng thẩm định khoáng sản tỉnh Nghệ An, ngày 6/11/2018, UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt "Đề án quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản đá xây dựng tại khu vực Lèn Chùa, phường Quỳnh Xuân, TX Hoàng Mai". Diện tích đóng cửa mỏ của Công ty Xuân Hùng là 3,43 ha; diện tích đóng cửa mỏ của Công ty Thanh Xuân là 4,14 ha.
Cũng liên quan đến việc khu vực mỏ đá Lèn Chùa “mọc” lên 2 trạm trộn bê tông không phép, UBND thị xã Hoàng Mai đã có công văn về việc xử lý sai phạm tại trạm trộn bê tông thương phẩm xây dựng trái phép ở phường Quỳnh Xuân (thị xã Hoàng Mai). Đồng thời, lãnh đạo UBND phường Quỳnh Xuân cũng bị phê bình do chưa thực hiện nghiêm túc kiến nghị của tổ công tác liên ngành tỉnh Nghệ An.
Hoàng Linh