Đồng USD hướng tới tuần tăng thứ 2 liên tiếp sau khi kết thúc phiên giao dịch vừa qua, trong bối cảnh việc tăng lãi suất nhẹ ở Nhật Bản khiến đồng yên giảm nhẹ, cùng với động thái cắt giảm lãi suất bất ngờ ở Thụy Sĩ đã làm nổi bật sự khác biệt trong chính sách lãi suất giữa Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác.
Tuần này đánh dấu sự thay đổi trong chính sách tiền tệ toàn cầu khi Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) và các ngân hàng trung ương ở các nước đang phát triển bắt đầu cắt giảm lãi suất hoặc tiết lộ dự định cắt giảm lãi suất, trong đó tháng 6 có thể là thời điểm Ngân hàng Trung ương Châu Âu bắt đầu đưa ra hành động.
Đồng USD tăng giá so với tất cả các loại tiền tệ khác, ngoại trừ đồng yên, do nền kinh tế Mỹ tương đối mạnh và lãi suất cao đã giúp hoạt động giao dịch buôn bán được đẩy mạnh. Nhưng việc cắt giảm lãi suất của Thụy Sĩ, lần đầu tiên được thực hiện bởi một ngân hàng trung ương lớn ở châu Âu, đã đánh dấu một sự thay đổi rõ ràng.
Fed đã giữ lãi suất qua đêm ở mức từ 5,25% -5,5% cùng khả năng 3 lần cắt giảm vào cuối năm nay. Nhưng họ cũng cho biết sẽ không cắt giảm cho đến khi tin chắc rằng lạm phát đang giảm bền vững về mục tiêu 2%.
Thị trường đang định giá Fed sẽ tiến hành cắt giảm khoảng 84 điểm cơ bản trong năm nay - thấp hơn nhiều so với mức 160 điểm cơ bản vào đầu năm - nhưng cao hơn so với đầu tuần khi đặt cược cắt giảm lãi suất tăng cao.
Trong khi đó, đồng USD giảm 0,12% so với đồng yên Nhật, xuống mức 151,44/USD.
Với việc đồng USD tăng giá, đồng euro đã chạm mức thấp nhất trong ba tuần, giảm 0,5% trong phiên giao dịch vừa qua, xuống mức 1,0806 USD.
Tại thị trường trong nước, vào đầu phiên giao dịch ngày 23/3, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD giảm 2 đồng, hiện ở mức 24.003 đồng.
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra giảm nhẹ, hiện ở mức 23.400 đồng - 25.153 đồng.
Tỷ giá Euro tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra giảm nhẹ, hiện ở mức 24.775 đồng – 27.383 đồng.
Việt Anh (t/h)