Đồng USD tăng vào phiên giao dịch vừa qua, được củng cố bởi những bình luận "diều hâu" từ các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng như dữ liệu cho thấy thị trường nhà ở ổn định ở nền kinh tế lớn nhất thế giới, cả hai đều cho thấy Ngân hàng Trung ương sẽ không vội vàng bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất.
Thống đốc Fed Michelle Bowman đã nhấn mạnh lại quan điểm của bà vào ngày 25/6 rằng việc duy trì lãi suất chính sách ổn định “trong một thời gian” có thể sẽ giúp kiểm soát lạm phát. Bà cũng nhắc lại sự sẵn sàng tăng chi phí đi vay nếu cần thiết.
Còn theo Thống đốc Fed Lisa Cook, việc cắt giảm lãi suất vào một thời điểm nào đó là phù hợp khi có tiến triển đáng kể về lạm phát và thị trường lao động đang dần hạ nhiệt.
Dữ liệu kinh tế hỗn hợp của Mỹ vẫn cho phép đồng USD giữ được mức tăng.
Một báo cáo cho thấy giá nhà dành cho một gia đình ở Mỹ tăng với tốc độ ổn định trong tháng 4, tăng 0,2% trong tháng 5 và không thay đổi trong tháng 3. Điều đó đã đẩy đồng USD tăng giá.
Tuy nhiên, niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đã giảm nhẹ trong tháng 6, với chỉ số này ở mức 100,4, giảm từ mức 101,3 trong tháng 5, theo Conference Board. Tuy nhiên, con số tháng 6 cao hơn một chút so với dự báo của thị trường là 100.
Các nhà đầu tư hiện đang chờ đợi chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ - thước đo lạm phát ưa thích của Fed được công bố vào ngày 28/6.
Đồng USD tăng 0,1% so với đồng yên, đạt mức 159,68 yên. Những lo ngại về sự can thiệp từ các quan chức Nhật Bản đã ngăn cản các nhà giao dịch bán mạnh đồng yên.
Tại thị trường trong nước, vào đầu phiên giao dịch ngày 25/6, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD giảm 9 đồng, hiện ở mức 24.253 đồng.
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra giữ nguyên, hiện ở mức 23.400 đồng - 25.450 đồng.
Tỷ giá EUR tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra tăng nhẹ, hiện ở mức 24.733 đồng – 27.336 đồng.
Việt Anh (t/h)