Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đồng USD giảm vào phiên giao dịch vừa qua, sau khi dữ liệu sửa đổi cho thấy tổng sản phẩm quốc nội, thước đo rộng nhất về hoạt động kinh tế Mỹ, tăng trưởng với tốc độ chậm hơn dự kiến trong quý đầu tiên.

Theo đó, Bộ Thương mại báo cáo nền kinh tế Mỹ tăng trưởng với tốc độ 1,3% hằng năm, trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3, giảm so với ước tính trước đó là 1,6%.

Việc hạ mức tăng trưởng trong quý đầu tiên diễn ra sau sự suy giảm gần đây về doanh số bán lẻ và chi tiêu thiết bị, điều này đã góp phần làm giảm bớt sự đặt cược vào việc cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Mức tăng 15 điểm cơ bản trong hai ngày lên trên mốc 4,6% đối với lãi suất trái phiếu kho bạc dài hạn Mỹ đã giúp đẩy đồng USD lên mức cao nhất trong hai tuần vào ngày 29/5.

Chỉ số DXY tăng lên mốc 105,18 chỉ sau một đêm, mức cao nhất kể từ ngày 14/5, nhưng cuối cùng đã giảm trở lại mốc 104.

Việc công bố chỉ số giá Chi dùng cá nhân - thước đo lạm phát ưa thích của Fed vào ngày hôm nay 31/5 có thể cung cấp thêm dấu hiệu về cách Ngân hàng Trung ương có thể tiến hành cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay.

Kỳ vọng về việc Fed giảm lãi suất trong năm nay đã giảm xuống trong bối cảnh lạm phát vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, gần đây nhất là với sự gia tăng bất ngờ về tâm lý người tiêu dùng qua dữ liệu công bố ngày 28/5.

Đồng USD đã giảm 0,53% so với đồng yên Nhật ở mức 156,805, sau khi chạm mức cao nhất trong một tháng là 157,72 vào phiên giao dịch trước đó.

Ở một diễn biến ngược lại, đồng euro đã tăng 0,3%, đạt mức 1,083 USD.

Tại thị trường trong nước, vào đầu phiên giao dịch ngày 31/5, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD tăng 5 đồng, hiện ở mức 24.258 đồng.

Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra giữ nguyên, hiện ở mức 23.400 đồng - 25.450 đồng.

Tỷ giá euro tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra giảm nhẹ, hiện ở mức 24.881 đồng – 27.500 đồng.

Việt Anh (t/h)