Đồng USD tăng giá vào phiên giao dịch vừa qua, sau khi dữ liệu mới công bố cho thấy lạm phát tăng nhẹ đúng như dự đoán, trong khi chi tiêu và thu nhập cá nhân tăng, hỗ trợ kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ cắt giảm lãi suất ở mức 25 điểm cơ bản vào tháng tới, thay vì 50 điểm cơ bản.
Một số nhà đầu tư kỳ vọng mức cắt giảm lãi suất lớn hơn vào tháng tới với quan điểm rằng Fed đang tụt hậu về tốc độ nới lỏng chính sách.
Các hợp đồng tương lai lãi suất của Mỹ đặt cược 31% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản vào tháng tới, giảm so với xác suất 35% của một ngày trước đó, trong khi đặt cược gần như chắc chắn về động thái nới lỏng chính sách ở mức 25 điểm cơ bản tại cuộc họp vào tháng 9 sau hơn bốn năm.
Thị trường cũng đã ước tính Fed sẽ cắt giảm khoảng 100 điểm cơ bản tính đến thời điểm cuối năm 2024.
Đồng USD tăng 0,8%, đạt mức 146,09 yên sau dữ liệu lạm phát, mức tăng hằng ngày lớn nhất trong hai tuần. Đồng USD đã tăng 1,2% trong tuần qua, trên đà tăng hằng tuần lớn nhất kể từ giữa tháng 6. Tuy nhiên, đồng bạc xanh vẫn giảm 2,6% trong tháng 8, giảm trong tháng thứ 2 liên tiếp so với đồng tiền Nhật Bản.
Dữ liệu công bố ngày 30/8 cho thấy Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tăng 0,2% trong tháng trước, phù hợp với kỳ vọng, sau khi tăng 0,1% trong tháng 6. Trong 12 tháng tính đến tháng 7, chỉ số giá PCE tăng 2,5%, tương ứng với mức tăng của tháng 6.
Chi tiêu của người tiêu dùng cũng tăng 0,5% vào tháng 7, sau khi tăng 0,3% vào tháng 6.
Chỉ số DXY đã tăng lên mức cao nhất trong 10 ngày sau dữ liệu lạm phát và tăng 0,3%, đạt mức 101,7. Trong tuần, chỉ số này đã tăng 1%, hướng đến hiệu suất hằng tuần tốt nhất kể từ đầu tháng 4. Tuy nhiên, trong tháng này, chỉ số DXY đã giảm 2,6%, mức thấp nhất kể từ tháng 11 năm ngoái.
Nhìn chung, đồng USD tiếp tục được hưởng lợi từ dòng tiền vào cuối tháng, sau khi bị bán tháo ồ ạt, trong bối cảnh Chủ tịch Fed Jerome Powell tại cuộc họp ở Jackson Hole tuần trước đã đưa ra tín hiệu rõ ràng nhất về việc Ngân hàng trung ương Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất tại cuộc họp vào tháng 9.
Các báo cáo kinh tế riêng biệt cho thấy, cuộc khảo sát chỉ số tâm lý người tiêu dùng hằng tháng của Đại học Michigan đã tăng từ mức thấp nhất trong 8 tháng là 66,4 trong tháng 7, lên mức 67,9 vào tháng 8, phá vỡ đà trượt dốc kéo dài bốn tháng. Người tiêu dùng Mỹ dự đoán lạm phát tiếp tục giảm nhẹ trong năm tới.
Ở một diễn biến khác, đồng EUR giảm 0,2% so với đồng USD, xuống còn 1,1050 USD. Đồng tiền này đã giảm 1,3% trong tuần này, trên đà giảm tuần lớn nhất kể từ tháng 4.
Tại thị trường trong nước, vào đầu phiên giao dịch ngày 31/8, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD tăng 3 đồng, hiện ở mức 24.224 đồng.
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra tăng nhẹ, hiện ở mức: 23.400 đồng - 25.385 đồng.
Tỷ giá EUR tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra giảm nhẹ, hiện ở mức: 25.499 đồng – 28.183 đồng.
Tỷ giá yên Nhật tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra giữ nguyên, hiện ở mức: 159 đồng – 176 đồng.
Việt Anh (t/h)