Trên thị trường thế giới, chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tăng 0,52% lên mức 96,07.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng Mười đã tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái, ghi nhận tỷ lệ lạm phát cao nhất trong hơn 30 năm qua. Giá cả mọi mặt hàng đều tăng mạnh, từ xăng dầu, thực phẩm đến xe ô tô cũ. Đối với một hộ gia đình có thu nhập trung bình gần 70.000 USD mỗi năm, ước tính mức tăng lạm phát này làm tăng chi phí sinh hoạt của họ thêm gần 200 USD mỗi tháng.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell khẳng định, giá cả hàng hóa và dịch vụ tại Mỹ tăng vọt chủ yếu do chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn và đây nhiều khả năng chỉ là vấn đề tạm thời.
Theo các chuyên gia, mức lạm phát cao hiện nay sẽ không duy trì trong dài hạn. Lạm phát được dự báo sẽ không giảm trong vòng một đến ba tháng nữa, bởi những nỗ lực ổn định tình hình kinh tế - xã hội toàn cầu, do đại dịch Covid-19 gây ra sẽ cần nhiều thời gian nữa.
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD ở mức 23.112 đồng. Tỷ giá USD tham khảo tại Sở giao dịch ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra: 22.650 đồng - 23.755 đồng. Tỷ giá Euro tại Sở giao dịch ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra: 25.480 đồng - 27.056 đồng.
Nguyễn Kiên