Hướng tới phát triển nền nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn, giá trị kinh tế cao, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương và người sản xuất cần chủ động thay đổi tư duy, cách làm. Sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu và là giải pháp hiệu quả đang được triển khai trên địa bàn tỉnh.
Từ tiềm năng, lợi thế cũng như những nỗ lực, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, lĩnh vực thu hút đầu tư vào nông nghiệp của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng kể. Tính đến tháng 8/2023, tỉnh Thanh Hóa có khoảng 1.290 DN hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm và thủy sản.
Đáng chú ý, trên địa bàn đã xuất hiện những DN lớn, có tiềm lực kinh tế mạnh, đầu tư xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, xây dựng nhà máy chế biến quy mô, đóng vai trò “đầu tàu” phát triển nền nông nghiệp hiện đại. Tiêu biểu như Tập đoàn TH, Tập đoàn Xuân Thiện, Tập đoàn DABACO, Công ty CP Nông sản Phú Gia...
Bên cạnh đó, một số địa phương cũng đã có những khởi sắc trong thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Tại huyện Yên Định, phát huy thế mạnh về đất đai, truyền thống sản xuất, địa phương đã thu hút được nhiều DN như Công ty CP Giống cây trồng Trung ương, Tập đoàn ThaiBinh Seed, Công ty TNHH Thương mại Lựu Sướng, Công ty TNHH MTV Bò sữa Thống Nhất... liên kết với nông dân xây dựng các mô hình sản xuất lúa gạo, giống lúa chất lượng cao và liên kết sản xuất, tiêu thụ cây thức ăn chăn nuôi.
Theo thống kê của chi cục phát triển nông thôn, 7 tháng năm 2023 trong khi toàn tỉnh có 1.531 DN thành lập mới thì số DN thành lập mới trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chỉ khiêm tốn ở mức 83 đơn vị, chiếm 5,4%. Ở một tiêu chí khác, toàn tỉnh chấp thuận 33 dự án đầu tư trực tiếp (gồm 24 dự án đầu tư trong nước, 9 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài), với tổng số vốn đầu tư đăng ký 8.949 tỷ đồng và 131,4 triệu USD, thì lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chỉ thu hút được 4 dự án gồm: Nhà máy sản xuất viên nén xuất khẩu; Dự án Nhà máy dinh dưỡng cây trồng Samex tại xã Thăng Thọ, huyện Nông Cống; Khu nuôi trồng thủy hải sản VNC tại phường Hải Châu, thị xã Nghi Sơn; Trang trại chăn nuôi lợn Điền Thượng (Bá Thước), với tổng mức đầy tư hơn 559 tỷ đồng. Đây là con số khá khiêm tốn trong bức tranh tổng thể thu hút đầu tư của tỉnh.
Đầu tư hàng trăm triệu đồng, san lấp mặt bằng, thuê đất, lắp đặt hệ thống tưới tự động để sản xuất dược liệu như bạc hà, hương nhu, sâm báo... quy mô lớn tại thôn Mót, xã Nguyệt Ấn (Ngọc Lặc), Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và Phát triển nông nghiệp Vinaco bước đầu hình thành được vùng sản xuất dược liệu quy mô lớn, diện tích hơn 2,5 ha.
Giám đốc Công ty Nguyễn Thị Vân cho biết:
Với mong muốn phát triển được vùng sản xuất nguyên liệu phục vụ chiết xuất tinh dầu từ dược liệu, công ty đã thuê đất 5% của địa phương làm khu sản xuất, tạo việc làm ổn định cho 5 lao động. Bên cạnh việc tạo được vùng nguyên liệu cho sản xuất, chúng tôi còn có định hướng vừa sản xuất nông nghiệp, vừa “đón” xu hướng để phát triển loại hình du lịch canh nông. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn về nguồn vốn, lao động và điều kiện tự nhiên.
Được biết, những lứa dược liệu đầu tiên của công ty tại xã Nguyệt Ấn đã không thành công khi liên tục gặp khó khăn về thời tiết, kinh nghiệm sản xuất.
Anh Bùi Việt Cường, quản lý khu sản xuất dược liệu cho hay: Lứa cây bạc hà đầu tiên nhập từ Hà Giang về trồng, do nắng nóng kéo dài, khu sản xuất địa hình cao và chưa có kinh nghiệm sản xuất nên cây không thể sinh trưởng, phát triển được, thiệt hại hàng chục triệu đồng. Song, đây cũng là bài học kinh nghiệm để chúng tôi vào những vụ sản xuất tiếp theo hiệu quả, thành công hơn.
Chia sẻ về những hạn chế hiện nay trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Lê Bá Lương chia sẻ:
Từ những nỗ lực của tỉnh, những dự án có số vốn đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng đã được triển khai, đem lại diện mạo mới, tư duy sản xuất mới, góp phần hình thành nền nông nghiệp hiện đại. Ngoài các dự án chăn nuôi bò, lợn, gà quy mô công nghiệp của Vinamilk, Tập đoàn TH, Marvin... đã có thêm nhiều dự án đầu tư trong các lĩnh vực lâm nghiệp, trồng chè, cây ăn quả, dược liệu đầu tư vào địa bàn tỉnh, tạo việc làm cho khoảng 19.200 lao động.
Song, trên thực tế, nông nghiệp là lĩnh vực đầu tư có nhiều rủi ro, luôn đối diện thách thức về biến đổi khí hậu, thiên tai khó lường, hạn hán và xâm nhập mặn, dịch bệnh, giá cả thị trường biến động, sự thay đổi nhu cầu và phương thức tiêu dùng... nên việc mời gọi DN đầu tư không dễ dàng.
Bên cạnh đó, Thanh Hóa là địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, khí hậu trong khi bảo hiểm nông nghiệp còn nhiều bất cập cũng khiến cho DN e dè trong việc đầu tư...
PV (T/h)