Ukraine trước

Các tổ chức dân tộc chủ nghĩa cực đoan mọc lên như nấm sau mưa tại Ukraine trong bối cảnh khủng hoảng

Lộng hành

Theo Warontherocks, chính phủ Ukraine rất muốn duy trì quan hệ tốt với các lực lượng tình nguyện này, đặc biệt là kể từ khi một số đội quân này sáp nhập chính thức vì dù sao những đội quân này cũng có công trong cuộc chiến bảo vệ đất nước. Trớ trêu thay, các cựu chiến binh tình nguyện đã phải đấu tranh để được điều trị y tế và nhận hỗ trợ khác từ nhà nước, trong khi nhà nước vẫn tiếp tục dựa vào các quân đoàn tình nguyện này.

Tuy nhiên những mối nguy hiểm từ các đơn vị này hoàn toàn là thật. Cánh Hữu đã gây ảnh hưởng lên quốc hội Ukraine. Hơn nữa, một số cựu chỉ huy đã đưa ra những lời đe dọa bạo lực đối với tầng lớp lãnh đạo hiện nay.

Ví dụ như các tiểu đoàn Donbass và Aidar phá hoại tiến trình chính trị ở Ukraine vào tháng 1/2017. Dưới sự lãnh đạo của Semenchenko, hai tiểu đoàn này đã cấm vận than nhập vào từ các vùng lãnh thổ ly khai Donetsk và Luhansk (gọi chung là Donbass). Nguồn than antraxit chiếm đến 50% sản xuất điện của Ukraine và nước này cũng đã thỏa thuận với các lực lượng ly khai ở Donbass tiếp tục thu mua than antraxit.

Cuộc cấm vận của quân tình nguyện Ukraine đã bị tổng thống Poroshenko và các cố vấn của ông lên án. Họ lo sợ rằng sự việc sẽ đe doạ tình hình tài chính đang hết sức yếu kém của nước này, khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và Ukraine sẽ buộc phải nhập hàng đắt đỏ hơn từ Nam Phi hoặc Mỹ. Hơn nữa việc cắt đứt các mối quan hệ sẽ khiến việc đưa vùng Donbass trở về Ukraine càng khó khăn hơn.

Vào tháng 2/12017, chính phủ Kiev đã buộc phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp về năng lượng do thiếu hụt nguồn cung cấp than. Trong khi đó, lực lượng dân quân thân Nga đã phản ứng trước cuộc cấm vận bằng cách chiếm lấy các nhà máy của các nhà tài phiệt kinh tế ủng hộ chính quyền Kiev ở Donbass.

Ngày 13/3, các nhà chức trách Ukraine quyết định tấn công các điểm cấm vận và bắt giữ 43 nhà hoạt động từ chối giải giáp. Tuy nhiên các nhà hoạt động được thả ngay sau khi những người ủng hộ chiếm các tòa nhà hành chính ở bốn khu vực, phong tỏa tuyến vận tải của nhà máy sản xuất kẹo Roshen của ông  Poroshenko ở thị trấn Yagotyn.

Ukraine trước

Chính quyền Kiev nhiều khi tỏ ra bất lực trong việc khống chế các nhóm hoạt động mang tư tưởng dân tộc cực đoan và phát xít mới

Ông Poroshenko vào ngày 15/3 đã chính thức cấm vận tạm thời các nguồn hàng đường bộ và đường sắt từ Donbass cho đến khi lực lượng thân Nga trả lại các nhà máy về tay các thương gia ở Ukraine.

Warontherocks cho rằng ông Poroshenko làm như vậy một phần là vì người dân Ukraine đã biết quá rõ về cuộc cấm vận. Người dân Ukraine phản đối việc bắt giữ lực lượng tình nguyện vì cấm vận nguồn cung than từ phía lãnh thổ ly khai. Như vậy, chính lực lượng quân tình nguyện đã điều hướng chính sách của Ukraine.

Vào tháng 6, ông Semenchenko đã yêu cầu Ukraine ngưng nhập khẩu than antraxit từ Nga, đe dọa sẽ thực hiện thêm các cuộc phong tỏa khác nếu chính phủ không hành động. Trong khi đó, Ukraine đã bắt đầu nhập khẩu than than antraxit từ bang Pennsylvania xa xôi ở nước Mỹ.

Người bảo trợ cho hai nhóm quân tình nguyện Donbas và Aidar, ông Kolomoisky, được cho là người thế lực nhất đứng sau cuộc phong tỏa. Kolomoisky từ lâu đã được biết đến vì luôn sử dụng các lực lượng vũ trang tư nhân để giải quyết các tranh chấp về kinh doanh. Và vào năm 2015, một nhóm dân quân vũ trang dưới sự chỉ huy của ông (liên kết với Dnipro-1) đã chiếm giữ trụ sở chính của công ty dầu UkrTransNaft ở Kiev trong cuộc chiến giành quyền kiểm soát với chính phủ ông Poroshenko.

Cuộc tranh chấp năm 2015 dường như đã được giải quyết bằng một thỏa thuận, đảm bảo rằng tài chính của Kolomoisky sẽ không bị điều tra, nhưng ông ta không được quyền đảm nhiệm chức vụ thống đốc và lãnh đạo UkrTransNaft nữa. Việc cấm vận than antraxit là hành động leo thang, sử dụng cưỡng chế quân sự để thỏa thuận với chính phủ Kiev, giờ đây đang mở rộng ra ngoài các tranh chấp thương mại, tới cả các quyết định chính sách đối ngoại.

Một ví dụ khác về hành động quân sự bạo lực diễn ra ở Kiev vào ngày 1/6. Các cựu chiến binh của tiểu đoàn Azov và các tiểu đoàn tình nguyện khác đã xông vào Tòa Thị chính đòi bồi thường và trợ cấp cùng các phúc lợi khác mà cựu chiến binh trong quân đội nhà nước nhận được. Họ đã xô xát với lực lượng an ninh của Tòa Thị chính và đã đòi được một cuộc bỏ phiếu trao cho họ các quyền lợi.

Bài học lịch sử

Ukraine không phải là quốc gia đầu tiên phát triển các nhóm dân quân hỗ trợ chính phủ. Các cường quốc từ vương quốc Anh đến Nga và Mỹ trong quá khứ thường thương lượng với các lãnh chúa để quản lý các tình huống an ninh nghiêm trọng, đổi lợi ích để lấy lòng trung thành.

Tuy nhiên, theo Warontherocks, lịch sử cũng cho thấy rằng lực lượng dân quân quyền lực không thuộc quyền kiểm soát của nhà nước thường hết sức nguy hiểm. Họ có thể phục vụ vì một mục đích quan trọng trong thời gian ngắn, nhưng sau đó các lực lượng này có thể làm suy yếu sự thống nhất, cản trở sự phát triển dân chủ, vi phạm nhân quyền, và thậm chí trở nên mạnh mẽ đến mức họ không thể đụng tới. Có thể tìm thấy ví dụ ở các quốc gia như Afghanistan, Iraq, Nga, Liberia, và thậm chí cả Mỹ.

Vậy những bài học nào từ lịch sử mà Ukraine và các đối tác Mỹ và phương Tây có thể rút ra để duy trì sự ổn định và hòa bình khi đối mặt với lực lượng dân quân?

Thứ nhất, Kiev nên ngừng đàm phán với Cánh Hữu (Right Sector) và tuyên bố lực lượng vũ trang của phe này là bất hợp pháp, truy tố những người tiếp tục chiến đấu dưới cờ của đảng có tư tưởng phát xít mới này trong khi cho phép các cựu thành viên tham gia vào Bộ Quốc phòng và các lực lượng an ninh quốc gia khác.

Thứ hai, các tiểu đoàn đã được chính thức tích hợp vào các cơ quan an ninh nhà nước nên được tổ chức theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Quan hệ chính thức với các đảng phái chính trị cần bị cấm, và chính phủ truy tố các nhóm cựu chiến binh vũ trang đã từng hoạt động chính trị. Các thành viên của Quốc hội và các quan chức chính phủ trong thời gian đó không được giữ chức vụ chỉ huy và không được phục vụ trong lực lượng vũ trang.

Thứ ba, kinh nghiệm quốc tế trong các trường hợp từ Sierra Leone đến Colombia cho thấy các mạng lưới dày đặc kết nối các lực lượng dân quân với nhau khiến các lực lượng này phát triển mạnh mẽ. Chính phủ Ukraine có thể vượt qua điều này bằng cách cung cấp hỗ trợ và đào tạo cho các chiến binh, để họ ít phụ thuộc về kinh tế. Ukraine nên đảm bảo rằng tất cả các đơn vị cảnh sát và quân đội cùng các cựu chiến binh sẽ được nhà nước cung cấp vũ khí, đào tạo, thu nhập và lợi ích chứ không phải từ những lực lượng tự nguyện.

Ukraine trước

Những tổ chức cực hữu như Right Sector tham gia sâu vào đời sống chính trị và cả hành pháp ở Ukraine

Mỹ và Canada có thể giúp đỡ thông qua thuế và các luật khác, khuyến khích các nhóm ủng hộ Kiev ở nước ngoài quyên góp cho một quỹ do chính phủ Ukraine kiểm soát. Điều 22 của luật năm 2014 thành lập Bộ Quốc phòng của Ukraine cho phép các nguồn tài trợ tài chính không xác định bên ngoài ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chính phủ Ukraine nên điều chỉnh cách các khoản tín dụng từ các doanh nghiệp Ukraine, cộng đồng người nước ngoài và công dân bình thường có thể được sử dụng, để phá vỡ sự phụ thuộc vào bên ngoài.

Điều này cũng có nghĩa là Kiev nên đào tạo, mang đến các cơ hội việc làm và phân nhà ở cho các cựu chiến binh tiểu đoàn để cắt đứt mối liên hệ về tài chính với các cựu chỉ huy. Nếu không, khuynh hướng tự nhiên, đặc biệt là đối với các nhóm vũ trang địa phương, sẽ là chỉ thay đổi tên gọi, trong khi vẫn sẵn sàng theo chỉ thị của các cựu chỉ huy.

Thứ tư, điều quan trọng là nhà nước phải có được thông tin tình báo chính xác về lợi ích kinh doanh và các cơ cấu khuyến khích khác kết nối các lực lượng vũ trang với nhau, bởi vì điều này có thể giúp đẩy các thành viên của các nhóm này vào vòng tay của chính phủ.

Ví dụ, ở Georgia vào giữa những năm 2000, các quan chức chính phủ sử dụng các mối quan hệ cá nhân để có được sự tin tưởng của địa phương và từ đó có được thông tin cho phép nhà nước tái thiết lập quyền kiểm soát hai khu vực của đất nước bị các nhân vật thế lực Ajara và Upper Kodori chiếm đóng. Bằng cách này, Tbilisi đã chuyển dân quân và tín đồ của các nhân vật thế lực sang tay chính phủ.

Khi một trận đánh lớn không phá hủy được lòng trung thành của dân quân, như đã xảy ra ở Ukraine trong những năm gần đây, việc giám sát dài hạn và lôi kéo có thể là giải pháp thay thế tốt.

Tuy nhiên báo Mỹ khuyên các nhà chức trách Ukraine không nên truy tố các tài phiệt chính trị quá nhanh nếu một cách tiếp cận chậm hơn sẽ cho phép Kiev có thêm thông tin tình báo và đưa các cựu chiến binh về phía chính phủ.

Thứ năm, cả Ukraine lẫn những người ủng hộ phương Tây đều phải đảm bảo rằng biết ơn những đóng góp của các đội quân tình nguyện không có nghĩa là dung thứ cho bạo lực cực đoan. Cả Kiev lẫn Washington đều không nên nhắm mắt làm ngơ hành động cực đoan ngay cả khi có liên quan đến các quan chức chính phủ Ukraine.

Cuối cùng, Warontherocks cho rằng các đối tác phương Tây của Kiev phải nghiêm túc nhìn nhận túc vấn đề này, nói cách khác là phải hỗ trợ cho Kiev trong việc thực hiện các khuyến nghị trên. Tiếp tục hỗ trợ an ninh, đặc biệt là phải đảm bảo rằng lực lượng tình nguyện từng hết mình bảo vệ Ukraine sẽ không trở thành mối đe dọa đối với an ninh nước này.

Đặng Phương Thảo - VietTimes