THCL - Tổng thống Petro Poroshenko thông báo sẽ trưng cầu dân ý về việc gia nhập NATO khi chính tổ chức này còn đang e ngại.

Hôm 2/2, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho biết ông muốn tiến hành trưng cầu dân ý về việc Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Trả lời phỏng vấn tờ Funke Mediengruppe (Đức) khi đang thăm Berlin, ông Poroshenko khẳng định ông muốn tiến hành trưng cầu dân ý sau khi kết quả các cuộc khảo sát cho thấy 54% người dân Ukraine ủng hộ điều này.

Trưng cầu dân ý gia nhập NATO: Ukraine cứ muốn là được? - Hình 1

Tổng thống Petro Poroshenko đang có chuyến thăm tại Berlin

“Cách đây 4 năm, chỉ 16% người dân Ukraine ủng hộ việc gia nhập NATO. Bây giờ là 54%. Với tư cách Tổng thống, tôi được định hướng bởi quan điểm của người dân và tôi sẽ tiến hành trưng cầu dân ý về việc gia nhập NATO. Tôi sẽ làm mọi thứ có thể để Ukraine là thành viên NATO nếu người dân ủng hộ điều này”, ông Poroshenko nói.

Chưa cần nói tới việc người dân Ukraine có muốn gia nhập NATO, ngay cả trong trường hợp 100% số phiếu trưng cầu dân ý ủng hộ việc gia nhập NATO là có thật, liên minh quân sự này cũng còn rất lâu mới tính toán tới việc sẽ cho Ukraine tham gia.

Theo website của NATO, tổ chức này và Ukraine có mối quan hệ thân thiết kể từ đầu thập niên 1990 và đây là mối quan hệ đối tác quan trọng nhất. Tuy nhiên, nếu NATO chấp nhận Ukraine là thành viên có thể sẽ kích ngòi căng thẳng với Nga. Nga từng tố NATO đã vi phạm các thỏa thuận trước đây khi tiếp nhận Ba Lan và các quốc gia Đông Âu làm thành viên trong thập niên 1990.

Trong tình hình hiện nay do mối quan hệ giữa Mỹ- Nga dưới thời tân Tổng thống Donald Trump cũng như những chính sách chưa rõ ràng của ông về NATO hay châu Âu thì NATO vẫn còn chưa dám có những bước đi gây căng thẳng với Nga.

Tổng thống Poroshenko cũng dự đoán rằng Ukraine sẽ không mất nhiều thời gian để nước này hoàn thành các tiêu chí gia nhập Liên minh châu Âu. Ông cho biết Kiev đã giảm thâm hụt ngân sách và lạm phát, và đã có các bước đi quan trọng nhằm hạn chế tham nhũng.

“Châu Âu nên nhận ra rằng khối này sẽ an toàn hơn, tin cậy và hạnh phúc hơn cùng Ukraine”, ông Poroshenko nói.

Hồi năm ngoái, EU đã đạt được một thỏa thuận hợp tác lịch sử với Ukraine, nhưng thỏa thuận này không đồng nghĩa với việc Ukraine trở thành một thành viên của Liên minh châu Âu.

Ukraine hơn lúc nào hết đang cố giành lấy sự ưu tiên của châu Âu sau khi tân Tổng thống Mỹ nhậm chức và ngày càng thể hiện xu hướng xích lại gần Nga. Tuy nhiên, phát ngôn về trưng cầu dân ý lúc này của Tổng thống Ukraine dường như không ăn nhập với tình hình và chẳng còn giá trị nào.

Mới đây, NATO cũng đã hoãn cuộc gặp với quan chức Ukraine, nhằm thảo luận về khả năng các mảnh vỡ của hệ thống phòng thủ tên lửa mà NATO triển khai ở Romania có thể rơi vào lãnh thổ quốc gia Đông Âu này.

Trưng cầu dân ý gia nhập NATO: Ukraine cứ muốn là được? - Hình 2

NATO vẫn đang chần chừ với Nga

Theo tờ The Wall Street Journal, NATO đã hoãn kế hoạch tổ chức một cuộc họp với các quan chức Ukraine liên quan tới hoạt động của hệ thống phòng thủ tên lửa NATO ở Romania, do lo ngại những phản ứng từ Nga.

Nguồn tin khẳng định, NATO đang trong “thế khó xử”. Một mặt, NATO đang tăng cường các lực lượng quân sự sát biên giới với Nga, mặt khác, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết sẽ xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với Moscow.

Hoãn cuộc gặp với giới chức Ukraine, theo tờ báo Mỹ, là vì NATO không muốn phá hoại mối quan hệ với Nga.

“Có những sự thận trọng nhất định liên quan đến Ukraine (đàm phán về hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO), vì điều này có thể kích động phản ứng mạnh mẽ từ phía Nga”, The Wall Street Journal dẫn nguồn tin từ giới chức NATO cho biết.

Trong khi đó theo New York Times, phản ứng của chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Nga về xung đột Ukraine đã bớt cứng rắn hơn so với chính phủ Obama. Khi được hỏi về quan điểm của Mỹ về đợt xung đột mới ở Ukraine, người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer chỉ nói Tổng thống Trump sẽ “theo sát diễn biến, tiếp tục cập nhật”. Trong tuyên bố trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng không đề cập đến Nga, chỉ kêu gọi ngừng bắn.

Trước đây chính phủ Obama thường xuyên chỉ trích quyết liệt Nga ủng hộ, thậm chí trực tiếp chỉ đạo quân ly khai Ukraine không thực hiện thỏa thuận ngừng bắn Minks. Trong những ngày tại nhiệm kỳ cuối cùng, chính phủ Obama vẫn tiếp tục chỉ trích các hành động của Nga ở Ukraine. Theo New York Times, từ thực tế này có thể hình dung được chủ trương hòa hoãn của chính phủ Trump đối với Nga.

Đông Phong - Baodatviet