Trước đây, người dân vùng trồng chuối tại các xã gần đê Sông Hồng của huyện Yên Lạc, như: Liên Châu, Hồng Châu, Hồng Phương, Trung Kiên, Đại Tự… chưa biết đến biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), việc phòng trừ sâu bệnh hại cho cây chuối hoàn toàn theo phương thức truyền thống, vừa vất vả, tốn chi phí, hiệu quả lại không cao.
Không những vậy, do thiếu kiến thức tổng hợp về quá trình sinh trưởng phát triển; quy luật phát sinh gây hại của sâu bệnh… nên người dân rất dễ sử dụng không phù hợp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật lên cây trồng, gây ô nhiễm môi trường, suy giảm chất lượng sản phẩm.
Sau khi được ngành Nông nghiệp phổ biến, chuyển giao biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM, nhiều nông dân đã nắm rõ đặc điểm sinh trưởng, phát triển của cây chuối qua từng giai đoạn; quy luật phát sinh và gây hại của sâu, bệnh như sâu đục thân, rầy mềm, sâu cuốn lá, nhện, bệnh héo rũ, chùn đọt, tuyến trùng hại chuối…
Nguyên tắc “4 đúng” không ảnh hưởng đến môi trường trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ vậy, năng suất, chất lượng chuối được nâng lên rõ rệt. Bằng chứng là năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã chính thức cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu cho chuối tiêu hồng Yên Lạc và những lô hàng đầu tiên đã được xuất khẩu sang thị trường Nga và Trung Quốc.
Đây chỉ là một trong hàng chục ứng dụng KHKT được ngành Nông nghiệp chuyển giao trong sản xuất trồng trọt cho người nông dân trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
Trong đó, nhiều ứng dụng tiến bộ KHKT đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt được nông dân áp dụng rộng rãi và thường xuyên trong sản xuất, có thể kể đến như: Thực hiện “3 giảm, 3 tăng”; hệ thống canh tác lúa cải tiến SRI; kỹ thuật cấy lúa hiệu ứng hàng biên; quản lý cây trồng tổng hợp ICM; quản lý dịch hại tổng hợp IPM; thực hành nông nghiệp tốt VietGAP...;
Các mô hình trồng trọt sử dụng thuốc BVTV sinh học, thảo mộc; phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh… vừa nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế vừa đảm bảo an toàn thực phẩm.
Mô hình áp dụng tiến bộ khoa học kyc thuật, cơ giới hóa vào sản xuất, nhất là gieo trồng và thu hoạch, bảo quản để giảm áp lực lúc thời vụ, hạ giá thành sản phẩm. Đến nay, cơ giới hóa trong khâu làm đất chiếm trên 90% và thu hoạch bằng máy chiếm trên 70% tổng diện tích…
Ngoài ra, khoa học kỹ thuật (KHKT) cũng được áp dụng để khảo nghiệm, lựa chọn đưa vào các giống cây trồng có năng suất, chất lượng, phù hợp với điều kiện khí hậu và đồng đất của tỉnh, như: Các giống lúa TBR225, BC15, Thiên ưu 8, DQ11, ADI 28, Đài Thơm 8, DT39 Quế Lâm...; các giống ngô lai: NK4300, NK6654, LVN4, ngô biến đổi gen...; một số giống rau, củ, quả như: Bí đỏ Super Dream 59, Super Goldstar 999, PK 366z; dưa chuột VL106, VL118, Top Green; cà chua Savior, TN 017, Tre Việt Savi-01, cà chua ghép trên gốc cà tím,...
Nhờ đó, năng suất chất lượng hầu hết các loại cây trồng tăng đều qua các năm. Cây lúa tăng năng suất từ trên 50 tạ/ha năm 2016 lên gần 58 tạ/ha năm 2020; năng suất rau, củ, quả tăng từ gần 193 tạ/ha năm 2016 lên hơn 230 tạ/ha năm 2020.
Nhiều vùng sản xuất trồng trọt hàng hóa, ứng dụng KHKT trên địa bàn tỉnh được hình thành, như: Thanh long ruột đỏ Lập Thạch; dưa chuột An Hòa Tam Dương; rau su su Tam Đảo; chuối tiêu hồng, cà chua Yên Lạc; vùng sản xuất lúa chất lượng cao huyện Yên Lạc, Vĩnh Tường; xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên; xã Đạo Tú, huyện Tam Dương; bí đỏ Vĩnh Tường…
Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có trên 9 nghìn ha gieo trồng rau được áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) với sản lượng gần 200 nghìn tấn và gần 90 nghìn ha lúa chất lượng cao. Đưa giá trị sản xuất trồng trọt năm 2020 đạt gần 3.800 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2016. Giá trị sản xuất trên ha canh tác đạt gần 150 triệu đồng.
Nguyễn Khánh