Cụ thể, trong báo cáo của Ủy ban Kinh tế gửi Quốc hội liên quan tiến trình giám sát việc thực hiện Nghị quyết 31 về việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận giai đoạn 2016 - 2021 có nội dung đề xuất giữ quy hoạch đối với các vị trí dự kiến xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2.
Lý do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đưa ra đề xuất này là nhận thấy tiềm năng phát triển điện hạt nhân trong giai đoạn tới. Đơn vị này cho rằng, để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế độc lập, tự chủ, đa dạng nguồn phát, theo lộ trình giảm phát thải tiến tới đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, điện hạt nhân là vấn đề cần được nghiên cứu, xem xét trong quá trình phát triển ngành năng lượng Việt Nam giai đoạn tiếp theo.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá điện hạt nhân được các quốc gia công nhận là điện sạch, phát thải khí nhà kính rất thấp, góp phần quan trọng trong việc giảm nhẹ biến đổi khí hậu sau Hội nghị COP 26.
"Hơn nữa, Việt Nam đã ký kết nhiều thỏa thuận và cam kết quốc tế song phương và đa phương, đặc biệt là với Nga và Nhật Bản về phát triển điện hạt nhân cũng như các ứng dụng năng lượng hạt nhân cho mục đích hòa bình khác", Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho hay.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận mới được dừng thực hiện, nếu hủy bỏ sẽ ảnh hưởng đến khả năng phát triển điện hạt nhân trong tương lai, đồng thời ảnh hưởng đến quan hệ với các nước đối tác, nên đề nghị Chính phủ xem xét tạm giữ quy hoạch đối với các vị trí dự kiến xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 cho đến khi cấp có thẩm quyền có quyết định chính thức về vấn đề này.
Trong phát triển nguồn điện theo Quy hoạch điện VIII, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ và các đơn vị liên quan nghiên cứu, đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện, khách quan, khoa học, chính xác thực trạng và dự báo cung cầu năng lượng trong thời gian tới; Nhanh chóng có đề xuất hợp lý về việc phát triển điện hạt nhân trong tương lai để trình các cấp có thẩm quyền.
Đồng thời, cần có giải pháp thỏa đáng để ổn định đời sống nhân dân, kịp thời để tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống và bảo đảm quyền lợi cho người dân chịu ảnh hưởng bởi dự án. Nghiên cứu, xây dựng gói hỗ trợ trực tiếp cho người dân trong vùng quy hoạch, phân biệt với các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, đánh giá một cách đầy đủ, chính xác thực trạng và dự báo cung cầu năng lượng trong thời gian tới. Nhanh chóng có đề xuất hợp lý về việc phát triển điện hạt nhân trong tương lai, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Trong khi chờ chủ trương chính thức, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục triển khai dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân một cách có hiệu quả. Nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực năng lượng nguyên tử, trong đó có Luật Năng lượng nguyên tử.
Trước đó, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 41/2009/NQ-QH12 ngày 25/11/2009 về chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Tổng chi phí đã thực hiện của 7 dự án thành phần là khoảng 2.307 tỷ đồng.
Đến năm 2016, tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đưa ra quyết định dừng thực hiện Dự án xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận. Lý do để tập trung vốn đầu tư cho các dự án trọng điểm.
Lê Pháp (T/h)