Chiều 3/4 tại Hà Nội, sau phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng cùng ngày, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ chủ trì họp báo Chính phủ thường kỳ tháng Ba. Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan cùng đông đảo phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí-thông tấn Trung ương và địa phương.

Thông tin về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, Người phát ngôn của Chính phủ cho biết:

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương diễn ra hôm nay (ngày 3/4) dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhằm đánh giá tình hình KTXH tháng 3 và quý I năm 2024; tình hình thực hiện 3 CTMTQG; giải ngân vốn đầu tư công cùng một số nội dung quan trọng khác; đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá trong thời gian tới.

Quý I năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; bất ổn chính trị ở một số khu vực leo thang; kinh tế thế giới dự báo tăng trưởng chậm lại... Ở trong nước, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn thách thức nhiều hơn.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, linh hoạt các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, trong đó tập trung chỉ đạo tổ chức đón Tết Nguyên đán vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, nghĩa tình, không để ai không có Tết; đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, tổ chức nhiều Hội nghị quan trọng với cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức quốc tế; triển khai hiệu quả nhiều hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế...

Tăng trưởng GDP quý I đạt 5,66%, cao hơn cùng kỳ từ 2020 đến nay (GDP quý I năm 2020 -2023 tăng lần lượt là 3,21%; 4,85%; 5,12%; 3,41%). Trong đó cả 3 khu vực đều phát triển tốt (nông nghiệp tăng 2,98%; công nghiệp và xây dựng tăng 6,28%; dịch vụ tăng 6,12%).

Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm (xuất đủ nhập-xuất siêu 8,08 tỷ USD; làm đủ ăn-xuất khẩu trên 2 triệu tấn gạo, trị giá 1,37 tỷ USD; an ninh năng lượng, lương thực, cung cầu lao động được bảo đảm).

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý I tăng 3,77%, dưới ngưỡng Quốc hội giao (4-4,5%) và thấp hơn cùng kỳ (4,18%). Tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt; mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm.

Xuất khẩu tiếp tục tăng cao, xuất siêu lớn, góp phần bảo đảm cán cân thanh toán. Kim ngạch XNK tháng 3 đạt 65 tỷ USD, tăng 35,6% so với tháng trước và 12% so với cùng kỳ; tính chung quý I đạt 178 tỷ USD, tăng 15,5%, xuất siêu 8,08 tỷ USD.

Các lĩnh vực dịch vụ, du lịch phục hồi mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 tăng 9,2% so với cùng kỳ; tính chung quý I tăng 8,2%. Số lượt khách quốc tế tháng 3 đạt gần 1,6 triệu lượt, tăng 78,6% so với cùng kỳ; tính chung quý I đạt trên 4,6 triệu lượt, tăng 72% và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019 (năm trước khi xảy ra dịch COVID-19).

Tình hình tài chính – ngân sách Nhà nước (NSNN) tiếp tục được cải thiện rõ nét. Thu NSNN quý I đạt 31,7% dự toán năm, tăng 9,8% so với cùng kỳ. Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia và bội chi NSNN được kiểm soát tốt, thấp hơn nhiều so với giới hạn quy định.

Đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 13,67% kế hoạch năm, cao hơn cùng kỳ (10,35%). Thu hút đầu tư FDI đạt 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ; vốn FDI thực hiện đạt 4,63 tỷ USD, tăng 7,1% và cao nhất trong 5 năm qua.

Buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024. Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Cải cách hành chính được chú trọng, nhất là cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính; đưa ra truy tố, xét xử nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, góp phần củng cố niềm tin trong Nhân dân.

Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh. Uy tín và vị thế đất nước tiếp tục được nâng lên.

Nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam (ADB dự báo năm 2024 Việt Nam tăng trưởng 6%, Ngân hàng HSBC dự báo tăng 6,3%; Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng 6,7%; S&P dự báo tăng 6,8%; Chỉ số phát triển con người (HDI) tăng 8 bậc…).

Bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được là cơ bản, nước ta vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức cần tập trung ứng phó, xử lý, khắc phục, trong đó nổi lên là: (1) Sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, nhất là lạm phát, lãi suất, tỷ giá còn cao (trong đó lưu ý tỷ giá đồng USD với đồng Việt Nam và chênh lệch về giá vàng trong nước và nước ngoài có xu hướng tăng); (2) Một số ngành sản xuất công nghiệp phục hồi chậm, các lĩnh vực dịch vụ ăn uống, giải trí chưa phục hồi rõ nét; (3) Hoạt động SXKD trong một số lĩnh vực còn khó khăn, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao; (4) Vốn đầu tư công chưa được phân bổ hết, vẫn còn nguy cơ thiếu cát san lấp nền cho các dự án giao thông, các công trình trọng điểm; (5) Trật tự an toàn xã hội ở một số địa bàn và tình hình tội phạm, nhất là tội phạm công nghệ cao, tôi phạm lừa đảo qua mạng còn diễn biến phức tạp…

Về việc triển khai Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết: Đối với Luật Nhà ở, Bộ Xây dựng được giao xây dựng 3 Nghị định, 1 Thông tư và 1 Quyết định gồm: Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở; Nghị định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chuẩn, định mức nhà ở công vụ. Bộ Quốc phòng được giao xây dựng Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở trong Quân đội nhân dân Việt Nam; Bộ Công an sẽ xây dựng Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở trong công an nhân dân

Đối với Luật Kinh doanh bất động sản, Bộ Xây dựng được phân công xây dựng 2 Nghị định và 1 Thông tư gồm: Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản; Nghị định về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản; Thông tư ban hành Chương trình khung đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản; Bộ Tài chính xây dựng Thông tư quy định việc sử dụng kinh phí để xây dựng, điều tra thu thập thông tin, cập nhật, duy trì, vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản; hướng dẫn xác định giá cung cấp dịch vụ thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản theo quy định của pháp luật về giá; hướng dẫn quản lý và sử dụng số tiền thu được từ cung cấp dịch vụ thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản.

Ngoài ra, Chính phủ cũng giao các địa phương một số quy định liên quan đến Luật Nhà ở yêu cầu các địa phương khẩn trương quy định cụ thể các vị trí, địa điểm phát triển nhà ở theo dự án; Quy định đường giao thông để phương tiện chữa cháy thực hiện nhiệm vụ chữa cháy nơi có căn hộ nhiều tầng; Quy định việc hỗ trợ, giải quyết việc bán, mua, cho thuê nhà ở xã hội cho đối tượng quy định tại khoản 2, 3 Điều 76 Luật Nhà ở 2023; Quy định tiêu chí đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại thuộc đô thị loại đặc biệt, loại 1,2, 3 mà chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại phải dành một phần diện tích đất ở cho các dự án đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật; Quy định hỗ trợ đầu tư nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn; Quy định thuê nhà ở xã hội do cá nhân tự đầu tư xây dựng; Quy định giá thuê nhà lưu trú trong khu công nghiệp; Quy định về phối hợp cung cấp thông tin về nhà ở giữa cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục cấp giấy chứng nhận và cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương về đảm bảo thống nhất các thông tin về nhà ở…

Ngay sau khi Thủ tướng ban hành kế hoạch danh mục thực hiện 2 luật này, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi đến các địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan. Đồng thời, chúng tôi cũng đã làm việc trực tiếp với Bộ Công an, Bộ Quốc Phòng để triển khai các nhiệm vụ nêu trên.

Riêng nhóm các nhiệm vụ liên quan đến Bộ Xây dựng về việc xây dựng các Nghị định, Thông tư hướng dẫn 2 dự án Luật, Bộ Xây dựng đã khẩn trương thành lập Ban soạn thảo xây dựng các dự thảo của các Nghị định. Hiện nay, chúng tôi đã đăng tải các nội dung dự thảo trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Cổng Thông tin điện tử Bộ Xây dựng để lấy ý kiến rộng rãi người dân, doanh nghiệp, các Bộ ngành, địa phương, hiệp hội, VCCI, Mặt trận tổ quốc Việt Nam…

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng tổ chức nhiều hội thảo tại Hà Nội và TP. HCM. Đặc biệt, liên quan đến Nghị định cải tạo xây dựng lại chung cư, Bộ Xây dựng đã trực tiếp làm việc với Hà Nội, Hải Phòng và TP. HCM lấy ý kiến các địa phương này bởi đây là các địa phương có nhiều chung cư cũ…

Đến thời điểm này, Bộ Xây dựng đã nhận được rất nhiều ý kiến của các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội, các Bộ, ngành… Chúng tôi đã thực hiện ghi nhận, tổng hợp và tiếp thu các ý kiến. Dự kiến, Bộ Xây dựng sẽ gửi Bộ Tư pháp vào ngày 20/4 tới đây cho ý kiến thẩm định. Sau đó, Bộ Xây dựng sẽ tiếp thu hoàn chỉnh, dự kiến đầu tháng 5 báo cáo Chính phủ xem xét thông qua các Nghị định liên quan đến 2 dự án Luật.

PV (t/h)