Nhằm chỉ ra nguyên nhân, tìm giải pháp để hạn chế và ngăn chặn tình trạng chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống hàng giả, hàng nhái bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ uy tín, danh dự cho các doanh nghiệp kinh doanh lành mạnh, Liên đoàn Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam VCCI chỉ đạo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn với chủ đề: Diễn đàn Chống buôn lậu, gian lận thương mại, uy tín doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng”.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong những năm trở lại đây, cùng với xu thế hội nhập quốc tế và sự phát triển của đời sống kinh tế xã hội, Việt Nam đã trở thành điểm đến, là thị trường hấp dẫn cho các loại thương hiệu, sản phẩm và hàng hóa trong và ngoài nước.
Bên cạnh những thuận lợi cơ bản như tình hình sản xuất ngày một phát triển, hàng hoá đa dạng, phong phú, chất lượng sản phẩm ngày một được nâng cao thì Việt Nam đang phải đối diện với tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái diễn ra hết sức phức tạp.
Ngoài việc vận chuyển trái phép hàng cấm, thì hiện tượng buôn lậu, gian lận thương mại những mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất kinh doanh, hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm, hàng điện tử...cũng có chiều hướng gia tăng, diễn biến hết sức phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, quy mô ngày càng lớn, làm ảnh hướng đến đời sống, sức khỏe người tiêu dùng, gây thất thu ngân sách, thiệt hại lớn cho doanh nghiệp làm ăn chân chính và ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội.
Để ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, Thời gian qua, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã có những chỉ đạo, định hướng cụ thể, kịp thời, các đơn vị thực thi pháp luật vào cuộc quyết liệt, nên tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Theo con số thống kê, trong năm 2023, toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý hơn 14.600 vụ việc vi phạm với trị giá hàng hóa ước tính 11.520 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Cơ quan Hải quan đã khởi tố 35 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 166 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước là 474 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2023, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, xử lý 52.349 vụ vi phạm (tăng 16% so với năm 2022), thu nộp ngân sách gần 500 tỷ đồng (tăng 36% so với năm 2022), giá trị tang vật thu giữ gần 204 tỷ; chuyển cơ quan điều tra 170 vụ có dấu hiệu hình sự (tăng 35% so với năm 2022).
Nhiều vụ việc, vụ án, đối tượng cầm đầu, đường dây ổ nhóm, tụ điểm phức tạp về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên cả nước đã được các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh, tạo sự răn đe, phòng ngừa.
Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia, vấn nạn buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn tiếp tục âm thầm diễn ra, hình thức và phương pháp ngày càng tinh vi, xảo quyệt, gây khó khăn cho các cơ quan thực thi pháp luật.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, bên cạnh sự phát triển tích cực, thương mại điện tử cũng tồn tại một số yếu tố tiêu cực, tình trạng chào bán hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội có xu hướng gia tăng và tiềm ẩn nhiều phức tạp. Hiện nay, tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng công khai trên các trang website thương mại điện tử, đặc biệt các sàn giao dịch thương mại điện tử và mạng xã hội,... thực sự gây ảnh hưởng nghiêm trọng, đe dọa đến môi trường kinh doanh chung, ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của người tiêu dùng.
Đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cho rằng, việc chủ động điều tra, phát hiện vi phạm trên nền tảng thương mại điện tử gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế do các đối tượng vi phạm thường giới thiệu trên website thương mại điện tử là mẫu hàng chính hãng, nhưng khi giao hàng thì giao hàng giả hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng. Việc truy xuất, lưu trữ các giao dịch thương mại điện tử, hàng hóa giao dịch còn gặp nhiều khó khăn.
Cùng với đó, trên các trang website bán hàng hoặc qua mạng xã hội thường không ghi địa chỉ cụ thể, chỉ có điện thoại để giao dịch. Khi có khách hỏi mua hàng thì sẽ hỏi địa chỉ để giao nhận hàng hóa, thanh toán tại nhà. Người mua không biết người bán là ai, sản phẩm như thế nào? Các đối tượng khi có người lạ dò hỏi xem hàng thì thường không trả lời; ngoài ra vì là không gian, địa chỉ ảo trên mạng Internet, nên dễ dàng gỡ bỏ thông tin nhằm xóa dấu vết, gây cản trở việc thu thập chứng cứ, chứng minh vi phạm.
Đặc biệt, biên chế của lực lượng Quản lý thị trường để thực thi nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn thiếu so với yêu cầu nhiệm vụ, phải kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực, điều kiện trang thiết bị, phương tiện, kinh phí phục vụ cho công tác kiểm tra, kiểm soát còn hạn chế nên phần nào đã ảnh hưởng đến kết quả thực thi công vụ.
Dưới góc độ doanh nghiệp, Đại tá Chu Việt Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Hóa chất 21 đã chia sẻ câu chuyện về khó khăn của DN khi đối mặt với tình trạng gian lận thương mại.
Những ngày cận Tết, là lúc mặt hàng pháo hoa của Công ty TNHH MTV Hóa chất 21 thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Bộ Quốc phòng được nhiều người dân tìm mua. Lợi dụng nhu cầu tăng cao, một số gian thương đẩy giá, làm giả, làm nhái sản phẩm pháo hoa của công ty này. Các sản phẩm hàng giả, hàng nhái chất lượng không đảm bảo, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn trong quá trình sử dụng, cá biệt có những sản phẩm hàng giả khi người dân mua về nhưng bên trong trống rỗng.
Để đảm bảo quyền và lợi ích của người tiêu dùng, tránh mua phải hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng, Công ty TNHH một thành viên Hóa chất 21 đã tập trung vào việc đầu tư dây chuyền sản xuất công nghiệp, hiện đại, 100% các sản phẩm pháo hoa phun viên được chế tạo từ giàn đúc sẵn, thân thiện với môi trường…
Đại tá Chu Việt Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Hóa chất 21 cũng cho biết. “Ngoài ra, chúng tôi đã dùng mã QR biến đổi để xác thực thông tin sản phẩm, tất cả sản phẩm giàn pháo hoa của nhà máy sản xuất trên bao bì nhãn mác đều có gắn 1 mã QR code biến đổi, người tiêu dùng có thể sử dụng các phần mềm quét mã QR để xác thực thông tin sản phẩm chính hãng. Nếu là hàng giả, hàng nhái khi quét mã QR code không có thông tin sản phẩm trên hệ thống”.
Kim Khánh