Mới đây, thông tin từ tỉnh Bình Dương cho hay, công an 3 tỉnh miền Đông Nam Bộ đã ra quy chế phối hợp, cùng loại bỏ  nạn khai thác cát trái phép trên lòng hồ Dầu Tiếng. Tuy nhiên, dư luận lại đặt câu hỏi: Liệu quy chế có đủ sức ngăn chặn vẫn nạn 'cát tặc' hay không hay chỉ như muối bỏ bể vì lợi ích của cát mang lại quá lớn?...

Ô nhiễm trầm trọng do khai thác cát

Hồ Dầu Tiếng, diện tích mặt nước là 270 km² và có hệ thống công trình thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa, quy mô lớn nhất nước hiện nay.

Do vị trí hồ nằm ở thượng nguồn sông Sài Gòn, thuộc phạm vi 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước nên hồ Dầu Tiếng không chỉ giữ nhiệm vụ cung cấp nước nông nghiệp, mà còn cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho tỉnh Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Long An.

Ngoài ra, hồ Dầu Tiếng còn giúp chống xâm nhập mặn cho hạ du sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông. Vì thế, nguồn tài nguyên nước từ hồ Dầu Tiếng hiện nay rất quan trọng trong sản xuất và sinh hoạt của người dân nơi đây.

Theo đánh giá của các chuyên gia thủy lợi, hồ Dầu Tiếng là một trong những hồ được xếp vào diện hồ an ninh quốc gia. Thế nhưng, nhiều năm qua, lòng hồ Dầu Tiếng trở thành nơi để các doanh nghiệp đua nhau cắm vòi hút cát, bất kể ngày đêm. Nước hồ từ màu xanh biếc trở nên đục ngầu. Cát tặc ngày đêm lộng hành, khai thác triệt để ảnh hưởng đến môi trường sinh thái lòng hồ, sạt lở bờ kè.

Mới đây, khi chúng tôi có mặt tại huyện Dương Minh Châu thì được biết, chỉ riêng huyện này đã có đến 5 mỏ cát, tại đây các xe múc, xe ben, tàu hút cát hoạt động liên tục hết công suất.

Vấn nạn khai thác cát, hồ Dầu Tiếng vẫn tiếp tục bị băm nát? - Hình 1

Vấn nạn khai thác cát, hồ Dầu Tiếng vẫn tiếp tục bị băm nát? - Hình 2

Đại công trường khai thác cát trên hồ Dầu Tiếng (Ảnh Đình Trọng)

Còn tại huyện Tân Châu, vào ngày 23/10/2018, vẫn có 6 mỏ cát đang hoạt động rầm rộ, xe ra vào lấy cát liên tục, tàu cát neo đậu ngay tại mỏ...

Vấn nạn khai thác cát, hồ Dầu Tiếng vẫn tiếp tục bị băm nát? - Hình 3

Xe chở cát hoạt động rầm rộ bên hồ Dầu Tiếng (Ảnh Đình Trọng)

Hàng đoàn xe ben trọng tải lớn, chở cát nối đuôi nhau chạy ầm ầm từ trong hồ Dầu Tiếng ra tỏa đi khắp nơi. Khi chúng tôi di chuyển vào gần đập chính của hồ Dầu Tiếng, nơi đoàn xe chạy ra, thấy hàng chục chiếc xe nối đuôi nhau nằm chờ trên đường DT781 - là con đường chạy sát ngay dưới chân đê của hồ để “ăn cát”. Phía trong lòng hồ, những ghe lớn hút cát đang hoạt động tấp nập bơm cát lên bờ và các cần cầu hối hả xúc cát lên những chiếc xe ben hàng chục tấn chờ sẵn.

Vấn nạn khai thác cát, hồ Dầu Tiếng vẫn tiếp tục bị băm nát? - Hình 4

Vấn nạn khai thác cát, hồ Dầu Tiếng vẫn tiếp tục bị băm nát? - Hình 5

Đường xá bị tàn phá (Ảnh Đình Trọng)

Nhiều tuyến đường, trước đây vốn láng mịn thì nay, nhiều đoạn đã trở thành đường đất với những ổ voi đầy nước mấp mô khiến phương tiện lưu thông qua đây rất khó khăn; khi nắng lên, tung bụi mịt mù khiến nhà dân sống bên đường khổ sở vì bụi và tiếng ồn, do các xe ben chở cát chạy trên đường.

Vấn nạn khai thác cát, hồ Dầu Tiếng vẫn tiếp tục bị băm nát? - Hình 6

Ảnh Đình Trọng

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh cung cấp, hiện Sở cấp phép khai thác cát xây dựng trong lòng hồ Dầu Tiếng là 11 công ty, trong đó có 3 công ty được “ưu ái” với 2 giấy phép khai thác cát. Địa điểm khai thác, chủ yếu tập trung thuộc các huyện như Tân Châu, Dương Minh Châu và Châu Thành, tỉnh Tây Ninh.

Tổng trữ lượng cát được cấp phép mới đây là 9.267.049 m3, đã tăng thêm 2.814.595 m3 so với thời điểm được cấp phép khai thác tháng 4/2017. Như vậy, kể từ khi tỉnh Tây Ninh cho tạm ngưng khai thác cát để chỉnh đốn, nhưng sau một thời gian, việc cấp phép khai thác cát không giảm mà còn tăng thêm?

Không những thế, việc quản lý của các cơ quan chức năng lỏng lẻo khiến một số công ty khai thác cát trong lòng hồ không gắn biển hiệu bến bãi khai thác, tự do thành lập bến bãi tập kết cát, đưa xe có tải trọng lớn vào trong lòng hồ, gây mất an toàn cho đê, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ thống đường giao thông quanh hồ.

Ông Cường, một người dân chia sẻ: "Xe chở cát chạy là nhiều nhất, trời mưa thì trợt té, trời nắng thì bụi, không thấy đường đi. Tình trạng này, diễn ra cả năm nay rồi”.

Vấn nạn khai thác cát, hồ Dầu Tiếng vẫn tiếp tục bị băm nát? - Hình 7

Ông Cường, một người dân chia sẻ về vấn nạn khai thác cát trên hồ Dầu Tiếng (Ảnh Đình Trọng)

Theo bà Hoa, một người dân sống bằng nghề bán tạp hóa gần hồ Dầu Tiếng: “Cứ lau chùi hoài, vậy mà khách hàng người ta không có thích bụi, mà sáng ra thì lau lau, nhưng chỉ được khoảng 1 - 2 tiếng là bụi đã bám đầy. Xe vừa chạy qua là ngập trong bụi, mà xe chạy qua đây thì chủ yếu là xe trở cát thôi".

Vấn nạn khai thác cát, hồ Dầu Tiếng vẫn tiếp tục bị băm nát? - Hình 8

Bà Hoa bán tạp hóa (Ảnh Đình Trọng)

Xe trọng tải lớn vận chuyển cát cày, xới khiến con đường bị băm nát, nhiều ổ voi ổ gà, người ta đắp đất đỏ lên chắp vá, ngày nắng thì bụi mù, trời mưa thì lên sình, không chỉ bụi bặm, còn có tiếng ồn của các phương tiện di chuyển, cho dù là giữa trưa, thì từng đoàn xe vẫn rầm rập chạy qua khiến cuộc sống của người dân khổ cực...

Vấn nạn khai thác cát, hồ Dầu Tiếng vẫn tiếp tục bị băm nát? - Hình 9

Xe tải hoạt động liên tục bất kể thời gian (Ảnh Đình Trọng)

Ba tỉnh phối hợp "tiễu trừ" cát tặc?!

Nhằm hạn chế vấn nạn này, mới đây (6/12), thông tin từ tỉnh Bình Dương cho hay, công an 3 tỉnh gồm Bình Dương, Bình Phước  và Tây Ninh đã ra quy chế phối hợp, cùng tiễu trừ nạn khai thác cát trái phép trên lòng hồ Dầu Tiếng.

Theo đó, công an 3 tỉnh cùng phối hợp tuần tra thường xuyên, nhằm phát hiện những tổ chức, cá nhân khai thác cát trái phép. Nhờ sự phối hợp này, hơn 30 vụ khai thác, với 82 tàu ghe hút cát lậu đã bị phát hiện và bắt giữ trên hồ Dầu Tiếng.

Đặc biệt, phía công an đã yêu cầu các doanh nghiệp khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng phải dừng ngay việc liên kết, hợp đồng gia công, thuê phương tiện khai thác mà không đăng ký với cơ quan chức năng; tự ý lập bến bãi (bến bãi không được cấp giấy phép) để chứa cát. Đã phát hiện 12 bến bãi tập kết của các đơn vị, nhưng không có giấy phép khai thác cát.

Vấn nạn khai thác cát, hồ Dầu Tiếng vẫn tiếp tục bị băm nát? - Hình 10

Một tàu khai thác cát lậu (Ảnh: C.A)

Sản lượng cát khai thác phải được tập kết về bến bãi trên địa bàn tỉnh, theo quy trình khai thác được công bố, để có cơ sở kê khai, nộp thuế nhà nước theo đúng thực tế..., khắc phục tình trạng núp bóng giấy phép của doanh nghiệp để khai thác cát lậu, khai thác quá mức quy định, không đúng địa bàn, trốn thuế nhà nước; vận chuyển quá tải, không che chắn, gây bức xúc trong dư luận như trong thời gian vừa qua.

Được biết, tổng số phương tiện đăng ký khai thác hàng tháng là 118 tàu (96 tàu, thuyền khai thác và 22 dự phòng). Đồng thời, có 41 bến thủy nội địa hoạt động tập kết cát trong lòng hồ, trong đó Tây Ninh có 20 bến bãi, Bình Dương 19 bến bãi và Bình Phước có 2 bến bãi.

Ông Lý Thanh Hùng - Phó phòng Tài nguyên và Môi trường, huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) cho biết: “Trong số 21 đơn vị kinh doanh cát, sỏi trên lòng hồ Dầu Tiếng vừa được lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường công bố về những sai phạm, thì có 10 doanh nghiệp được chúng tôi điều tra, lập hồ sơ xử lý về hành vi vi phạm sử dụng đất sai mục đích.

Cụ thể như, trong quá trình hoạt động kinh doanh cát, sỏi trên lòng hồ Dầu Tiếng, phần lớn các chủ bến thủy nội địa không chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp; nhiều bến thủy nội địa đã lấn chiếm đất vùng bán ngập của lòng hồ Dầu Tiếng để lập bãi tập kết, kinh doanh cát, sỏi”.

Tuy nhiên, để giải quyết dứt điểm nạn khai thác cát trái phép trên hồ Dầu Tiếng, ông Hùng cho rằng, cần sự vào cuộc đồng bộ của lực lượng chức năng huyện, tỉnh trong việc thường xuyên tổ chức kiểm tra, xử lý, hoặc mạnh dạn rút giấy phép các cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng…

Hải Đăng - Đình Trọng