Trong thời gian vừa qua, lực lượng hải quan, Công an và quản lý thị trường (QLTT) liên tiếp phát hiện và bắt giữ, khởi tố nhiều vụ buôn lậu thuốc, thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, do nhu cầu về dược phẩm, thiết bị y tế tăng cao, không ít đối tượng bất chấp vi phạm pháp luật tìm mọi cách buôn lậu để kiếm lời.
Cục trưởng Cục Chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan Nguyễn Hùng Anh cho biết, trong tháng 10/2021, tình hình hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trên toàn tuyến giảm hơn so với tháng trước về số vụ vi phạm, nhưng tính chất vụ việc lại rất phức tạp, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu tinh vi hơn. Do nhu cầu sử dụng trang thiết bị phòng, chống dịch tăng cao, Tổng cục Hải quan đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ kiểm tra thực tế một số các lô hàng quà biếu quà tặng tại kho hàng Công ty cổ phần nhà ga hàng hóa ALS, hàng hóa được vận chuyển từ Nga về Việt Nam. Kết quả đã phát hiện nhiều lô hàng có thuốc điều trị bệnh COVID-19, bộ test nhanh COVID 19, thuốc điều trị ung thư... Số thuốc phát hiện bắt giữ đều chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành.
Đặc biệt, chỉ tính từ đầu quý III/2021 đến nay, lực lượng Hải quan đã phát hiện và bắt giữ hàng chục vụ buôn lậu các trang thiết bị phòng dịch như: Găng tay y tế, bộ kit test nhanh virus SARS-CoV-2…
Gần đây nhất, ngày 29/10, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh và Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) phối hợp với lực lượng chức năng đã khám xét 2 kiện hàng nhập khẩu trên chuyến bay từ Nga về Hà Nội, chuyển tiếp vào TP Hồ Chí Minh phát hiện, thu giữ 266 hộp thuốc các loại tổng cộng hơn 3.000 viên thuốc có tác dụng điều trị, hỗ trợ điều trị COVID-19. Tất cả được nhập lậu, theo loại hình quà biếu, tặng, được cất giấu lẫn trong một vài món đồ dùng cá nhân, như quần áo, bánh kẹo...
Trước đó, ngày 28/9 tại một kho hàng ở xã Thạch Lỗi, Sóc Sơn, Hà Nội, Cục Điều tra chống buôn lậu chủ trì, phối hợp với Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh (Cục Hải quan Hà Nội) khám xét 8 kiện hàng nghi vấn được nhập từ Ấn Độ theo loại hình phi mậu dịch về TP Hồ Chí Minh và tiếp tục được chuyển ra Hà Nội trên chuyến bay nội địa. Trên vận đơn hàng hóa thể hiện là thực phẩm hỗ trợ sức khỏe. Tuy nhiên, kết quả khám xét lực lượng hải quan thu giữ 17.000 viên thuốc điều trị COVID-19 và điều trị ung thư nhập lậu.
Buôn lậu thuốc thiết bị y tế phòng chống dịch COVID-19 không chỉ bị phát hiện và bắt giữ ngay tại cửa khẩu, sân bay mà lực lượng chức năng bắt giữ nhiều vụ việc trong thị trường nội địa. Trong đó, ngày 18/7, Đội Chống buôn lậu, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an TP Hà Nội) phối hợp với Cục QLTT Hà Nội tiến hành kiểm tra đối với cơ sở xoa bóp bấm huyệt tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội) phát hiện, thu giữ trên 1.000 que thử COVID-19 không rõ nguồn gốc. Mở rộng điều tra, lực lượng chức năng còn thu thêm 2.100 que test COVID-19 mang nhãn hiệu Nosocheckcomfort không có hóa đơn chứng từ hợp pháp.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, lực lượng chức năng nhận định, những tháng cuối năm 2021, tình hình buôn lậu hàng hóa nói chung và hàng hóa thuốc, thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 có khả năng gia tăng. Việc mua bán những sản phẩm thuốc, thiết bị y tế giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc đã gây ra không ít hậu quả nghiêm trọng do đó đối với các trường hợp vi phạm có tính chất nghiêm trọng cần xử lý nghiêm.
Tổng cục Hải quan cho biết, trong những tháng cuối năm 2021, lực lượng hải quan tăng cường công tác thu thập xử lý thông tin, xác định trọng điểm, kiểm tra, kiểm soát đối với hàng hóa phục vụ phòng, chống dịch COVID-19… qua tuyến đường hàng không, chuyển phát nhanh. Tăng cường phối hợp với lực lượng Công an, quản lý thị trường trong việc phát hiện, bắt giữ và xử lý các vụ vi phạm. Lực lượng Hải quan cũng đặc biệt chú ý và kiểm tra và xử lý nghiêm doanh nghiệp cố tình khai sai tên hàng, khai báo là hàng mẫu, thực phẩm bảo vệ sức khỏe để buôn lậu thuốc, thiết bị y tế phòng chống dịch COVID-19. Các cá nhân lợi dụng loại hình hàng quà tặng, quà biếu, hàng giá trị thấp qua đường bưu chính quốc tế nhưng kiểm tra là tân dược, thuốc kháng COVID-19.
Đại diện Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho rằng, để ngăn chặn tình trạng buôn lậu hàng hóa thuốc, thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch COVID-19, cơ quan hải quan, Công an và QLTT cần có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa để đảm bảo ngăn chặn vi phạm từ cửa khẩu hàng không, đường bộ cho đến thị trường nội địa. Trong đó, cơ quan QLTT các địa phương cần tăng cường công tác quản lý tại địa bàn nhằm kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thương mại, đặc biệt là các mặt hàng liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân, đồng thời góp phần chung tay cùng cả nước đẩy lùi dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng cần nắm chắc tình hình, nhận diện rõ phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả; có giải pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, đánh trúng, đánh đúng, đấu tranh ngăn chặn, triệt phá các vụ vi phạm; chủ động xây dựng các kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán…
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).
Phúc Hưng