Từ “chàng” sinh viên cơ điện năm nào…
Trung tuần tháng 11, may mắn có “cơ duyên” gặp nhau vào đúng ngày gió mưa, do ảnh hưởng của bão số 13, Phó giám đốc Công ty TNHH Thương mại Phúc Trường (trụ sở số 23, Lê Hồng Phong, phường Trần Hưng Đạo, TP. Nam Định) - doanh nhân Nguyễn Đức Dũng dẫn chúng tôi tới thăm nhà xưởng của DN.
Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi đó là nhà xưởng được xây dựng trên một khuôn viên rộng rãi (gần 4.000 m2), cơ man nào thiết bị, máy móc, linh kiện… phục vụ cho hoạt động chế tạo, lắp đặt các sản phẩm của công ty.
Đưa chúng tôi dạo quanh tham quan 1 vòng, anh Dũng chia sẻ: “Trời mưa gió như thế này, nhưng công nhân vẫn tỏa đi các cơ sở để lắp đặt máy móc làm lạnh cho các đơn vị, cơ sở SXKD. Tại nhà xưởng, chỉ còn vài người. Do nhu cầu thị trường ngày càng lớn nên anh em càng có nhiều việc để làm, như vậy mới tốt”.
Trở về phòng tiếp khách, ngồi nhâm nhi bên chén trà mạn, anh Dũng kể cho chúng tôi nghe ngày “bắt duyên” với nghề năm xưa:
Ngày đó, tôi là sinh viên Trường Trung cấp Cơ điện Nam Định. Ra trường năm 1980, tôi vào làm công nhân cơ điện tại Công ty Thương nghiệp Nam Định. Năm 1986, khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, xóa bỏ cơ chế bao cấp, nhận thấy không thể tiếp tục làm công nhân tại đây, vì đồng lương không đủ để trang trải cuộc sống, tôi đã quyết định rời công ty, bươn vào Sài Gòn”.
Nhấp ngụm trà nóng, giây phút suy tư, anh Dũng kể tiếp: “Ngày ấy, sau những đêm trăn trở và rồi tôi “lên giây cót” - quyết tâm vào Sài Gòn học thêm về nghề điện lạnh, bởi ở ngoài này chưa có cơ sở đào tạo lĩnh vực này.
Học được 3 năm, đến quãng 1989 - 1990, tôi trở về Nam Định, bắt đầu gây dựng cơ sở sản xuất – cung cấp dịch vụ lắp đặt, thiết kế, sữa chữa máy làm đá, máy kem cỡ nhỏ, phục vụ cộng đồng.
Thời điểm ấy, cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ (đặt trụ sở và nhà xưởng tại số 23 Lê Hồng Phong, phường Trần Hưng Đạo, TP. Nam Định, nay là trụ sở văn phòng chính của công ty), chỉ có 2 người là tôi với một anh bạn cùng “chung lưng đấu cật”. Sản phẩm làm ra, chủ yếu phục vụ thị trường trong tỉnh và một số nơi bên Thái Bình”.
… Đến ông chủ một công ty nức tiếng
Anh Dũng cho biết, thời điểm 1998 - 1999, cơ sở của anh phát triển từ hộ sản xuất kinh, doanh cá thể, sang mô hình công ty. Ban đầu, đơn vị mang tên Công ty TNHH Thương mại Quang Dũng với vỏn vẹn 5 người, đến năm 2002 thì đổi tên thành Công ty TNHH Thương mại Phúc Trường.
Nhận thấy nhu cầu đòi hỏi của thị trường, Ban lãnh đạo công ty đã nghiên cứu, thử nghiệm và cho ra đời những dòng sản phẩm như làm kho lạnh, máy đá cây phục vụ đánh bắt xa bờ, cấp đông thủy hải sản và máy làm nước lạnh, máy làm đá tinh khiết, máy làm kem phục vụ sản xuất, tiêu dùng. Khách hàng của DN là những công ty gạch men, công ty bao bì, xi măng, nhà máy bánh kẹo, cả trong và ngoài tỉnh Nam Định.
Hỏi: Thời gian đầu thành lập công ty, anh có gặp phải những khó khăn, trở ngại gì?
Trả lời: “Thử thách lớn nhất chúng tôi gặp phải đó là khâu kỹ thuật. Do vậy, một mặt vừa làm vừa tìm hiểu, học hỏi và đút rút kinh nghiệm. Vì như đã nói, ngày đó, gần như chưa có trường hay cơ sở nào đào tạo về lĩnh vực này.
Khó khăn nữa là về vốn đầu tư. Do “đói” vốn nên chúng tôi làm theo kiểu khách hàng trả phần lớn trước để có tiền mua trang thiết bị, máy móc về chế tạo máy làm lạnh, máy làm đá, sau một khoảng thời gian dùng sản phẩm thì họ trả nốt tiền.
Dần dần, hoạt động sản xuất, kinh doanh có lãi, thì chúng tôi chủ động được số vốn, đầu tư mua sắm máy móc, nguyên vật liệu. Hàng nhập tại thị trường trong nước, nhiều linh kiện, thiết bị nhập từ Nhật Bản, Mỹ”.
Lại hỏi: Vậy, công ty thường cung cấp những dòng sản phẩm chính nào?
Anh Dũng lên tiếng: “Chúng tôi thiết kế, lắp đặt mỗi ngày hàng trăm máy đá cây, càng về sau, số lượng càng lớn, có ngày cung cấp tới 2.000 máy đá cây cho đối tác, khách hàng tại TP. Nam Định, các huyện Hải Hậu, Xuân Trường, Giao Thủy, một số địa phương tại Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh...
Những nơi vùng biển, chuyên đánh bắt xa bờ, có cơ sở cao điểm cần tới 200 tấn đá/ngày, tính thử bài toán: Mỗi máy đá cây sản xuất được 50 cân đá, chúng tôi phải thiết kế lắp đặt tới 40.000 cây/ngày. Bên cạnh đó, công ty tiếp tục làm kho lạnh cấp đông công suất lớn, chủ yếu phục vụ đánh bắt xa bờ”.
Tìm hiểu được biết, năm 2008, DN phát triển thêm máy làm đá viên tinh khiết phục vụ tiêu dùng. Công ty chủ yếu chế tạo máy móc theo đơn đặt hàng của đối tác, khắp mọi miền đất nước, trong đó phải kể đến các nhà máy sản xuất kem cao cấp tại Hà nội, nhà máy sản xuất bia; cung cấp sản phẩm máy làm lạnh theo yêu cầu...
Phát triển doanh nghiệp lên tầm cao mới
Anh Dũng bộc bạch: “Kinh tế biển ngày càng phát triển, nhu cầu về các sản phẩm đông lạnh ngày càng lớn. Công ty chúng tôi đặt tiêu chí “Uy tín hiệu quả” nên hàng đầu. Chính vì lẽ đó, người này giới thiệu người kia, rồi khách hàng ở Thái Bình, Hà Nội, Hải Phòng Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… cũng liên hệ và tìm đến DN đặt hàng”.
Nhằm đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của thị trường, công ty tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động. Theo đó, chuyển nhà xưởng về xã Vân Nam (TP. Nam Định) với diện tích gần 4.000 m2. Hiện tại, đơn vị có trên 40 người, đều là các cán bộ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật lành nghề. Theo anh Dũng, có như thế thì công ty mới có thể đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của đối tác, khách hàng.
Nói về dòng sản phẩm chủ đạo, anh Dũng khẳng định, cho đến thời điểm này, lĩnh vực mạnh nhất của công ty vẫn là kho cấp đông bảo quản thủy hải sản, lương thực, thực phẩm.
Khi PV đặt câu hỏi “2020 là 1 năm các DN bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, Công ty TNHH Thương mại Phúc Trường chịu ảnh hưởng ra sao?”, Giám đốc công ty Nguyễn Thị Hằng Nga vui vẻ bày tỏ:
“Xảy ra đại dịch Covid-19, thật may mắn là, công ty chúng tôi không bị ảnh hưởng lớn vì chuyên về kỹ thuật, ví như các máy móc, người ta vẫn cần cho quá trình sản xuất, kinh doanh. DN vẫn đảm bảo công ăn việc làm ổn định cho cán bộ, công nhân, tiền lương, tiền thưởng không bị cắt giảm.
Chế độ phụ cấp như ăn trưa, vẫn thực hiện đều đặn tại đơn vị. Dịp hè, nghỉ mát, lễ, Tết, lo cho anh em trước khi lo cho mình. Ngước lại, anh em làm việc có trách nhiệm cao, gắn bó lâu dài với DN”.
Phó giám đốc Nguyễn Đức Dũng cho biết, trong thời gian tới, sẽ phát triển thêm băng chuyền cấp đông. Trước đây, người ta chỉ cấp đông trong kho, chưa có khâu vận chuyển bằng băng chuyền, khiến nhiều thực phẩm bị rã đông, ảnh hưởng đến chất lượng. Do vậy, việc thiết kế, chế tạo băng chuyền cấp đông, sẽ góp phần khắc phục tình trạng này...
Nhiều người dân Nam Định biết đến doanh nhân Nguyễn Đức Dũng - Công ty TNHH Thương mại Phúc Trường. Bởi đây là DN có tiếng của tỉnh, chuyên sản xuất, kinh doanh máy lạnh. Cùng với đó, nhiều năm qua, đơn vị còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện - nhân đạo của địa phương; tham gia quỹ từ thiện, ủng hộ các chương trình của thành phố, phường, xã...
Ghi chép của Mai Phong Ba