Quê tôi không phải là vùng biển,. Bố mẹ tôi mất sớm, tuổi ấu thơ của tôi bị ngập chìm trong mưu sinh, kiếm sống và học hành. Không giống những đứa trẻ khác, ngày hè được bố mẹ đưa đi tắm biển, đến tận năm 18 tuổi, tôi vẫn chưa một lần ra biển, chưa được thưởng thức cái vị mặn tanh nồng của nước biển, và nhìn thấy không gian mênh mông của biển cả, những cánh buồm no gió với hương biển nồng nàn như trong những tác phẩm văn học.
Chỉ đến khi vào bộ đội, tôi mới có dịp một đôi lần hành quân lướt qua những con đường ven biển. Lúc ấy, tôi mới cảm nhận thấy biển đẹp và êm ả đến nhường nào. Thế rồi, chẳng biết tự lúc nào, những mơ ước của tôi đã gắn liền với biển. Dự tính đầu tiên là sau khi xuất ngũ, tôi sẽ lấy vợ. Tuần trăng mật của hai vợ chồng tôi sẽ là chuyến du lịch về với biển… Song, những toan tính của tôi đã không như ý muốn. Cuộc đời với bao điều bất ngờ. Đúng vào hôm tôi khoác ba lô hết nghĩa vụ trở về nhà thì cũng là hôm người yêu tôi đi lấy chồng. Cay đắng và thất vọng, tôi quyết định quay ngược ra ga lên tàu. Đi về hướng nào tôi cũng chưa định được, nhưng có một tâm niệm không thành lời, ấy là biển... Như có một sự sắp đặt nào đấy, lên tàu, tôi ngồi chung với một chị quê ở miền biển Long Đất, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Qua tìm hiểu và biết hoàn cảnh của tôi, chị rủ tôi về quê chị lập nghiệp. Chị bảo rằng, gia đình chị làm nghề cá, có xuởng chế biến cá, và sẵn sàng nhận tôi vào làm nếu tôi muốn. Thế là tôi theo chị về quê. Nhà chị xây 3 tầng ở đầu làng chài, ngay sát bến nước. Chị tên là Xuân, chồng chị là Bình. Anh chị có một cháu trai 5 tuổi tên Thành.
Đêm đầu tiên, đúng vào đêm trăng rằm, anh Bình trải chiếu ra ngoài sân ngắm trăng và kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện về biển. Anh kể rằng: Gia đình anh khá lên được là nhờ biển. Rằng trước đây, anh cũng đã từng là bộ đội như tôi. Xuất ngũ với hai bàn tay trắng. Rồi lấy vợ. Rồi vay mượn tiền cùng mấy người trong làng chài chung vốn làm ăn, mua ghe đi biển. Đến nay, gia đình anh đã xây được nhà và mua được một chiếc ghe lớn đi biển. Như nhớ ra điều gì, anh nhìn ra biển khơi và nói:
“Cậu ra chợ mua vài con cá có khi còn phải chọn mãi, rồi chê đắt rẻ, chứ ngư dân bọn tôi phải đánh đổi cả sinh mạng mình lấy mấy con cá đó đấy. Cậu trông biển hiền vậy mà tàn nhẫn lắm”.
Anh kể tiếp, chuyện ba anh mất từ khi anh mới lên ba tuổi. Ông là một ngư dân giỏi có tiếng trong làng chài. Thế nhưng, một cơn bão đã đưa ông đi không trở lại cùng với nhiều bạn chài của ông. Giọng buồn buồn, anh nói: “Mà cũng phải thôi, đã làm nghề đi biển thì phải biết chấp nhận: Sống nhờ biển và chết về với biển”.
Tôi nhìn ra xa tít ngoài khơi. Dưới ánh trăng, biển mờ ảo xanh thẫm trải rộng ra mênh mông. Từng cơn sóng đua nhau vỗ vào bờ đá tung bọt trắng xóa, ì ầm. Phía xa, những vì sao lấp lánh, lấp lánh giăng đầy trên mặt biển. Lúc ấy, tôi bỗng nắm chặt lấy tay anh và thốt lên: “Ôi! Biển đẹp thật anh ạ !”.
Ngày hôm sau, tôi được anh đưa xuống làm việc ở xưởng chế biến cá. Công việc hàng ngày của tôi là nhặt cá và phơi khô. Mỗi buổi chiều hết giờ làm việc, tôi lại ra bến nước ngồi ngắm biển. Tôi làm thơ đăng báo và gửi gắm những nỗi niềm của mình vào những trang thơ viết về biển. Biển trong thơ của tôi thường êm ả và đượm buồn. Một năm sau, trong một cuộc thi thơ do Đoàn thanh niên Tỉnh tổ chức, tôi đoạt giải nhất. Theo nguyện vọng của tôi, Tỉnh Đoàn nhận tôi về công tác. Tôi xin phép anh chị chuyển về thành phố và cũng từ đó tôi rời xa bến nước, làng chài. Hôm tôi đi, anh chị cầm tay tôi khóc. Tôi nắm chặt tay anh chị và muốn nói rằng: “Nơi đây là quê hương thứ hai của em. Dù có đi đâu thì đứa em được anh chị cưu mang này sẽ không bao giờ quên ơn anh chị”. Nhưng lúc đó, tôi không sao nói được, nước mắt cứ chực chảy ra ngoài…
Từ đó, tôi ít có điều kiện gặp anh chị. Một hôm, tôi phấn khởi chạy về báo tin vui với anh chị là tôi được tỉnh đoàn giao cho phụ trách một dự án vay vốn của thanh niên để cải tiến trang thiết bị và đóng mới tàu cá đánh bắt xa bờ, công suất lớn. Một dự án quan trọng của tỉnh đoàn giao cho đoàn thanh niên. Nghe vậy, anh mừng lắm, bảo tôi lần sau mang dự án về cho anh xem.
Đầu tháng sau, tôi theo đoàn kiểm tra của Hội liên hiệp thanh niên tỉnh đi kiểm tra các huyện và dự định hôm nào kiểm tra huyện Long Đất sẽ kết hợp rẽ vào nhà anh và cho anh xem dự án ấy. Nhưng, đúng vào hôm dự định đi huyện Long Đất thì cơn bão ập về. Đoàn của chúng tôi phải tạm hoãn chuyến công tác. Hai ngày sau, bão tan. Chuyến đi huyện Long Đất của đoàn sau đó phải gánh thêm một nhiệm vụ là cùng với đoàn công tác xã hội huyện đi cứu trợ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão gây ra. Vừa đặt chân đến đầu làng chài, chúng tôi đã phải chứng kiến một cảnh tượng đau thương: Cả làng chài xao xác. Tiếng kêu khóc gọi người thân, tiếng người bảo ban công việc cần làm, cần khắc phục… Tôi hốt hoảng chạy đến nhà anh Bình. Cửa khóa. Linh tính như mách bảo điều không vui, tôi chạy ra bến nước và nhận ra chị Xuân và bé Thành cùng những người phụ nữ khác đang quỳ bên bờ biển lầm rầm cầu nguyện…
Tôi lặng người nhìn chị và không muốn tin vào mắt mình. Mọi vật nhòe nhoẹt. Biển xám ngoét. Từng cơn sóng ào ào vỗ vào bờ cát cuốn theo đầy vỏ ốc, sò…
Truyện ngắn của Đào Quốc Thịnh