VEAM cho biết ngày 5/3/2019, công ty đã nhận được Quyết định số 195/QĐ-HQHN của Cục Hải quan TP. Hà Nội về việc ấn định thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Nguyên nhân ấn định thuế là do VEAM đã khai sai mã HS, thuế suất của hàng hóa nhập khẩu. Theo đó, số tiền thuế ấn định là hơn 352,4 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp đã nộp 172,9 tỷ đồng. Số tiền còn lại phải nộp là 179,5 tỷ đồng.

VEAM bị ấn định thuế hơn 352 tỷ đồng do khai sai mã HS, thuế suất của hàng hóa nhập khẩu - Hình 1

Ảnh minh họa

VEAM tiền thân là Công ty TNHH nhà nước 1 thành viên, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, thuộc Bộ Công Thương, được thành lập ngày 12/5/1990.

Ngày 18/1/2017, theo quyết định 4874/QĐ-BCT về việc cổ phần hoá VEAM, VEAM tổ chức thành công đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất, chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.

VEAM hiện có 27 đơn vị thành viên, các đơn vị thành viên của VEAM là các công ty sản xuất và kinh doanh máy móc, phụ tùng phục vụ cho sản xuất nông lâm ngư nghiệp và giao thông vận tải. VEAM là đối tác Việt Nam tham gia góp vốn và thành lập các liên doanh Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam, Ford Việt Nam, Mekong Auto, Kumba và VEAM Korea.

Năm 2018. VEAM ghi nhận 7.130 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 40% so với năm trước. Trong đó, phần từ liên doanh, liên kết lên tới 6.849 tỷ đồng, tăng 32%. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) năm 2018 đạt xấp xỉ 5.321 đồng.

Kể từ khi lên sàn UPCoM vào tháng 7/2018 với giá tham chiếu 27.600 đồng/cổ phiếu, VEAM đã bứt phá khá mạnh. Tính tới hết phiên giao dịch 13/3, thị giá VEA đạt 50.900 đồng/cổ phiếu.

Hằng Vương