LTS: Nghị quyết 01 ban hành, Ngân hàng Nhà nước đã hưởng ứng rất nhanh và chuẩn với những quy định về cho vay, huy động lãi suất đối với doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức vay vốn của ngân hàng, tổ chức tín dụng. Mức lãi vay đã có quy định cụ thể với những tiêu chuẩn kèm theo... Hiểu nôm na rằng, Ngân hàng Nhà nước đã có quy định về mức lãi trần để các tổ chức tín dụng, ngân hàng cho vay. Các công ty tài chính hay công ty cho vay tiêu dùng đã mang lại sự tiện lợi nhất định cho khách hàng của họ, tức người tiêu dùng. Sản phẩm của công ty đã tạo ra thương hiệu của họ. Khách quan mà nói, họ có những đóng góp nhất định cho thị trường tài chính mở nhưng quá trình hoạt động, họ đã không giữ được tính khách quan đó mà ngày càng bộc lộ nhiều hành vi mang tính "lách luật". Thời gian gần đây, sản phẩm của các thương hiệu công ty tài chính, công ty cho vay tiêu dùng thường xuyên bị nhiều người tiêu dùng khiếu nại về việc mập mờ trong hoạt động cho vay, lãi suất; đòi nợ kiểu đe dọa, quấy rối, ép buộc khiến cuộc sống của khách hàng, người tiêu dùng bị đảo lộn.
Những thương hiệu chúng tôi nêu, là đã nhận được phản ánh của người tiêu dùng. Thương hiệu & Công luận thì cho rằng, với một doanh nghiệp đã có thương hiệu thì những phản ánh trên có thể là chưa chuẩn, có thể do người tiêu dùng chưa hiểu hết các quy định... có thể và có thể. Vì thế, PV trực tiếp tìm hiểu và vay vốn thì phát hiện phản ánh của người tiêu dùng về lãi suất "khủng" ở HappyMoney và các thông tin mập mờ khác là có thật. Còn những tư vấn vay thì đơn giản đến hời hợt và vi phạm các quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Trước đó, Thương hiệu & Công luận đã có phản ánh về những vấn đề "rất lạ" trọng việc cho người tiêu dùng vay với lãi xuất "khủng" của thương hiệu hệ thống tài chính toàn quốc HappyMoney. Được thành lập với tiêu chí "Không ai bị bỏ lại phía sau" lấy khách hàng làm trọng tâm, không ngừng chuyển mình cùng biến động của cuộc sống để luôn trong tâm thế sẵn sàng hỗ trợ tài chính cho khách hàng mọi lúc, mọi nơi. Tuy nhiên, hình thức hoạt động của thương hiệu HappyMoney như đã phản ánh đang tồn tại nhiều bất ổn. Bài viết: "HappyMoney - thương hiệu hệ thống tài chính toàn quốc cho người tiêu dùng vay vơi lãi "khủng"đến mức nào?"
Thủ đoạn “đục nước béo cò” giăng bẫy người tiêu dùng trong đạidịch Covid-19
Lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến phức tạp, nhiều người dân thất nghiệp, kinh tế khó khăn, nắm bắt được nhu cầu đó, có rất nhiều tổ chức tín dụng tư nhân cho người dân vay tiêu dùng với thủ tục khá đơn giản. Một trong những đối tượng được các tổ chức tín dụng quan tâm là công nhân lao động ở các khu công nghiệp. Tuy lãi suất cao hơn nhiều so với lãi suất của Ngân hàng Nhà nước nhưng do không phải thế chấp tài sản, chỉ cần bảng lương của công ty, xí nghiệp có xác nhận của công ty, quá trình làm thủ tục đơn giản, gọn, trả dần theo từng tháng nên hình thức cho vay này được nhiều người lao động trong khu công nghiệp chọn lựa. Đa số công nhân ký hợp đồng vay, rồi trả hằng tháng theo điều khoản mà không để ý đến mức lãi suất mình phải trả cao hơn lãi suất ghi trong tờ rơi hoặc người tư vấn đã giới thiệu.
Theo phản ánh của nhiều khách hàng, người tiêu dùng đến Thương hiệu & Công luận thì "núp" dưới vỏ bọc hoành tráng bề ngoài, thực chất hoạt động bên trong của hệ thống này chính là cho vay cầm đồ theo kiểu "tín dụng đen".
Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017 quy định tại khoản 1, Điều 468 về lãi suất, mức lãi suất vay tiền cũng theo thỏa thuận, nhưng không được vượt quá 20%/năm (nếu thỏa thuận không rõ thì sẽ là 10%/năm). Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ." => 20%/năm tương đương với lãi suất 20:12= 1,67%/tháng.
Theo quyết định số 2868/QĐ-NHNN thì mức lãi suất cơ bản của đồng VN là 9%/năm và theo quy định trên của Bộ luật Dân sự thì tối đa là 9%x150% = 13.5%/năm.
Tuy nhiên, sau khi PV Thương hiệu & Công luận phản ánh, chúng tôi tiếp tục gọi điện tới tổng đài 18006285 của Happy Money thì “vẫn được” nhân viên tư vấn cho biết: Hiện HappyMoney đang cho vay với lãi suất dao động từ 1.500 đến 2.000 đồng/1 triệu/ngày (tương đương 4,5 – 6%/tháng hay 54 - 72%/năm) như chưa hề có việc gì xảy ra.
Như vậy, mức lãi suất mà HappyMoney đang áp dụng cao gấp từ 2,7 đến 3,6 lần so với quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, nếu so về chi phí vay thì Happy Money hiện áp dụng mức lãi suất cao hơn so với nhiều “đồng nghiệp” khi áp dụng mặt khung lãi suất cho vay từ 4,5 đến 6%/tháng; trong khi nhiều cơ sở tín dụng khác đang cho vay với lãi suất từ 3 đến 4%/tháng.
Ngoài những lời quảng cáo như: "Lãi suất Liti – Giải ngân tiền tỉ ", với tuyên bố “Không ngừng chuyển mình cùng biện động của cuộc sống để luôn trong tâm thế sẵn sàng hỗ trợ tài chính cho khách hàng mọi lúc, mọi nơi”. Thực tế lại khác xa khi mà phản ánh của người tiêu dùng dịch vụ của HappyMoney phản ánh, không chỉ cho vay với giá “khủng", HappyMoney còn bắt các “thượng đế” của mình phải thế chấp tài sản và được vay tối đa 80% giá trị của tài sản thế chấp. Trong khi đó, nếu đi vay với hình thức thế chấp tại các ngân hàng thì khách hàng có thể chỉ phải trả mức lãi suất dưới 15%/năm, khoảng 1,2%/tháng.
Hiện, HappyMoney niêm yết lãi suất cho vay ở mức 1,66%/tháng, tương đương hơn 19,92%/năm để tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành về điều kiện kinh doanh dịch vụ cầm đồ và trần lãi suất. Tuy nhiên, đây không phải toàn bộ chi phí vay mà khách hàng phải chi ra để thực hiện giao dịch. Vì cùng với mức lãi suất khá “nhẹ nhàng” này, tại Điều 2 của bản hợp đồng cho vay cầm cố mà phía HappyMoney đưa ra đối với mỗi khách hàng sẽ có điều khoản phải trả thêm 1,4%/tháng tiền “phí quản lý khoản vay” và 2,94%/tháng tiền “phí quản lý tài sản cầm cố”. Như vậy, tổng chi phí mà mỗi khách hàng phải trả để vay tiền từ hệ thống của HappyMoney lên tới 6%/tháng, tương đương 72%/năm, cao gấp 3,6 lần so với quy định hiện hành của pháp luật về mức trần lãi suất là 20%/năm.
HappyMoney "chơi trội", tự đứng ngoài quy định
Theo luật sư Nguyễn Văn Ngọc, Giám đốc Công ty Luật Đại Huệ, Đoàn Luật sư Nghệ An thì hiện nay, bên cho vay thường mặc định nội dung hợp đồng, đơn đề nghị vay vốn theo hướng người vay đồng ý cho bên cho vay bán nợ, cung cấp thông tin cho bên thứ ba. Từ đó, bên cho vay có thể chuyển nhượng khoản nợ cho các công ty mua bán nợ, cung cấp thông tin và thuê các công ty đòi nợ thu hộ. Sau đó, có thể các công ty mua bán nợ, công ty đòi nợ lại thuê "xã hội đen" đến nhà người vay để đòi nợ bằng những biện pháp "khủng bố" tinh thần, khiến người mắc nợ hết sức khổ sở và lo sợ
Theo Điều 201: Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự
1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Quy định mới về cho vay nặng lãi áp dụng từ 01/01/2022
Trước đây, Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính lĩnh vực an ninh trật tự chỉ có duy nhất một quy định liên quan đến cho hành vi vay nặng lãi là phạt tiền từ 05 - 15 triệu đồng nếu vay tiền có cầm cố tài sản với lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay tại khoản 3, Điều 11.
Hiện nay, pháp luật cho phép công ty tài chính bán nợ cho công ty mua bán nợ, thuê công ty khác đòi nợ thay cho mình. Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý theo quy định, công ty tài chính phải ràng buộc bên mua nợ (chủ nợ mới), công ty đòi nợ không được vượt quyền hạn đòi nợ của công ty tài chính. Nghĩa là bên mua nợ, bên đòi nợ không được sử dụng biện pháp đe dọa, không nhắc nợ khách hàng trong khoảng thời gian từ 7h đến 21h/ngày và chỉ được nhắc nợ tối đa 5 lần/ngày; không nhắc nợ, đòi nợ người thân của khách hàng…
"Mặt khác, pháp luật chỉ cho phép công ty tài chính cung cấp thông tin của khách hàng cho bên thứ 3 khi khách hàng đó đồng ý. Theo đó, công ty tài chính chỉ được cung cấp thông tin của người vay cho công ty mua nợ, công ty đòi nợ thay nhưng phải ràng buộc các công ty này đòi nợ theo đúng quy định. Nếu công ty tài chính không buộc chủ nợ mới, công ty đòi nợ thực hiện nghiêm những quy định này, Ngân hàng Nhà nước sẽ chế tài, xử phạt công ty tài chính", Luật sư Nguyễn Văn Ngọc cho biết.
Thế nhưng, với các tài liệu PV Thương hiệu & Công luận đã thu thập và ý kiến phản ánh của nhiều người vay, hầu hết những quy định nêu trên đều chưa được các bên tuân thủ. Đề nghị Thanh tra Ngân hàng Nhà nước thanh, kiểm tra hoạt động cho vay của HappyMoney.
Thương hiệu & Công luận chuyển đến bạn đọc thông tin tiếp theo về hoạt động tài chính tai tiếng của HappyMoney.
Hoàng Thăng - Lê Pháp