Chậm công bố kết luận vì “kiêng đầu năm”

Theo đó, khi được phóng viên đặt câu hỏi về việc vì sao chưa công bố kết luận thanh tra đất rừng Sóc Sơn ông Nguyễn An Huy, Chánh Thanh tra Thành phố Hà Nội cho biết:

“Theo Điều 45 Luật Thanh tra, Cơ quan thanh tra cấp tỉnh, TP Hà Nội có thẩm quyền tiến hành thanh tra trong 45 ngày, đối với vụ việc phức tạp có thời gian tiến hành trong 70 ngày. Tuy nhiên, với việc phức tạp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội có chỉ đạo sẽ kết luận thanh tra vào trước Tết Âm lịch. Vào ngày 29/1, tức 23 tháng Chạp, chúng tôi đã trình dự thảo Kết luận Thanh tra lên Chủ tịch TP xin ý kiến trước khi ký ban hành chính thức”.

Vì “kiêng đầu năm” nên chậm công bố kết luận thanh tra sai phạm đất rừng Sóc Sơn? - Hình 1

Ông Nguyễn An Huy, Chánh Thanh tra Thành phố Hà Nội cho biết: Chủ tịch TP có chỉ đạo làm rõ thêm 1 nội dung là đối với các vi phạm cố ý phải chuyển cơ quan điều tra

Cũng theo ông Huy, với khối lượng công việc rất nhiều, phạm vi rất rộng, trên 4.000 ha đất rừng và với thời gian dài từ năm 2008 đến nay, khi làm chúng tôi làm cũng rất rõ”.

“Chủ tịch TP có chỉ đạo làm rõ thêm 1 nội dung là đối với các vi phạm cố ý phải chuyển cơ quan điều tra. Do đó, chúng tôi có xin ý kiến và Chủ tịch UBND TP đồng ý cho Thanh tra TP sau Tết Âm lịch tiếp tục làm việc làm rõ nội dung để chuyển cơ quan điều tra xử lý” – ông Huy cho biết them.

Ông Huy cũng đưa ra lý do: “Chúng tôi đang nỗ lực làm và khi đi làm cũng có "kiêng đầu xuân năm mới" cho các đơn vị, sau rằm mới triển khai. Hôm nay rằm rồi nên mai sẽ tiến hành triển khai”.

Phó Thủ tướng chỉ đạo, TP Hà Nội vẫn thanh tra kiểu “rùa bò”?

Trước đó, liên quan đến sai phạm tại đây, ngày 29/11, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về tình trạng các công trình xây dựng vi phạm trên đất rừng phòng hộ tại nhiều xã thuộc huyện Sóc Sơn.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND TP Hà Nội, Bộ NN-PTNT, Bộ Công an khẩn trương báo cáo kết quả thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc xử lý sau thanh tra đất rừng huyện Sóc Sơn tại văn bản số 2664/VPCP-V.I ngày 22/5/2006 của Văn phòng Chính phủ trước ngày 15/12/2018.

Vì “kiêng đầu năm” nên chậm công bố kết luận thanh tra sai phạm đất rừng Sóc Sơn? - Hình 2

Phó Thủ tướng chỉ đạo, TP Hà Nội vẫn thanh tra kiểu “rùa bò”?

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng yêu cầu UBND Hà Nội chỉ đạo công tác thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn, đảm bảo kết luận đầy đủ, chính xác, khách quan và xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng trước ngày 1/2/2019.

Sở dĩ có quyết định này là do báo chí phản ánh sai phạm của huyện Sóc Sơn trong việc cấp 229 “sổ đỏ” cho hộ nhận khoán hoặc nhận chuyển nhượng đất lâm trường. Huyện Sóc Sơn còn buông lỏng quản lý khiến rừng bị "xẻ thịt".

Sau đó, UBND TP Hà Nội chính thức có quyết định thanh tra toàn diện quá trình quản lý, sử dụng đất rừng, trật tự xây dựng từ 2008 đến nay tại hai xã Minh Phú và Minh Trí thuộc huyện Sóc Sơn. Thời gian thanh tra là 45 ngày.

Ngày 26/10, ông Nguyễn Văn Hân, Chủ tịch UBND xã Minh Phú bị đình chỉ công tác trong 30 ngày để huyện tập trung chỉ đạo giải quyết 18 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn.

Đến ngày 30/10, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu các đơn vị liên quan phải xử lý nghiêm vi phạm trật tự xây dựng ở huyện Sóc Sơn.

Với 27 công trình vi phạm mới ở rừng đặc dụng, ông Chung yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; huyện Sóc Sơn phải ra quyết định cưỡng chế vi phạm trong tháng 12, không được để công trình vi phạm mới nào tồn tại. 

Năm 2006, Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều sai phạm sau khi kiểm tra việc quản lý sử dụng đất rừng tại Lâm trường Sóc Sơn và 9 xã như Minh Phú, Minh Trí, Hiền Ninh, Phù Linh... Tại khu vực rừng phòng hộ, đặc dụng ở Sóc Sơn, cơ quan chức năng thống kê có hơn 650 hộ xây dựng công trình trên đất lâm nghiệp với diện tích 11 ha. Trong số này, gần 80 nhà kiên cố, nhà sàn mọc lên; 26 trường hợp xây dựng theo mô hình trang trại, xưởng sản xuất.

Tiếp đó, trong hơn hai năm (tháng 1/2016 đến tháng 6/2018), qua kiểm tra 28 trường hợp xây dựng trên địa bàn thôn Minh Tân, xã Minh Trí, nhà chức trách đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính với 12 trường hợp "tự ý chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang đất phi nông nghiệp mà không được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép"; 16 trường họp còn lại được chính quyền huyện báo cáo "đã xây dựng từ những năm trước và sử dụng ổn định".

Thế Long