Sai phạm kéo dài
Theo quy hoạch năm 1998 đã được UBND TP.Hà Nội phê duyệt, huyện Sóc Sơn có trên 6.600 ha đất lâm nghiệp bao gồm rừng đặc dụng và phòng hộ được giao cho Công ty TNHH một thành viên đầu tư và phát triển nông - lâm nghiệp Sóc Sơn (Công ty lâm nghiệp Sóc Sơn(nay là Ban Quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội)) và UBND các cấp huyện Sóc Sơn quản lý.
Rừng phòng hộ bị "xẻ thịt"
Tại thời điểm đó, theo kết luận thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TP.Hà Nội, các đơn vị nói trên đã sử dụng sai mục đích, buông lỏng quản lý khiến đất rừng bị các hộ dân mua bán chuyển nhượng trái pháp luật cho nhiều người.
Cụ thể, Công ty lâm nghiệp Sóc Sơn (nay là Ban Quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội) ký hợp đồng không đúng pháp luật cho doanh nghiệp bên ngoài thuê sử dụng 2.200 m2 để sản xuất kinh doanh, sử dụng 3.000 m2 đất rừng để xây sân thể thao, nhà văn hóa. Trong quá trình quản lý đất rừng, Công ty lâm nghiệp Sóc Sơn và chính quyền địa phương đã thực hiện chính sách giao đất giao rừng cho cán bộ công nhân và người dân địa phương nhưng do thiếu kiểm tra, giám sát nên tại hầu hết các xã có rừng đều diễn ra tình trạng chuyển nhượng và xây dựng trái phép trên đất rừng với diện tích lên tới hàng trăm héc ta nhiều trường hợp khi chuyển nhượng có xác nhận của UBND cấp xã.
Theo cơ quan thanh tra, người nhận chuyển nhượng phần lớn là ở TP.Hà Nội với mục đích làm trang trại, xây nhà nghỉ cuối tuần, trồng rau, chăn nuôi… Đáng chú ý, trong số hàng trăm trường hợp nhận chuyển nhượng có trường hợp của vợ chồng ca sĩ Mỹ Linh tại xã Minh Phú, họa sĩ Nguyễn Thành Chương ở xã Hiền Ninh…Sau khi nhận chuyển nhượng, nhiều hộ đã xây dựng nhà ở, kinh doanh ăn uống với những diện tích lên tới cả ngàn mét vuông. Việc xây dựng đều không có phép nhưng chính quyền không xử lý được bất cứ trường hợp nào.
Công trình xây dựng kiên cố của họa sĩ Thành Chương trên đất rừng phòng hộ - Ảnh: Thanh niên
Theo kết luận thanh tra, từ trước những năm 2005, UBND huyện Sóc Sơn đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở (sổ đỏ) cho hàng trăm hộ dân nằm trên diện tích đất rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, trong đó có cả những trường hợp cấp cho người nhận chuyển nhượng.
Từ tháng 4.2006, Thanh tra Chính phủ vào cuộc và đã kết luận có hơn 400 ha đất rừng bị chuyển nhượng sử dụng trái phép với tổng số 548 hộ nhận chuyển nhượng. Trong đó có trên 650 hộ dân xây dựng công trình trên đất lâm nghiệp. Tại kết luận này, Thanh tra Chính phủ cũng nêu rõ gia đình ông Nguyễn Thành Chương nhận chuyển nhượng đất rừng đặc dụng từ năm 2001 có xác nhận của UBND xã. Sau khi mua đất, ông Thành Chương đã xây dựng các công trình kiên cố nhưng chỉ 1 lần bị phạt hành chính 10 triệu đồng cho tồn tại và ông Chương tiếp tục xây dựng.
Tồn tại cũ không những không bị xử lý mà còn phát sinh nhiều sai phạm mới
Trong kết luận này, Thanh tra Chính phủ nêu rõ, việc quản lý thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng đã dẫn đến tình trạng mua bán chuyển nhượng tràn lan, làm thay đổi mục đích sử dụng đất đã được quy hoạch là rừng phòng hộ và đặc dụng.
Đáng chú ý sau kết luận này, tháng 5.2006, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Thanh tra Chính phủ, Bộ TN-MT, Bộ NN-PTNT, Bộ Công an và UBND TP.Hà Nội truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý sau thanh tra. Theo đó, các cơ quan chức năng dừng ngay việc cấp sổ đỏ trên diện tích rừng phòng hộ, tổ chức ngăn chặn các trường hợp xây dựng trái phép, trình Thủ tướng phương án xử lý theo nguyên tắc thu hồi toàn bộ diện tích mua bán chuyển nhượng, mua bán trái pháp luật. Làm rõ sai phạm của các tập thể, cá nhân liên quan đến việc mua bán, chuyển nhượng.
Không xử lý vì “há miệng mắc quai”?
Đến thời điểm năm 2016, nhiều cơ quan thông tấn đã tiếp tục thông tin về tình trạng Rừng phòng hộ Sóc Sơn bị 'băm nát':
Cụ thể báo Thanh Niên đưa tin về việc trên con đường dài gần 1 km đường phòng cháy tại khu Lâm Trường, hai bên đã được chia thành lô, mảnh lớn nhỏ. Trong đó đã có gần 10 biệt thự vườn mọc lên ven hai bên đường... Nếu muốn xây dựng biệt thự, chủ nhân mỗi lô đất này phải chuyển đổi từ đất rừng phòng hộ sang đất vườn quả. Nếu thành công thì người dân sẽ được xây dựng nhà tạm bằng tranh tre, nứa lá trên diện tích 200 - 400 m2. Các đại gia lợi dụng quy định này để xây biệt thự, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, biệt phủ hoành tráng, thay vì dựng nhà tạm bằng tranh tre, nứa.
Khu vực Rừng phòng hộ bị "băm nát" (Ảnh qua vệ tinh)
Còn tại các xã Quang Tiến, Hiền Ninh, Tiên Dược, nhiều biệt thự vườn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng sang trọng… mọc lên dọc theo đường 131 và đường Hồ Đồng Quan. Điển hình như: khu du lịch sinh thái Phúc Lộc Thọ, khu yoga Sóc Sơn, nhà hàng Suối Di, nhà hàng Hương Tràm, khu Văn Lang Quán, hay các biệt thự nằm tại Xóm Trại, Xóm Núi... Có thể kể tới nhà hàng Hương Tràm với diện tích lên tới nhiều héc ta. Hay khu Văn Lang Quán có diện tích nhiều nghìn mét vuông được xây dựng tiếp giáp với khu vực phòng thủ của quân đội. Điều đặc biệt là những công trình vi phạm trên mọc lên đã lâu nhưng các cơ quan chức năng vẫn chần chừ, không đưa ra biện pháp xử lý dứt điểm.
Nhiều khu vực mới tiếp tục được xây dựng
Cũng theo báo Thanh niên đưa tin, tại thời điểm đó quy trình "hô biến" đất rừng phòng hộ được diễn ra theo một quy trình đã được lập trình sẵn.
Đầu tiên, khách phải thỏa thuận với chủ đất để mua diện tích đất theo ý muốn. Sau khi bàn giao và chuyển đổi chủ sở hữu, khách mua sẽ phải làm thủ tục chuyển đổi từ đất rừng phòng hộ sang đất vườn quả. Khi chuyển đổi thành đất vườn quả, chủ sở hữu được phép sử dụng tối đa đến 400 m đất để dựng nhà tạm, lán, trại. Sau khi xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chủ sở hữu sẽ phải làm việc với chính quyền địa phương bao gồm: chủ tịch, phó chủ tịch phụ trách xây dựng, thanh tra xây dựng... để lo lót việc xây biệt thự, nhà vườn, nhà hàng...
Nhiều cơ quan báo chí trước đó đã thông tin về cách "hô biến" đất rừng phòng hộ
Được biết, ngày 20/4/2016, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký ban hành văn bản 2293/UBND-TH yêu cầu Giám đốc Sở Xây dựng; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn kiểm tra, xử lý thông tin báo nêu về việc xây dựng trái phép trên đất rừng phòng hộ tại huyện Sóc Sơn.
Chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội là vậy, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, nhiều sai phạm trong việc “xẻ thịt” đất rừng phòng hộ tiếp tục được tiếp diễn, hàng loạt khu nghỉ dưỡng sinh thái tiếp tục được xây mới, nhiều con đường ngang dọc tiếp tục được mở và điệp khúc "chúng tôi đã lập biên bản, đã báo cáo... Đó là các tồn tại cũ, không có phát sinh xây dựng mới..." vẫn được người đứng đầu BQL rừng Phòng hộ - đặc dụng Hà Nội bà Nguyễn Thị Thu Hằng nhắc đi nhắc lại, còn vị lãnh đạo UBND xã Minh Phú ông Nguyễn Văn Hân thì không nắm được vụ việc chỉ bởi vì ông mới lên, ông Hân cũng phủi trách nhiệm bằng câu nói “việc xây dựng thì nó có thế thôi, nó tồn tại từ ngày xưa…”
Dư luận đặt nhiều câu hỏi về vai trò quản lý thực sự của các cơ quan quản lý và chính quyền sở tại?
Trước tình trạng trên, dư luận vô cùng bức xúc đặt ra nhiều câu hỏi về vai trò quản lý thực sự của các cấp chính quyền sở tại, việc “xẻ thịt” đất rừng phòng hộ từ hơn 10 năm qua không những không bị xử lý mà ngày một nhân rộng khiến cho dư luận vô cùng bức xúc đặt ra nhiều câu hỏi nghi vấn, có hay không “lợi ích cá nhân”, “lợi ích nhóm” trong việc để xảy ra những sai phạm trên?
Thiết nghĩ đã đến lúc các cơ quan chức năng trên địa bàn Hà Nội cần phải vào cuộc một cách quyết liệt, quy rõ trách nhiệm cho tập thể, cá nhân có liên quan.
Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin vụ việc./.
Duy Thế - Anh Đức