Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 tại Lào, chiều 8/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự và có phát biểu quan trọng tại Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh và đầu tư ASEAN (ASEAN BIS).
Với chủ đề “Tăng cường kết nối và khả năng phục hồi kinh tế”, ASEAN BIS 2024 được tổ chức từ 8-11/10 tại Vientiane, Lào, thu hút sự quan tâm và tham dự của trên 800 lãnh đạo doanh nghiệp lớn của ASEAN và thế giới.
Tham dự Hội nghị trong các phiên khác nhau có Thủ tướng Chính phủ Lào, Tổng thống Philippines, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Thủ tướng New Zealand, Thủ tướng Canada, Phó Tổng thống Indonesia; lãnh đạo các nước ASEAN, các nước đối tác của ASEAN và đông đảo doanh nghiệp ASEAN và các đối tác quốc tế.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, là tổ chức thống nhất trong đa dạng, trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, với tinh thần “tự lực, tự chủ, tự cường”, ASEAN vẫn đứng vững và là tâm điểm của tăng trưởng. Trong thành tựu chung đó, có đóng góp quan trọng của doanh nghiệp, doanh nhân ASEAN.
Ghi nhận và đánh giá cao đóng góp của các doanh nghiệp, doanh nhân ASEAN, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục đóng góp để các nước ASEAN tiếp tục phát huy đoàn kết, thống nhất, tự lực, tự cường và là tâm điểm của tăng trưởng, ủng hộ các chính phủ thực hiện bằng được các mục tiêu đã đề ra.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị các doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện “5 tiên phong”:
Thứ nhất, tiên phong đóng góp cho một ASEAN tự cường, tham gia xử lý các vấn đề mới nổi, các vấn đề toàn cầu, toàn dân, vì “Một ASEAN tự cường không thể thiếu một đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp tự cường”, tiên phong trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0, ứng phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy các lĩnh vực mới nổi như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, internet vạn vật…
Thứ hai, thúc đẩy kết nối nền kinh tế gồm kết nối mềm như xây dựng thể chế, chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng chính sách ưu tiên cho các lĩnh vực ưu tiên, kết nối cứng về hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu, kết nối năng lượng…
Thứ ba, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, nhất là trong ứng phó biến đổi khí hậu, già hóa dân số, thiên tai, dịch bệnh và phát triển các lĩnh vực mới nổi, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, đồng thời khắc phục, hạn chế tác động tiêu cực từ mặt trái của phát triển khoa học công nghệ, nhất là chú trọng vấn đề an ninh mạng.
Thứ tư, tiên phong trong xây dựng hạ tầng chiến lược tại từng quốc gia và kết nối giữa các quốc gia, cụ thể là trong xây dựng chính sách, nâng cao năng lực quản trị, huy động nguồn lực phát triển hạ tầng…
Thứ năm, tiên phong trong hội nhập nội khối ASEAN và với thế giới, trong bối cảnh không quốc gia nào có thể giải quyết các vấn đề toàn cầu, toàn dân, nên phải đề cao chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế, mang lại lợi ích cho người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết cùng với việc thực hiện nghiêm túc các cam kết trong khuôn khổ Cộng đồng kinh tế ASEAN và với các đối tác, Việt Nam không ngừng cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh. Hiện nay, Việt Nam tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược gồm: Hoàn thiện thể chế; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.
Việt Nam đang dành ưu tiên cao cho việc cải thiện và nâng cao hệ thống hạ tầng chiến lược; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy các ngành công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin, sản xuất chip bán dẫn và chuyển đổi số toàn diện.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Chính phủ sẽ tiếp tục phát huy vai trò kiến tạo với phương châm “chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh”, giảm chi phí tuân thủ, chi phí logistics cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp, doanh nhân nước ngoài tiếp tục đến đầu tư, hợp tác tại Việt Nam.
Theo baoquocte.vn