Đầu năm 2017, Apple Việt Nam đã gửi “tối hậu thư” cho các cửa hàng yêu cầu ngừng sử dụng hình ảnh, logo trái táo khuyết bất hợp pháp; trong trường hợp xấu nhất, các cửa hàng này sẽ bị kiện theo Luật Sở hữu trí tuệ.
Theo nội dung "tối hậu thư" Apple “chính hãng” gửi cho các cửa hàng đang sử dụng biểu tượng quả táo cắn dở, tên gọi "Apple", "iPhone" và những tên gọi khác như "Apple Store", "App Store", "iPad, "iPod, "MacBook" hiện được bảo hộ theo luật sở hữu trí tuệ Việt Nam.
Việc sử dụng trái phép nhãn hiệu Apple có thể gây nhầm lẫn cho khách hàng, dẫn đến các trường hợp tiêu cực tới công ty. Do đó, đại diện pháp lý của Apple Việt Nam yêu cầu các cửa hàng nhận được văn bản trong thời hạn 7 ngày phải chấm dứt việc sử dụng bất hợp pháp các nhãn hiệu của Apple trên biển hiệu của cửa hàng, và trên các giấy tờ kinh doanh, phương tiện kinh doanh. Đồng thời, chấm dứt việc bán hàng giả mạo nhãn hiệu Apple.
Không lâu sau đó, tình trạng sử dụng nhãn hiệu của Apple tại các cửa hàng bán lẻ tại Việt Nam đã giảm đi khá nhiều. Một số cửa hàng đã hạ logo Apple, trên bảng hiệu để tránh gặp vấn đề về pháp lý.
Tại TP.HCM, nhiều tuyến đường tập trung các cửa hàng bán iPhone xách tay như Lê Hồng Phong (Quận 10) hay Trần Quang Khải (Quận 1), tình trạng này vẫn tái diễn còn nhưng hiếm gặp.
Nhiều cửa hàng nhỏ lẻ đã không còn dùng logo của Apple
Có khoảng 4/50 cửa hàng bán lẻ smartphone trên đường Lê Hồng Phong vẫn sử dụng nhãn hiệu Apple trái phép. Ngoài ra, trên đường Trần Quang Khải (quận 1, TP.HCM) còn có cửa hàng “lách luật” bằng cách thay thế vị trí chiếc lá và làm tròn phần khuyết của logo Apple.
Trao đổi với báo Zing.vn, anh Dũng chủ một cửa hàng ở quận 10, đang sử dụng logo “táo khuyết” trên bảng hiệu cho biết: “Tôi cũng thừa nhận mình sai về việc sử dụng nhãn hiệu của Apple. Tuy nhiên, lúc tôi làm cái bảng hiệu này đã hơn 2 năm. Ở thời điểm đó vẫn chưa có bất kỳ khung pháp lý nào về cái bảng này, nhà nước cũng không cấm. Hiện tại tôi vẫn chưa nhận được văn bản nào liên quan đến việc cấm sử dụng các nhãn hiệu của Apple”.
Đồng thời, theo anh Dũng việc sử dụng hình ảnh của Apple không ảnh hưởng quá nhiều đến doanh số của cửa hàng vì thế nếu cần anh có thể tháo nó xuống.
Một số ít cửa hàng vẫn còn sử dụng logo của Apple
Hiện một số nhà bán lẻ đã nhận được văn bản của công ty Võ Trân nhưng vẫn còn sử dụng hình ảnh của Apple ở một số vị trí trên cửa hàng thay vì bảng hiệu. “Trước đây tôi có nhận được thông tin về việc sử dụng logo Apple nên đã thay quả táo bự trên bảng hiệu, còn 2 cái ở bên cửa do thấy nó không có ảnh hưởng gì nhiều nên chưa thay” đại diện cửa hàng Á Châu trên đường Trần Quang Khải chia sẻ.
Theo ghi nhận, tại Hà Nội, những con phố điện thoại như Thái Hà, Cầu Giấy, tình trạng sử dụng trái phép nhãn hiệu Apple cũng xuất hiện rất ít. Dọc tuyến đường Thái Hà, chỉ còn 2 trong số hơn 30 cửa hàng tại đây sử dụng logo Apple, giảm đáng kể so với thời gian trước đó.
Tại Việt Nam, tuy Apple chưa đặt Apple Store, các sản phẩm chính hãng vẫn được bán ra tại các nhà bán lẻ như Thế Giới Di Động, FPT Shop... hoặc qua các đại lý ủy quyền cấp 1 như F.Studio by FPT hay đại lý cấp 2 như FutureWorld, iCenter...
Hiện số lượng cửa hàng ủy quyền chính hãng của Apple tại Việt Nam mới chỉ ở con số 15. Singapore có 527 cửa hàng và Thái Lan có 480 cửa hàng. FPT Retail và Thế Giới Di Động hiện chiếm khoảng 80% doanh số bán sản phẩm Apple chính hãng ở Việt Nam, còn lại đến từ nhà mạng và các nhà bán lẻ cỡ nhỏ.
Bảo Ngọc (t/h)