Nhà Trắng thậm chí cho rằng, Ấn Độ “dễ bị dao động”, đồng thời bày tỏ “thất vọng” đối với New Delhi.
Tuy nhiên sau đó, phương Tây bất ngờ “đổi giọng”. Cuộc gặp trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đầu tháng này chỉ có sự tán dương và những lời lẽ ngoại giao về “mối liên kết sâu sắc giữa nhân dân hai nước" và “những giá trị chung” giữa 02 bên.
Tiếp đó, ngày 22/04, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã tới New Delhi để thảo luận về quan hệ thương mại, đồng thời nhấn mạnh “sự khác biệt” liên quan đến Nga.
Tuy nhiên, lập trường của Ấn Độ về cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn không thay đổi.
Theo Reuters, Ấn Độ vẫn đang mua dầu giá rẻ của Nga. Trên thực tế, trong những tháng đầu năm 2022, New Delhi đã mua dầu mỏ của Nga gần như bằng với khối lượng đã mua trong cả năm 2021 và quốc gia Nam Á này cũng giữ im lặng trước chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Gần đây nhất, ngày 07/04, Ấn Độ bỏ phiếu trắng trong phiên họp của Liên Hợp quốc về việc đình chỉ tư cách thành viên của Nga tại Hội đồng Nhân quyền.
Với việc Ấn Độ đóng vai trò quan trọng trong các nỗ lực của Mỹ nhằm đối phó với Trung Quốc, mà Washington đánh giá là mối đe dọa lớn hơn cả Nga, phương Tây cũng khó có thể cứng rắn với New Delhi.
Ông Harsh V. Pant, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học King's College London, đánh giá: Mỹ nhận ra rằng họ cần phải coi Ấn Độ như một “đối tác mới cần tranh thủ lôi kéo”.
Vì sao Ấn Độ quan trọng đối với Mỹ?
Cả Ấn Độ và Mỹ đều lo ngại về Trung Quốc. Giáo sư Pant, hiện là người đứng đầu Chương trình Nghiên cứu Chiến lược tại Quỹ Nghiên cứu Người quan sát ở New Delhi cho rằng, một phần trong kế hoạch của Mỹ nhằm chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc là đưa Ấn Độ tham gia ích cực hơn vào nhóm Bộ Tứ (cùng với Mỹ, Nhật Bản và Australia), đặc biệt trong lĩnh vực an ninh.
Trong khi đó, Ấn Độ cũng có những lo ngại riêng về Trung Quốc. Hai nước có xung đột quân sự dọc biên giới trên dãy Himalaya trong vài năm qua. Có một điểm đáng chú ý, Ấn Độ phụ thuộc nhiều vào vũ khí, khí tài quân sự của Nga để trang bị cho các lực lượng của mình, bao gồm cả lực lượng ở khu vực Himalaya.
Mối quan ngại chung về Trung Quốc được thể hiện rõ sau cuộc gặp trực tuyến giữa Tổng thống Biden và Thủ tướng Modi. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khi đó cảnh báo, Trung Quốc đang tìm cách “định hình lại khu vực và hệ thống quốc tế”, đồng thời cho biết Mỹ và Ấn Độ đã “tìm ra những cơ hội mới để mở rộng tầm hoạt động của lực lượng quân đội 2 nước”.
Theo ông Manoj Kewalramani, một nhà nghiên cứu về Trung Quốc tại Viện Takshashila, Ấn Độ, đó là một dấu hiệu cho thấy dù có bất đồng đáng kể trong vấn đề Ukraine, hai nước vẫn có “sự hiểu biết sâu sắc về lập trường của nhau”.
Những quan ngại này giải thích lý do tại sao Mỹ chỉ trích quan điểm của Trung Quốc về chiến dịch của Nga ở Ukraine, nhưng lại “im lặng” với Ấn Độ.
Nhìn bề ngoài, Ấn Độ và Trung Quốc dường như có quan điểm tương tự về cuộc chiến ở Ukraine. Cả hai đều đặt mình ở vị thế trung lập chứ không lớn tiếng phản đối. Cả hai đều kêu gọi hòa bình và không chỉ trích chiến dịch của Nga. Cả hai đều có mối quan hệ chiến lược với Nga và họ muốn không gây tổn hại tới mối quan hệ đó.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin hồi tháng Hai tuyên bố mối quan hệ giữa 02 nước “không có giới hạn”, trong khi theo một số ước tính, Ấn Độ mua hơn 50% nhu cầu thiết bị quân sự từ Nga.
Dù vậy, những điểm tương đồng này chỉ là bề ngoài. Trên thực tế, có “sự khác biệt lớn”, theo ông Kewalramani.
Ông Kewalramani đánh giá, Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích các lệnh trừng phạt của phương Tây và liên tục đổ lỗi cho Mỹ và NATO về cuộc xung đột hiện nay, tương tự quan điểm của Nga cho rằng NATO đã gây ra cuộc khủng hoảng bằng việc mở rộng về phía Đông.
Trong khi đó, Ấn Độ tránh chỉ trích NATO và “hạ giọng” về sự khác biệt với Mỹ. Quan điểm của Ấn Độ cũng có những thay đổi nhỏ khi xung đột kéo dài.
Thủ tướng Ấn Độ Modi đã trao đổi với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, trong khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn chưa làm điều đó, theo ông Li Mingjiang, Phó Giáo sư về quan hệ quốc tế tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore.
Theo VOV.vn