THCL - Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, ngay cả nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cũng thường vướng mắc về thủ tục kê khai và nộp thuế. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến các hộ kinh doanh lớn không muốn phát triển lên doanh nghiệp.
Lãnh đạo TP. HCM tính toán, ngay trong tháng 3/2017, thành phố sẽ ban hành kế hoạch kích cầu cho công nghiệp hỗ trợ. Nhiều chính sách sẽ được đưa ra để hiện thực hóa mục tiêu 500.000 doanh nghiệp (DN) đến năm 2020.
Tuy nhiên, hộ kinh doanh nhỏ không muốn lên doanh nghiệp vì không biết lên doanh nghiệp để làm gì và lên như thế nào. Nhưng đó không phải là lý do duy nhất. Rất nhiều hộ kinh doanh cá thể có quy mô và doanh thu lớn hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp, nhưng họ cũng không muốn lên làm doanh nghiệp. Mặc dù ngành thuế đã có nhiều cải cách, hỗ trợ cho các doanh nghiệp về cải cách hành chính, ưu đãi thuế… nhưng trong thực tế vẫn còn nhiều thủ tục, vướng mắc cần được tháo gỡ.
Tại Hội nghị đối thoại về thuế và hải quan với các doanh nghiệp phía Nam, do Bộ Tài chính và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 30/11 tại TP. HCM, bà Mã Thị Thanh, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng cho biết: Chính sách thuế hiện nay chưa thực sự công bằng, có những đơn vị doanh thu lớn nhưng lại phải nộp thuế ít khiến nhiều hộ kinh doanh không muốn đăng ký lên doanh nghiệp.
Ảnh minh họa.
Theo bà Thanh, hoạt động bán hàng không xuất hóa đơn khá phổ biến. Tình trạng này không chỉ có ở các hộ kinh doanh, mà còn diễn ra trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ có doanh số hàng trăm triệu đồng/ngày. Nhiều người tiêu dùng phải trả thêm tiền thuế nhưng cũng không có thói quen lấy hóa đơn khi mua hàng... Những biểu hiện trên không chỉ làm thất thu ngân sách, mà còn tạo ra sự bất bình đẳng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Cao Anh Tuấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, nhiều doanh nghiệp nói là khó khăn, chậm hoàn thuế, nhưng lãnh đạo Cục Thuế TP. HCM đã chỉ ra 17 doanh nghiệp mua hóa đơn đầu vào là doanh nghiệp bỏ trốn, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.
Chính sách thuế, đặc biệt là thuế giá trị gia tăng có ưu điểm khuyến khích đầu tư và xuất khẩu. Hồ sơ hoàn thuế được thực hiện hàng tháng đối với toàn bộ thuế giá trị gia tăng đầu vào lĩnh vực đầu tư và xuất khẩu nên đã khuyến khích xuất khẩu. Đây là quyền lợi của doanh nghiệp, nhưng việc thực hiện của cơ quan thuế phải cẩn trọng.
Chia sẻ với hơn 400 DN Việt Nam tại Hội nghị gặp gỡ lãnh đạo TP. HCM và DN vào mới đây, lãnh đạo TP. HCM đưa ra hàng loạt cam kết, định hướng và nhiều yêu cầu với lãnh đạo các sở ngành để tăng cường hỗ trợ DN.
Để thực hiện nỗ lực này, trong tháng 3/2017, ông Liêm cho biết, TP. HCM sẽ có hội nghị gặp gỡ các sở, ngành thành phố, mời tất cả các quận, huyện triển khai kế hoạch cụ thể phát triển DN trên địa bàn.
“Qua kiểm tra sơ bộ, có 14.000 hộ có đủ điều kiện để lên DN, thành phố đang tích cực lắng nghe, tập trung các giải pháp nhằm hỗ trợ các hộ cá thể lên DN trong tương lai”, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP. HCM cho biết.
Để tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh chuyển đổi lên thành doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, cần có các chính sách hỗ trợ cụ thể được đưa vào Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sắp trình Quốc hội thông qua. Mặt khác, ngành thuế cũng cần có chính sách phát triển hệ thống đại lý thuế hoạt động chuyên nghiệp hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ về kế toán, kê khai thuế.
Ngọc Linh