Áp lực đáo hạn trái phiếu?
Theo báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán VNDirect, trong năm 2023, sẽ có khoảng 272.853 tỷ đồng TPDN đáo hạn, tăng 76,6% so với cùng kỳ, trong đó, 37,6% thuộc về doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS), tiếp đến là ngân hàng 37,0% và các lĩnh vực khác. Như vậy, năm 2023, riêng TPDN BĐS đáo hạn lên tới hơn 102.000 tỷ đồng.
Mới đây, Công ty cổ phần Đầu tư An Khải Hưng đã công bố thông tin bất thường về việc chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn.
Theo Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), đến ngày 23/02, Công ty cổ phần Đầu tư An Khải Hưng phải thanh toán gốc và lãi mã trái phiếu AKHCH2123001 với tổng số tiền là 185,4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Công ty chỉ thanh toán được hơn 7,4 tỷ đồng, còn gần 178 tỷ đồng chưa thanh toán. Lý do được Công ty cổ phần Đầu tư An Khải Hưng đưa ra do chưa thu xếp được nguồn thanh toán.
Trước đó, ngày 23/11/2021, Công ty cổ phần Đầu tư An Khải Hưng đã phát hành 180 tỷ đồng trái phiếu loại hình không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có bảo đảm bằng tài sản và không phải nợ thứ cấp của doanh nghiệp. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 15 tháng (đáo hạn ngày 23/02/2023), lãi suất phát hành thực tế lên tới 12,5%/năm. Tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại thửa đất số 1351, 588; tờ bản đồ số 19, địa chỉ phường Trường Thạnh, quận 9, TP. HCM thuộc sở hữu của ông Huỳnh Trọng Nghĩa - Tổng giám đốc An Khải Hưng.
Đáng chú ý, toàn bộ lô trái phiếu đã được mua hết bởi 02 nhà đầu tư tổ chức (5,556% - tương đương 10 tỷ đồng) và 01 nhà đầu tư cá nhân (94,444% - tương đương giá trị 170 tỷ đồng). Lô trái phiếu được thu xếp bởi CTCP Chứng khoán Dầu khí (PSI) – chi nhánh HCM và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – chi nhánh 4 TP. HCM.
Mục đích huy động vốn từ phát hành trái phiếu để thanh toán tiền đặt cọc mua đất tại phường Trường Thạnh, TP. Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh.
An Khải Hưng của ai?
Theo tìm hiểu, Công ty cổ phần Đầu tư An Khải Hưng được thành lập ngày 26/04/2017, có địa chỉ tại L17-11, tầng 17, tòa nhà Vincom Center, 72 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, Quận 1, TP. HCM do ông Huỳnh Trọng Nghĩa làm đại diện pháp luật.
Theo giấy phép đăng ký kinh doanh thì, Công ty cổ phần Đầu tư An Khải Hưng hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.
Theo Nhadautu.vn, Công ty có quy mô vốn điều lệ 88 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông gồm 3 cá nhân có cùng địa chỉ thường trú là ông Huỳnh Thiện Khánh (SN 1987, sở hữu 35% VĐL), bà Nguyễn Thị Thu Hồng (SN 1957, sở hữu 30% VĐL) và ông Huỳnh Trọng Nghĩa (SN 1979, sở hữu 35% VĐL).
Tới ngày 25/05/2021, vốn điều lệ của An Khải Hưng đã được nâng lên mức 150 tỷ đồng. Ông Huỳnh Trọng Nghĩa là Người đại diện theo pháp luật, kiêm Tổng Giám đốc công ty.
Ông Huỳnh Thiện Khánh, Huỳnh Trọng Nghĩa, bà Nguyễn Thị Thu Hồng còn thành lập CTCP Đầu tư An Việt Hưng vào tháng 08/2014 với vốn điều lệ 125 tỷ đồng. Trong đó, ông Huỳnh Thiện Khánh sở hữu 40% vốn điều lệ, bà Nguyễn Thị Thu Hồng sở hữu 30% và ông Huỳnh Trọng Nghĩa sở hữu 30% vốn điều lệ.
Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của An Việt Hưng là ông Huỳnh Thiện Khánh. Ông Khánh còn đang đứng tên cho Công ty TNHH Ueni, hoạt động chính trong lĩnh vực lập trình máy vi tính.
Còn dữ liệu của VietTimes cho thấy, An Việt Hưng và bà Nguyễn Thị Thu Hồng từng nắm giữ tới 2,7 triệu cổ phần (tương đương 17,4% VĐL) CTCP Bệnh viện tim Tâm Đức. Trong khi đó, ông Huỳnh Trọng Nghĩa - Tổng giám đốc An Khải Hưng - còn là Tổng giám đốc kiêm cổ đông sáng lập Công ty TNHH Phát triển Nhà Đồng Tâm (Nhà Đồng Tâm).
Tính đến tháng 06/2018, Nhà Đồng Tâm có vốn điều lệ 70 tỷ đồng, do Công ty TNHH Sản xuất - Xây dựng - Thương mại Đồng Tâm - công ty con của CTCP Đồng Tâm (Đồng Tâm Group) - góp 35,7 tỷ đồng, sở hữu 51% vốn điều lệ. Ông Huỳnh Trọng Nghĩa góp 32,2 tỷ đồng, tương đương 46% vốn điều lệ.
Theo Nhadautu.vn, cả 03 cá nhân kể trên đều là người thân của doanh nhân Huỳnh Tấn Nam (SN 1957) – cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc CTCP Pymepharco (HOSE: PME). Cụ thể, bà Nguyễn Thị Thu Hồng là vợ ông, trong khi ông Huỳnh Trọng Nghĩa, Huỳnh Thiện Khánh là 02 con trai ông.
Vị doanh nhân sinh năm 1957 đã có gần 45 năm gắn liền lĩnh vực y dược. Theo đó, giai đoạn tháng 04/1977 – tháng 6/1989, ông công tác tại Sở Y tế Phú Khánh. Từ tháng 07/1989 – 06/1998, ông là Phó Giám đốc Công ty Dược và Vật tư y tế Phú Yên (tiền thân của PME hiện tại) và sau đó là Chủ tịch HĐQT công ty (2006 – 2020). Hiện tại, ông là Tổng giám đốc PME. Ông Huỳnh Tấn Nam được xem là đầu tàu trong quá trình hình thành và phát triển của PME.
Vừa qua, PME gây chú ý với giới đầu tư khi hủy niêm yết hơn 75 triệu cổ phiếu trên HOSE từ ngày 06/12/2021 do tổ chức niêm yết hủy tư cách công ty đại chúng. Cổ phiếu PME sẽ giao dịch phiên cuối tại HOSE vào ngày 03/12/2021.
Hồi đầu năm, ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 của PME đã chấp thuận cho phép cổ đông lớn Stada Service Holding B.V và người có liên quan nâng tỷ lệ sở hữu tối đa lên 100% vốn điều lệ công ty mà không cần thực hiện chào mua công khai. Tính tại ngày 18/08/2021, Stada sở hữu 89,73% vốn PME.
Stada Service Holding B.V là công ty con của Tập đoàn dược phẩm STADA Arzneimittel AG (Đức). Đơn vị này gia nhập PME từ năm 2008, sau đó trở thành cổ đông chiến lược nắm giữ 62% vốn.
Minh An (T/h)