Vì sao đường 1 chiều biến thành 2 chiều?

Con đường dài hơn 3km bắt đầu từ giao lộ Phạm Văn Đồng đến Xô Viết Nghệ Tĩnh. Đoạn từ Phạm Văn Đồng đến Nơ Trang Long, các phương tiện được phép lưu hành 2 chiều và từ ngã tư Đinh Bộ Lĩnh đến ngã tư Nguyễn Xí – đoạn giao với Quốc lộ 13, các phương tiện chỉ được phép đi 1 chiều.

Nguyên nhân được đưa ra là do nhằm nâng cao lượng thông qua của đường sá. Mọi người đều biết rằng, mấu chốt của sự ùn tắc và chen chúc giao thông ở thành phố là tại các nút giao thông (ngã ba, ngã tư...). Ở đường 2 chiều, khi ô tô qua điểm nút thường bị ách tắc do thời gian chờ đợi quá lâu. Sau khi thực hiện đường 1 chiều, ô tô chỉ được đi 1 chiều và rẽ phải, không được đi ngược chiều và rẽ trái, thì lưu lượng xe ở nút giao thông tăng lên rõ rệt, tốc độ xe tăng nhanh và sự cố giao thông cũng giảm rất nhiều.

Đó cũng chỉ là biện pháp nhằm giảm tắt đường vào giờ cao điểm, từ khi đưa vào thực hiện, đoạn đường này đã giảm đáng kể tình trạng kẹt xe. Hầu hết các phương tiện đã chấp hành. Tuy nhiên, một bộ phận người dân vẫn vô tư vi phạm, đi vào đường 1 chiều đối đầu với xe hơi đang chạy chiều ngược lại.

Vì sao người dân có thể ngang nhiên đi vào đường cấm? - Hình 1

Người dân “ung dung” đi vào làn đường dành cho ô tô (Ảnh Tiến Minh)

Vì sao người dân có thể ngang nhiên đi vào đường cấm? - Hình 2

Vì sao người dân có thể ngang nhiên đi vào đường cấm? - Hình 3

Ngang nhiên đi vào, dù biển báo cấm đi ngược chiều đặt ngay đầu đường

Theo ghi nhận của chúng tôi vào chiều ngày 03/10/2018, một cơn mưa nhẹ xuất hiện vào giờ cao điểm cũng dẫn đến lượng xe đang lưu thông bị ùn ứ, rất nhiều người tham gia giao thông đã điều khiển xe lên vỉa hè và di chuyển sai quy định vào đoạn đường Nguyễn Xí “một chiều” khiến nhiều người nhầm lẫn là đoạn xe được phân làn “2 chiều”.

Người đi ngược chiều lấn hết làn đường, xe hơi phải chạy chậm hoặc dừng hẳn để tránh. Vô tư đi vào đường cấm rất nguy hiểm, dễ gây tai nạn. Theo ghi nhận của chúng tôi vào giờ cao điểm từ khung giờ 17h00, chỉ trong vòng 20 phút đã có đến  300 lượt phương tiên đi vào cung đường này.

Hiểm họa luôn rình rập bất cứ lúc nào, không chỉ đối với người đi ngược chiều, mà còn ảnh hưởng rất lớn cho người đi đúng làn đường. Vì là giờ tan tầm, mật độ phương tiện lưu thông đông nên di chuyển như thế rất nguy hiểm

Theo quan sát, có 2 nguyên nhân khiến người dân đi vào đường cấm này. Một là, các phương tiện từ Xô Viết Nghệ Tĩnh và Ung Văn Khiêm, muốn qua Đinh Bộ Lĩnh từ phải đi QL13 sau đó rẽ vào vòng xuyến dưới chân cầu Đỏ thì mới được phép lưu thông ra Đinh Bộ Lĩnh. Vì thế, họ phải đi một đoạn khá xa (khoảng 600m) thế nhưng nếu đi ngược vào đây khoảng cách chỉ vỏn vẹn chưa tới 300m. Hai là, người dân muốn đi vào hẻm 12 Nguyễn Xí để ra đường Chu Văn An tiếp giáp với Đinh Bộ Lĩnh chỉ 200m so với việc đi đúng tuyến đường.

Chính quyền và các cơ quan chức năng “ở đâu”?

Ở đầu đoạn đường Nguyễn Xí, có biển báo cấm đi vào đường ngược chiều. Và cung đường này cách UBND phường 26, quận Bình Thạnh chưa tới 1km, cách Công an phường chỉ khoảng 500m, bên cạnh đó đối diện Nguyễn Xí với Ung Văn Khiêm có một chốt giao thông luôn có người làm nhiệm vụ điều tiết giao thông ở đây.

Tuy nhiên, tại thời điểm người tham gia giao thông vi phạm, theo quan sát của chúng tôi, không thấy bóng dáng của bất cứ  lực lượng chức năng nào lập biên bản vi phạm hay nhắc nhở tham gia điều tiết tại đây, mặc dù họ luôn có mặt tại khu vực này? Phải chăng, họ quên đây là cung đường 1 chiều hay những vi phạm này không đến mức phải xử phạt?

Vì sao người dân có thể ngang nhiên đi vào đường cấm? - Hình 4

Vì sao người dân có thể ngang nhiên đi vào đường cấm? - Hình 5

Chốt sát nằm trên giao lộ Ung Văn Khiêm và Nguyễn Xí (Bình Thạnh)

Theo quy định, khi người điều khiển ô tô đi vào làn đường dành cho xe gắn máy, xe thô sơ, tức là đã đi không đúng làn đường quy định và sẽ bị xử phạt theo quy định của Nghị định 46/2016.

Cụ thể tại Điểm c, Khoản 4, Điều 5 quy định phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô khi thực hiện hành vi vi phạm: “Điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường, làn đường quy định”. Ngoài ra, với vi phạm này, theo Điểm b, Khoản 12, Điều 5, người điều khiển xe còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.

Đối với xe mô tô đi vào làn xe ô tô sẽ bị xử phạt lỗi “Điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường, làn đường quy định” theo quy định tại điểm g, khoản 4, điều 6, phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng.

Mức phạt người vi phạm là không hề nhỏ thế nhưng tình trạng này diễn ra liên tiếp trong thời dan dài khiến nhiều người “cố tình” nghĩ đây là đoạn đường hai chiều bất chấp nguy hiểm rình rập.

Vậy câu hỏi đặt ra: Phải chăng, các ngành chức năng đang "làm ngơ" cho người vi phạm bởi lực lượng chức năng đứng gác chốt ngay đó nhưng "không biết" - khiến người dân nhờn luật? Liệu công tác tuyên truyền an toàn giao thông ngay tại đia phương đến người dân đã được thực hiện tốt hay chưa? Trách nhiệm của cơ quan thực thi pháp luật như thế nào khi để tình trạng "nhờn luật" diễn ra trong một thời gian dài như vậy?

Thanh Trọng – Tiến Minh