Chất lượng được quốc tế công nhận
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong khuôn khổ Hội nghị Thương mại lúa gạo toàn cầu năm 2023 do The Rice Trader tổ chức tại Philippines, gạo Việt Nam đã được vinh danh giải Nhất "gạo ngon Nhất thế giới" (World’s Best Rice). Giải Nhì và giải Ba lần lượt thuộc về gạo Campuchia và gạo Ấn Độ.
Theo đề án “Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030”, đến năm 2025, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 5 triệu tấn gạo. Trong đó gạo thơm, đặc sản và gạo japonica chiếm 40%, gạo nếp 20%, gạo trắng phẩm chất cao 20%, gạo phẩm trung bình và thấp 15%, sản phẩm từ gạo 5%. Tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu là 20%.
Năm nay, có 03 doanh nghiệp Việt Nam tham dự thi với 6 loại gạo (doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí dự thi gạo ST24, ST25; Tập đoàn Lộc Trời dự thi gạo Lộc Trời 28, Nàng Hoa 9 và Tập đoàn Thái Bình Seed dự thi gạo TBR39, TBR39-1). Do đó, Ban Tổ chức vinh danh gạo Việt Nam chứ không vinh danh loại gạo cụ thể của công ty nào.
Việc gạo Việt Nam một lần nữa được vinh danh ở giải thưởng cao nhất của một cuộc thi gạo ngon là một tín hiệu vui cho việc phát triển thương hiệu gạo Việt, giúp hoạt động xuất khẩu gạo có thêm kỳ vọng tăng trưởng thời gian tới.
Sở hữu 02 trong số 6 giống gạo dự thi lần này là Lộc Trời 28 và Nàng Hoa 9, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời Nguyễn Duy Thuận cho biết: Gạo Việt Nam từ xưa đến nay không có thương hiệu trên thế giới. Mặc dù vậy, khi Tập đoàn Lộc Trời gặp được các chuyên gia lúa gạo đầu tiên, họ khẳng định lúa gạo Việt Nam là một trong những nguồn tốt nhất thế giới.
“Lúc đó tôi mới đặt ra câu hỏi tại sao gạo Việt Nam không xuất hiện trên thị trường thế giới với thương hiệu Việt Nam? Hiện 01 năm chúng ta xuất khẩu đi nước ngoài 6 triệu tấn gạo nhưng tại sao chưa có thương hiệu riêng của doanh nghiệp? Bắt đầu từ câu hỏi đó, dựa trên nền tảng chuyên gia và nhà khoa học xác nhận rõ ràng rằng, gạo Việt Nam tốt nhất thế giới cả về chất lượng, quy trình, dư lượng thuốc trừ sâu… chúng tôi xác nhận rằng đó chính là điều kiện cần của gạo Việt”, ông Nguyễn Duy Thuận nói.
Vì sao,nhãn hiệu chứng nhận Gạo Việt Nam vẫn chưa được cấp cho bất cứ doanh nghiệp nào sử dụng?
Tại hội thảo “Hoàn thiện chính sách pháp luật phát triển thương hiệu nông sản” tổ chức ngày 04/12, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay mới chỉ có 02 sản phẩm trong tổng số 13 sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam gồm: Nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam” do Hiệp hội Cao su Việt Nam làm chủ sở hữu và nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Việt Nam” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ sở hữu. Các sản phẩm còn lại như cà phê, tôm, cá tra... đang trong quá trình xây dựng.
Thậm chí, dù nhãn hiệu chứng nhận Gạo Việt Nam đã được bảo hộ trong nước và tại một số nước, nhưng cho đến nay chưa được cấp cho bất cứ doanh nghiệp nào sử dụng vì còn một số vướng mắc về cơ sở pháp lý quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, việc đăng ký bảo hộ ra nước ngoài cũng gặp khó khăn do thiếu kinh phí; một số nước chỉ chấp nhận bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu thông thường, không bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận.
Bà Nguyễn Mai Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) cho rằng, cần xây dựng hành lang pháp lý quy định cụ thể về việc sử dụng và quản lý tên quốc gia (“Việt Nam” hoặc tương đương) để tạo điều kiện đăng ký bảo hộ thương hiệu cho các sản phẩm nông sản quốc gia trong thời gian tới tại cả thị trường trong nước và quốc tế.
Tại Quyết định số 1499/QĐ-BNN-CBTTNS ngày 02/05/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy định quản lý sử dụng thiết bị Văn phòng Chính phủ cho là chứa thủ tục hành chính, không đúng với quy định pháp luật. Do vậy, không đủ điều kiện để thực thi cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận theo văn bản này.
Để giải quyết vướng mắc này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành chuyển nhượng quyền sở hữu cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam quản lý sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận Gạo Việt Nam. Tuy nhiên, Hiệp hội phải sửa đổi điều lệ mới đủ điều kiện để tiếp nhận chuyển nhượng. Do vậy, phương án này đã không thực hiện được.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng Nghị định quản lý sử dụng Nhãn hiệu Gạo Việt Nam/Vietnam Rice theo trình tự thủ tục rút gọn. Tuy nhiên, cho đến tháng 11/2022 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa xây dựng xong Nghị định.
80% nông sản xuất khẩu của Việt Nam không có thương hiệu
Hiện, Việt Nam duy trì 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 7 nhóm mặt hàng (gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, cà phê, gạo, cao su và rau quả, hạt điều) đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặc dù đạt được những con số ấn tượng về kim ngạch xuất khẩu, nhưng có 80% sản lượng nông sản xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có lôgô, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Nhiều sản phẩm được xuất khẩu và bán ở thị trường nước ngoài dưới thương hiệu không phải của doanh nghiệp Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam chưa có chính sách riêng nào để hỗ trợ cho việc phát triển thương hiệu nông sản. Thông qua công tác tuyên truyền và các chương trình hiện nay ở các bộ, ngành và địa phương, nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã tích cực, chủ động trong đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, phát triển thương hiệu nông sản, nhưng việc phát triển các thương hiệu mạnh (ở cả 03 nhóm sản phẩm quốc gia, vùng và địa phương) đều còn hạn chế.
Vì vậy, việc xây dựng một cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thương hiệu cho nông sản đảm bảo phù hợp hợp với các chủ trường, chính sách, cơ sở pháp lý liên quan và phù hợp với quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là cần thiết.
Bảo vệ và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam
Theo Cục Sở hữu trí tuệ, hiện các doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng có ý thức hơn trong việc xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu. Năm 2015, có gần 37.300 đơn đăng ký nhãn hiệu của các doanh nghiệp, nhưng năm 2020 có 55.600 đơn (tăng gần 50% trong vòng 05 năm).
Số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế cũng tăng gấp đôi từ 105 đơn lên 269 đơn. Quyền sở hữu trí tuệ là công cụ đắc lực, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho sự phát triển của các doanh nghiệp, các chủ thể quyền khác trong nền kinh tế thị trường. Riêng năm 2021 có hơn 9.000 đơn sáng chế; 52.926 đơn nhãn hiệu quốc gia và 9.495 đơn nhãn hiệu quốc tế; 11 đơn chỉ dẫn địa lý và 253 đơn đăng ký quốc tế có nguồn gốc Việt Nam.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, để tạo ra vị thế cho gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế, ngành gạo Việt Nam cần triển khai một chiến lược thương hiệu phù hợp với từng thị trường. Chương trình thương hiệu quốc gia cần lựa chọn một số chủng loại gạo chất lượng cao có sản lượng lớn để đặt tên theo hướng đơn giản, dễ nhớ và gắn với địa danh nơi trồng lúa, tạo thuận lợi đăng ký bảo hộ tại nước ngoài.
Đề cập tới vấn đề xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo nói riêng và nông sản xuất khẩu nói chung, Tiến sỹ Cấn Văn Lực cho rằng: Việc hỗ trợ phát triển thương hiệu sản phẩm với các mặt hàng xuất khẩu thông qua việc xây dựng thương hiệu quốc gia, phát triển các kênh bán hàng ngay tại thị trường xuất khẩu.
Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm không chỉ là nhiệm vụ của doanh nghiệp mà phải được thực hiện ở quy mô, tầm cỡ quốc gia. Để tạo lập giá trị bền vững, thương hiệu nông sản cần được gắn với chỉ dẫn địa lý mang hình ảnh quốc gia, địa phương qua đó tạo sự khác biệt hóa và nâng cao giá trị thương hiệu cho sản phẩm.
Đề án xây dựng thương hiệu Gạo Việt Nam theo Quyết định số 706/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với 05 nội dung bao gồm: Nâng cao hình ảnh, giá trị thương hiệu gạo Việt Nam; phát triển thương hiệu gạo quốc gia; phát triển thương hiệu gạo vùng, địa phương; phát triển thương hiệu doanh nghiệp, nhãn hiệu sản phẩm gạo.
Đối với đăng ký trong nước, ngày 09/08/2018, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp Nhãn hiệu chứng nhận quốc gia Gạo Việt Nam/Vietnam Rice cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông là chủ sở hữu và có hiệu lực trong 10 năm.
Đối với đăng ký quốc tế, theo Báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (nay Cục đã sát nhập vào Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường), nhãn hiệu Gạo Việt Nam/Vietnam Rice (bảo hộ dưới dạng Nhãn hiệu chứng nhận) cho đến tháng 10/2021 đã có 19 quốc gia chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu Gạo Việt Nam/Vietnam Rice bao gồm: Indonesia, Nga và OAPI (gồm 17 nước Châu Phi, cụ thể: Benin, Burkina Faso, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Chad, Comoros, Cộng hòa Cong go, Bờ Biển Ngà, Guinea Xích đạo, Gabon, Guinea, Guinea Bissau, Mali, Mauritania, Niger, Senegal và Togo). Có 03 quốc gia (Trung Quốc, Brunei và Na Uy) đã thông báo bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận.
Minh An