Kinh doanh thua lỗ, các khoản nợ tăng “chóng mặt” sau cổ phần hóa
Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng (Công ty Gia Sàng) tiền thân là Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng do Cộng hòa Dân chủ Đức giúp đỡ Việt Nam xây dựng, với tổng diện tích mặt bằng hơn 24ha, được đưa vào sản xuất năm 1975. Từng được ví là “cánh chim đầu đàn” của ngành thép Việt Nam sau giải phóng, với quy mô và công nghệ thuộc loại lớn và hiện đại nhất miền Bắc.
Đến ngày 1/1/2007, công ty được cổ phần hóa (CPH) với vốn điều lệ 50 tỷ đồng, trong đó vốn sở hữu Nhà nước 39,66%, vốn của một cá nhân cổ đông 41%; của cán bộ công nhân viên còn lại 19,34%. Song, từ khi được cổ phần hóa, kết quả sản xuất kinh doanh ngày một đi xuống và liên tục lỗ. Chỉ riêng năm 2010 lãi 15,375 tỷ đồng. Năm 2011 lỗ hơn 21 tỷ đồng, năm 2012 lỗ hơn 28 tỷ đồng. Đến hết năm 2012, công ty này lỗ lũy kế hơn 108 tỷ đồng, và đã ngừng sản xuất từ tháng 1 năm 2013.
Nhà máy thép Gia Sàng từng bị đắp chiếu nhiều năm
Số lượng công nhân cũng ngày một giảm sút, từ 750 người xuống 372 người, rồi xuống hơn 200 người. Nhiều năm dài, nhà xưởng bỏ hoang với máy móc bị hoen gỉ, cỏ mọc um tùm do máy móc bị rút ruột, phá hoại. Nhiều phương tiện, máy móc, dây chuyền sản xuất của phân xưởng luyện thép, phân xưởng cán thép có giá trị hàng trăm tỷ đồng bị tháo dỡ và tẩu tán…
Năm 2013, tổng khoản nợ của Công ty Gia Sàng đã lên tới 121,3 tỷ đồng và không còn khả năng thanh toán. Các khoản nợ lớn như nợ ngân hàng thương mại 54 tỷ đồng; thuế trên 10 tỷ đồng; lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động trên 29,3 tỷ đồng; đối tác 30 tỷ đồng…
Nguyên nhân do đâu?
Cổ phần hóa là chủ trương đúng của Đảng, Nhà nước ta. Nhưng, với công ty Gia Sàng, thủ phạm gây ra sự sụp đổ ấy không phải do cơ chế mà do con người. Bởi, một số cán bộ lãnh đạo có sự tha hóa, biến chất.
Cụ thể, trong nhiều năm, tại các phân xưởng của nhà máy đều xuất hiện hiện tượng lạ như: Máy móc bị phá hoại, rút ruột; phân xưởng cán thép có giá trị hàng trăm tỷ đồng bị tháo dỡ và tẩu tán… dẫn tới việc Công ty đứng trước nguy cơ phá sản, phải ngừng hoạt động. Nhiều cán bộ, công nhân, bảo vệ, người lao động dù biết những góc khuất nêu trên, tuy nhiên của cán bộ lãnh đạo nhà máy, nhưng họ đều bất lực trước cái bóng của các “sếp”.
Ngày 29/7/2013, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Thái Nguyên đã quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với Lê Xuân Hộ, Phó Tổng giám đốc Công ty Gia Sàng về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo điều 281 Bộ luật Hình sự.
Thực hiện khám xét khẩn cấp tại nhà riêng và nơi làm việc của Lê Xuân Hộ (tức Động), Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Thái Nguyên đã thu giữ một khẩu súng ngắn dạng côn và nhiều tài liệu chứng cứ liên quan đến vụ án.
Phó Tổng Giám đốc Lê Xuân Hộ (tức Động) bị cơ quan CSĐT khởi tố, bắt giam
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân TP. Thái Nguyên, sau khi CPH (tháng 3/2006), tháng 10/2010, Công ty CP luyện cán thép Gia Sàng đã tổ chức Đại hội cổ đông bất thường bầu Lê Xuân Hộ (tên gọi khác là Lê Xuân Động), sinh năm 1965, HKTT tại tổ 4, phường Gia Sàng, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Phó Tổng giám đốc Công ty, trực tiếp chỉ đạo công tác bảo vệ, tự vệ của Công ty CPluyện cán thép Gia Sàng.
Lợi dụng văn bản đề nghị của Tổng giám đốc Công ty phê duyệt cho xưởng cán và phòng kế toán của Công ty thu gom xỉ cắt phôi bán lấy tiền trả cho công nhân, ngày 11/4/2013, Hộ trực tiếp đưa văn bản cho em trai là Lê Đình Đức cho xe tải vào trong phân xưởng cán thép để lấy thép phế, phôi thép hồi lò, giàn con lăn; đồng thời chỉ đạo một số nhân viên dưới quyền cẩu 17.330 kg thép phế, phôi thép hồi lò, giàn con lăn lên xe đi tiêu thụ...
Một số nhân viên là Phó quản đốc phân xưởng cán thép, nhân viên bảo vệ, dù biết hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, xuất hàng không đúng quy định, không qua cân..., nhưng vẫn giúp sức cho Hộ mang ra ngoài tiêu thụ. Hành vi của các bị can đã gây thiệt hại cho Công ty CP luyện cán thép Gia Sàng trị giá tài sản hơn 160 triệu đồng.
Đáng nói, vụ việc diễn ra đúng thời điểm tình hình sản xuất, kinh doanh tại Công ty CP luyện cán thép Gia Sàng đang trong tình cảnh thua lỗ, máy móc, vật tư thiết bị liên tục bị kẻ gian cắt phá, làm thất thoát. Các tài sản của Công ty được thế chấp tại ngân hàng để vay vốn nhưng Ban lãnh đạo Công ty đã tự ý bán đi khi không được sự cho phép của ngân hàng.
Để có các khoản tiền trả nợ, trong đó có tiền chi trả nợ lương, nợ tiền, tiền bảo hiểm xã hội của cán bộ công nhân viên, Công ty đã phải bán nhiều vật tư thiết bị; nội bộ mất đoàn kết, phát sinh nhiều đơn thư khiếu nại của công nhân phản ánh việc Ban lãnh đạo Công ty tham nhũng, thông đồng với các đối tượng bên ngoài xã hội tẩu tán tài sản, đã được gửi đến nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành...
Liên quan đến vụ án và các sai phạm trong quản lý kinh tế tại Công ty CP luyện cán thép Gia Sàng còn có nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Lê Văn Lợi và một số đối tượng liên quan...
Bản án 5 năm tù và những hệ lụy nghiêm trọng
Đáng chú ý, từ nhiều năm trước, công nhân đã đứng ra tố cáo nhiều hành vi mờ ám của Lê Xuân Hộ. Năm 2007, khi đơn vị này được tiến hành thí điểm CPH, ông Hộ là cổ đông tự do duy nhất tham gia vào công ty với tỷ lệ góp vốn 8%. Từ ngày ông Lê Xuân Hộ có được ghế “ông chủ” đã xuất hiện những chuyện lạ về việc vật tư, thiết bị nhà máy dần “bốc hơi”.
Tháng 11/2007, ông Hộ đã bị nhiều cổ đông trong công ty tố có hành vi can thiệp để cho xe ô tô chở 1,13 tấn đồng, nhôm ra khỏi công ty mà không có hóa đơn, chứng từ xuất kho. Phải đến cuối năm 2010, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công ty Luyện cán thép Gia Sàng mới có văn bản xác nhận tố cáo trên là đúng sự thật nhưng lại không kiến nghị xử lý đối với ông Hộ.
Vì thế sau đó, nhiều tấn thiết bị ở một phân xưởng bị mất cắp mà “không ai biết”. Cụ thể, ngày 8/1/2013 công nhân của công ty này phát hiện các thiết bị cơ điện, máy cán cùng toàn bộ các thanh cái bằng đồng của lò điện 3 và 4, dây dẫn điện bằng đồng bị mất trộm.
Theo các công nhân kỹ thuật, khối lượng thiết bị khoảng 9 tấn nên không thể “vác tay” ra khỏi nhà máy được. Đến ngày 16/1/2013, lãnh đạo công ty mới lập bảng tổng giá trị thiết bị mất trộm và quy ra “đồng phế liệu” có giá trị 917 triệu đồng nhưng không trình báo cơ quan công an để làm rõ. Công nhân công ty còn phát hiện nhiều vụ mất trộm đáng ngờ khác như mất thiết bị điện ở cầu trục 32 tấn số 8, cầu trục 8 tấn số 6.
Sau những vụ việc trên, rạng sáng ngày 12/4/2013 công nhân công ty đã báo với cơ quan công an ngăn chặn kịp thời một xe ô tô vận chuyển thiết bị từ nhà máy đi tiêu thụ. Vụ việc sau đó đã được Công an tỉnh Thái Nguyên điều tra.
Thật đáng buồn, khi công ty đang bết bát, hoạt động sản xuất kinh doanh được ban lãnh đạo công ty đẩy mạnh nhất lại là “bán vật tư không có nhu cầu sử dụng”. Thực chất, đây chính là các tài sản cố định của công ty, những trang thiết bị của các phân xưởng sản xuất.
Khi khám xét nhà riêng ông Lê Xuân Hộ, cơ quan công an đã thu giữ 1 khẩu súng colt cùng 7 viên đạn. Tại Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng, nhiều người không lạ với tính cách côn đồ, có tính chất “xã hội đen” của vị Phó Tổng Giám đốc. Ngày 20/12/2010, ông Lê Xuân Hộ đã đánh ông Lưu Xuân Tuấn (SN 1959, công nhân xưởng cán thép) ngay tại bữa cơm do Hội Cựu chiến binh công ty tổ chức. Ông Tuấn được xác định bị gãy 1 răng hàm phải, xương quai hàm phải bị rạn, mí mắt phải rách sâu khoảng 5mm. Vụ việc sau đó đã “chìm xuồng”.
Sau khi xem xét các chứng cứ và lời khai tại tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên Lê Xuân Hộ lĩnh án 5 năm tù; các đối tượng liên quan đến vụ án tại Công ty cổ phần luyện cán thép Gia Sàng gồm: Dương Minh Vang, Đoàn Bá Huấn - Phó quản đốc xưởng cán thép; Bùi Hồng Dương, Nguyễn Mạnh Thắng - nhân viên bảo vệ, mỗi bị cáo lĩnh án 2 năm tù.
Đến nay, các đối tượng lĩnh án hầu hết đã nhận tội, chấp hành hình phạt xong và ra tù, riêng Lê Xuân Hộ còn 14 tháng tù nhưng vẫn kêu oan, không nhận tội.
Lê Xuân Hộ bị đi tù, nhưng hậu quả để lại với nhà máy vẫn vô cùng nặng nề suốt nhiều năm sau đó. Nhà máy bị đắp chiếu, bỏ hoang, hơn 700 công nhân tan đàn sẻ nghé, chỉ còn duy trì vài chục người để bảo vệ tài sản…
Nợ ngân hàng, nợ lương cán bộ nhân viên, nợ tiền bảo hiểm, nợ tiền khách hàng, khiến Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng đứng bên bờ vực phá sản và khiến cho hàng trăm công nhân lâm vào tình trạng “sống dở chết dở”… Người nghỉ hưu, người thì chấm dứt hợp, người chờ việc đều ngắc ngoải, nhưng không thể tìm ra một lối thoát cho công ty đã “tan tác chim muông”…
Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Nhóm PV