THCL Những ngày này, hết thảy CBCNV Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng (Công ty Gia Sàng - Thái Nguyên) vô cùng phấn chấn khi đơn vị hoạt động trở lại sau gần 03 năm bị đình trệ, mở ra một hướng mới cho sự phát triển của DN. Liên quan tới sự kiện này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với TGĐ Công ty Gia Sàng, Bùi Long Xuyên.
Ông Bùi Long Xuyên TGĐ Công ty Gia Sàng
Xin ông cho biết, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động SXKD sau gần 03 năm bị đình trệ, công ty đã có những giải pháp gì?
Suốt một thời gian dài, BLĐ mới của công ty vừa lo giải quyết những tồn tại, vướng mắc của BLĐ cũ, vừa phải tìm kiếm những giải pháp nhằm phục hồi sản xuất, đưa người lao động quay trở lại làm việc, nhưng do hậu quả để lại quá lớn nên việc phục hồi sản xuất không thể một sớm một chiều.
Chia sẻ với những khó khăn của đơn vị đang gặp phải, Công ty CP TM Thái Hưng (Công ty Thái Hưng) trước kia từng là cổ đông lớn của Công ty Gia Sàng, đã quyết định quay trở lại - cùng chung tay phục hồi và tái cơ cấu lại sản xuất.
Sau khi Công ty Gia Sàng và Công ty Thái Hưng ký kết hợp tác sản xuất, chiều ngày 22/7, những người thợ của công ty đã bắt tay vào làm việc. Trước hết, chúng tôi cho khôi phục và sửa chữa trạm điện 110 kV, lắp đặt lại hệ thống máy móc, nhà xưởng và trong vòng 75 ngày, đảm bảo sản xuất thép cán có chất lượng cung cấp cho thị trường. Dự kiến, sản lượng cán thép thời gian đầu đề ra khoảng 100.000 tấn thành phẩm/năm và tiến tới sẽ đề ra kế hoạch tăng sản lượng lên khoảng 500.000 tấn/năm.
Thực tế, những tồn tại cần giải quyết là gì?
Theo thống kê, tổng số nợ của Công ty Gia Sàng hiện lên tới 121,3 tỷ đồng: NHTM 54 tỷ đồng; thuế trên 10 tỷ đồng; lương, BHXH, BHYT của người lao động trên 29,3 tỷ đồng; đối tác 30 tỷ đồng…
Sau rất nhiều cuộc thương thảo, mới đây, Chi cục Thi hành án Dân sự TP. Thái Nguyên, BLĐ Công ty Gia Sàng, NH TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Thái Nguyên đã thống nhất về việc giải quyết thi hành án bằng cách thanh lý bán đấu giá toàn bộ khối tài sản trên đất của DN với số tiền khởi điểm là gần 56,8 tỷ đồng để trả nợ.
Ông có thể nói rõ hơn về hoạt động SXKD của DN hiện nay?
Đầu năm 2016, sau quá trình mời gọi nhà đầu tư thì Công ty Thái Hưng là DN duy nhất có thể đáp ứng được các yêu cầu, cam kết sau khi mua được toàn bộ tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất - sẽ không tháo dỡ tài sản là thiết bị, tư liệu sản xuất mà tiếp tục đầu tư để tái sản xuất thép cán, khôi phục trạm điện 110 kV, giải quyết việc làm và bảo vệ quyền lợi cho người lao động...
Về phía UBND tỉnh, cũng có quan điểm chỉ tiếp tục cho tổ chức, cá nhân thuê trên 22,6 ha đất đã giao quyền sử dụng cho Công ty Gia Sàng khi tổ chức, cá nhân trúng đấu giá khối tài sản trên cam kết đầu tư tái sản xuất, đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan.
Đối với Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (cổ đông chiếm 39,66% cổ phần) cũng đã chấp thuận cho Công ty Gia Sàng thuê thương hiệu TISCO để sản xuất thép cán nóng (đường kính từ 10 mm - 20 mm) trong thời gian 3 năm để tạo thêm cơ hội tiêu thụ khi đơn vị này có sản phẩm đưa ra thị trường.
Ngay trong tháng 7, gần 300 lao động của DN chưa có việc làm, đã được mời quay trở lại công ty để đăng ký nguyện vọng, được bố trí vào làm việc phù hợp với trình độ, năng lực của từng người. Quyền lợi và các chế độ liên quan của người lao động được DN cam kết bảo đảm đúng quy định hiện hành. Dự kiến, việc phục hồi, khởi động lại dây chuyền sản xuất của công ty sẽ được hoàn tất sau 3 tháng, kể từ ngày 22/7. Mức lương của công nhân, sau khi thương thảo giữa các bên liên quan trong việc hợp tác sản xuất, có thể đảm bảo từ 5 - 7 triệu đồng/tháng (đã bao gồm bảo hiểm); ngoài ra còn đảm bảo chế độ thưởng và các đãi ngộ khác.
Vậy người lao động có sự đồng thuận ra sao?
Trải qua bao khó khăn, thăng trầm, nhưng với lòng nhiệt huyết, yêu nghề của mình, anh chị em công nhân đã quyết tâm bám trụ. Có thể nói, gần 300 CBCNV của công ty đều phấn khởi vui mừng. Điều tôi quan tâm và trăn trở nhất đó là làm sao phải tạo được việc làm, giải quyết tốt chế độ cho người lao động. Càng khó khăn, càng phải kiên trì tìm cách phát triển DN - nó không chỉ có ý nghĩa với mỗi người, mà có giá trị nhân văn sâu sắc… Mặt khác, việc duy trì và phát huy được truyền thống ngành luyện kim - một thời là cánh chim đầu đàn của ngành công nghiệp nặng là rất cần thiết, đáp ứng lòng mong mỏi của bao thế hệ CBCNV công ty đã dày công vun đắp.
Với sự hợp tác, đầu tư của Công ty Thái Hưng, việc phục hồi sản xuất của Công ty Gia Sàng đã có hướng đi mới, góp phần vào sự phát triển kinh tế địa phương.
Trân trọng cảm ơn Tổng giám đốc!
TIẾN NHA - NGỌC LIÊN (Thực hiện)