Tử tù Nguyễn Hữu Tình xin được hiến xác cho y học
Năm 2017, tử tù Nguyễn Hải Dương trong vụ thảm sát ở Bình Phước đã không thể hiến xác. Nay, đến lượt tử tù Nguyễn Hữu Tình - sát thủ máu lạnh 19 tuổi đã giết 5 người trong gia đình chủ ở quận Bình Tân (TPHCM) - xin được “hiến xác cho y học” cũng không được chấp thuận.
Lý giải vấn đề, TS Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) - cho rằng: Thứ nhất, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác quy định người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác. Tuy nhiên, cả luật này lẫn Luật Thi hành án hình sự đều không quy định về hiến tạng, hiến xác đối với tử tù.
Thứ hai, theo Luật Thi hành án hình sự, khi thi hành án tử đối với tử tù thì phải tiêm thuốc độc. Khi đã tiêm thuốc độc vào người thì liệu cơ thể có đảm bảo để hiến tạng, hiến xác hay không là cả một vấn đề mà y học phải nghiên cứu. Muốn hiến tạng, hiến xác thì phải là một cơ thể “sạch”, phải đảm bảo được các điều kiện khoa học nhất định.
Về quy định của luật pháp, người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác.
Bên cạnh đó, việc hiến tặng mô, tạng còn phải bảo đảm nguyên tắc: tự nguyện, vì mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học; không nhằm mục đích thương mại...
Vấn đề "tử tù muốn hiến xác" đã được mang ra bàn luận. Trước khi thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc thì không thể lấy bộ phận cơ thể người vì muốn lấy, người đó phải chết não. Khi thuốc độc tiêm vào cơ thể, vào các mạch máu thì cơ thể nhiễm độc, các bộ phận không thể sử dụng được.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm, đoàn luật sư TP Hà Nội, chia sẻ: Hiện luật pháp không cấm tử tù hiến xác, nhưng lại không có một quy định pháp lý nào về quy trình hiến xác và các thủ tục để tử tù hiến xác.
Nhiều tử tù có nguyện vọng này nhưng không được đáp ứng vì chưa có hành lang pháp lý cụ thể. Việc đồng ý để tử tù được hiến xác cho y học cũng khiến nhiều người lo ngại. Việc lấy mô, tạng sẽ diễn ra trước hay sau khi thi hành án phạt tử hình? Nếu diễn ra sau khi thi hành án phạt tử hình thì cần phải có một phương pháp tử hình khác ngoài tiêm thuốc độc (thậm chí không thể xử bắn vì xử bắn gây ra chấn động đến các mô tạng).
Việc đồng ý cho tử tù hiến xác còn có thể gây ra nhiều hệ lụy xã hội khác nếu không có cơ chế quản lý chặt chẽ. Thực tế ở các quốc gia khác cho thấy có nhiều kẻ nhân danh hiến xác cho y học để có những hành vi trục lợi cá nhân trái pháp luật, buôn bán nội tạng...
Tuy việc tử tù muốn hiến xác là quyền con người, là nguyện vọng chính đáng, nhân văn; nhưng việc đồng ý để tử tù hiến xác cần có những cơ chế chặt chẽ, những quy định của văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn để tránh những hệ lụy không mong muốn.
Tiền lệ tử tù đầu tiên làm đơn xin hiến xác để cứu người là Nguyễn Phước Đỉnh ở huyện Gò Công, Tiền Giang. Ngày 25.10.2007, tử tù này đã làm đơn xin được hiến xác để cứu người. Tử tù thứ hai làm đơn xin hiến xác là Nguyễn Văn Hải (30 tuổi, trú tại Quảng Ninh).
Bảo Ngọc T/h