Đoàn kết, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp
Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty Xi măng VICEM Hải Phòng Trần Văn Toan đánh giá, tính đến tháng 6/2024, việc tiêu thụ của toàn ngành xi măng tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Cụ thể , tổng nhu cầu xi măng 6 tháng đầu năm 2024 toàn quốc khoảng 37,2 triệu tấn, giảm 3% so với cùng kỳ 2023, trong đó xi măng nội địa khoảng 27,3 triệu tấn, giảm 4%; xi măng xuất khẩu khoảng 9,9 triệu tấn giảm 2%.
Nguyên nhân của thực trạng trên theo các nhà sản xuất, thị trường xi măng cả trong nước lẫn xuất khẩu đều gặp nhiều khó khăn. Đối với kênh xuất khẩu, sản lượng giảm mạnh là do Trung Quốc giảm nhập khẩu.
Bên cạnh đó, cạnh tranh xuất khẩu xi măng, clinker của Việt Nam khốc liệt hơn do Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường mua nhiều xi măng nước ta, điển hình là Phillipiness, Bangladesh. Cùng với đó, các yếu tố bất khả kháng liên quan đến giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào cho sản xuất xi măng, mặc dù đã giảm, nhưng vẫn ở mức cao.
Riêng với VICEM Hải Phòng, với bề dày truyền thống gần 125 năm xây dựng và phát triển doanh nghiệp quyết tâm duy trì ổn định chạy lò và không ngừng đổi mới, sáng tạo tiết giảm chi phí giá thành trong sản xuất kinh doanh.
Theo đó, đơn vị đã chủ động xây dựng các kịch bản sản xuất kinh doanh linh hoạt, đồng thời chỉ đạo quyết liệt trong tiêu thụ sản phẩm. Nổi bật, Công ty đã điều tiết các nguồn hàng tại các nhà máy Vicem Hải Phòng và Vicem Sông Thao phù hợp với năng lực thiết bị và lợi thế logistic của từng điểm xuất hàng; linh hoạt trong chính sách bán hàng gắn với sản lượng và diễn biến thị trường; củng cố kênh phân phối, đồng thời bám sát các công trình trọng điểm nhằm đẩy mạnh thị trường tiêu thụ xi măng rời và đưa ra các dòng sản phẩm xi măng bao phân khúc giá thấp…
Năm 2023, sản lượng tiêu thụ nội địa của Vicem Hải Phòng đạt hơn 2,22 triệu tấn, giảm 15,6% so cùng kỳ (thấp hơn mức giảm chung của thị trường); sản lượng clinker sản xuất đạt hơn 1,26 triệu tấn, bằng 97% kế hoạch; tổng doanh thu đạt hơn 2.700 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 68 tỷ đồng, đảm bảo mức tiền lương bình quân hơn 18 triệu đồng/người/tháng. Kết thúc năm 2023, VICEM Hải Phòng vẫn là một trong các đơn vị thành viên có lãi.
Chủ động thích ứng tình hình mới
Cùng với việc chủ động xây dựng các kịch bản sản xuất kinh doanh, công tác tổ chức điều hành sản xuất của VICEM Hải Phòng thời gian qua còn có nhiều đổi mới, sáng tạo và đạt kết quả tích cực như: Gắn phương án sản xuất với kịch bản kinh doanh tiêu thụ sản phẩm để ứng phó kịp thời tình hình của thị trường; đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo và sản xuất, sửa chữa. Phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật tiếp tục được nhân rộng với các sáng kiến cải tiến thiết bị được công nhận và áp dụng. Công ty tiếp tục tăng cường sử dụng các chất thải của ngành công nghiệp để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên đồng thời giải quyết vấn đề môi trường theo định hướng Vicem xanh.
Kết quả trong 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng clinker sản xuất của Nhà máy đạt 465.500 tấn, bằng 75% so với cùng kỳ và bằng 42% kế hoạch năm; Xi măng tự sản xuất đạt 597.000 tấn, bằng 88% so với cùng kỳ và bằng 38,4% kế hoạch năm. Tổng sản phẩm tiêu thụ đạt 1.077.000 tấn, bằng 84% so với cùng kỳ và bằng 45% kế hoạch năm, trong đó: xi măng tiêu thụ nội địa đạt 956.000 tấn, bằng 87% so với cùng kỳ và bằng 43% kế hoạch năm, Clinker tiêu thụ đạt 121.000 tấn, bằng 168% so với cùng kỳ. Doanh thu đạt 1.052 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 15 tỷ đồng.
Kết quả này thể hiện sự nỗ lực rất lớn của Công ty trong điều kiện nhiều khó khăn, khắc nghiệt của thị trường như đã nêu ở trên. Đáng nói, bên cạnh sản phẩm nhãn hiệu “Con Rồng” đã tự hào được khẳng định chất lượng và được người tiêu dùng tin cậy, sản phẩm xi măng rời VICEM Hải Phòng cũng ngày càng được nhiều công trình lựa chọn, đặc biệt là những công trình, dự án trọng điểm của quốc gia và thành phố đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm như: Sân bay Cát Bi, cầu Tân Vũ, Cảng Lạch Huyện, đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, cầu Bến Rừng, cầu Máy Chai, Trung tâm Chính trị - Hành chính thành phố...
Ngoài ra Công ty vẫn quan tâm đến công tác an sinh xã hội, trách nhiệm với cộng đồng thể hiện qua các hoạt động luôn quan tâm chăm lo phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình thương binh liệt sĩ, người có công, đối tượng bảo trợ xã hội...
Đến hết quý 2/2024, thị trường cho ngành xi măng còn nhiều khó khăn song được dự báo ấm dần do Chính phủ đã và đang quyết liệt đưa ra nhiều chỉ đạo thúc đẩy đầu tư công, nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm được triển khai, cùng việc thông qua quy hoạch nhiều dự án về hạ tầng công nghiệp, đô thị.
Theo dự báo của Hiệp hội xi măng Việt Nam, ngành dự kiến tiêu thụ 68 triệu tấn trong năm 2024 (tăng 4,6%). Tăng trưởng chủ yếu từ ngành xây dựng và hạ tầng, bao gồm các dự án quan trọng như giao thông, nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê, khu đô thị, và du lịch nghỉ dưỡng.
Về xuất khẩu, các doanh nghiệp cũng đang nỗ lực mở rộng thị trường, chuyển hướng sang các thị trường như Mỹ, Australia, khu vực Bắc Mỹ, Nam Mỹ và châu Phi nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và phát huy tiềm năng của mình với tổng công suất thiết kế có thể lên tới 120 triệu tấn/năm. Trong đó ưu tiên các sản phẩm chất lượng cao, xi măng sinh thái, không nung, dùng nhiệt thấp, bắt và lưu trữ carbon....
Riêng đối với Vicem Hải Phòng, Công ty đặt kế hoạch sản xuất clinker đạt hơn 1,12 triệu tấn; sản xuất xi măng đạt 2,57 triệu tấn; sản lượng tiêu thụ hơn 2,65 triệu tấn, tiếp tục phấn đấu phát triển bền vững và khẳng định vị thế trên thị trường xi măng Việt Nam và thế giới.
Tại hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng diễn ra giữa tháng 6/2024 mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng vẫn là “xương sống”, vật liệu thiết yếu để xây dựng hạ tầng kỹ thuật, các công trình dân dụng, công nghiệp, sân bay, bến cảng, các công trình quốc phòng- an ninh, hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn...
Phát triển bền vững ngành xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng tại nước ta là một trong những vấn đề hết sức quan trọng, luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, đã có nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy phát triển đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu.
Tín hiệu tích cực là một số doanh nghiệp đã có những đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ - thị trường có tiêu chuẩn cao và khó tính. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xi măng dần đổi mới công nghệ, cải tạo chiều sâu, sử dụng hiệu quả năng lượng và các giải pháp về phát triển bền vững để vừa tiết giảm chi phí sản xuất vừa nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng theo các tiêu chuẩn ngày càng cao về bảo vệ môi trường của thị trường quốc tế mà VICEM Hải Phòng đang là điểm sáng.
Trần Mạnh