Nhiều người dân trên địa bàn xã Quảng Phúc, huyện Quảng Xương chưa đồng thuận với quyết định sát nhập 2 trường THCS Quảng Phúc và THCS Quảng Vọng, ngày 23 - 24/8 một bộ phận người dân đã kéo đến trụ sở UBND xã Quảng Phúc để kiến nghị xem xét lại việc sát nhập trên.

Việc sát nhập trường tại Quảng Xương (Thanh Hóa): Cần chia sẻ để tháo gỡ “nút thắt” - Hình 1

Nhiều người dân tụ tập kiến nghị về việc sát nhập trường THCS Quảng Phúc

Với lý do có nhiều điểm bất cập khi 2 trường này sát nhập như: con, em họ vốn đang học tập tại trường THCS Quảng Phúc ở gần nhà, đi học thuận tiện. Nay sát nhập trường phải di chuyển từ xã Quảng Phúc sang xã Quảng Vọng quãng đường xa hơn sẽ vất vả, vấn đề an ninh trật tự cho các em khi học ở xã khác có được đảm bảo? Sang trường mới liệu phụ huynh có phải đóng góp thêm nhiều khoản để xây dựng trường? Cơ sở vật chất của THCS Quảng Phúc khang trang, rộng rãi sẽ được sử dụng vào mục đích gì khi chuyển học sinh đi?....

Trước sự việc trên chiều ngày 25/8, Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Thanh Hóa, Sở Thông tin và Truyền thông, UBND huyện Quảng Xương tổ chức họp báo. Tại buổi họp báo ông Trần Thế Lưu – Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương cho biết, việc sát nhập trường THCS Quảng Phúc và trường THCS Quảng Vọng trên địa bàn huyện Quảng Xương là thực hiện Nghị quyết số 122/2015/NQ – HĐND ngày 17/7/2015 của HĐND tỉnh Thanh Hóa về phê duyệt đề án sắp xếp các trường Mầm non, Tiểu học, THCS và trường phổ thông có nhiều cấp học hiện có tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020. 

Vì vậy, đã có và sẽ có thêm nhiều trường trên địa bàn huyện Quảng Xương sẽ sát nhập, chứ không riêng gì tại trường THCS Quảng Phúc và trường THCS Quảng Vọng. Hiệu quả của việc sát nhập được thể hiện rõ tại một số điểm trường trên địa bàn huyện.

Năm học 2017 – 2018, trường THCS Quảng Phúc chỉ có 6 lớp, với 145 học sinh. Với tình hình thực tế như trên, thì theo bà Phạm Thị Hằng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa nhận định, sẽ dẫn đến tình trạng bố trí giảng dạy, đánh giá chất lượng chuyên môn giáo viên, nâng cao chất lượng giáo dục gặp rất nhiều khó khăn. Việc sắp xếp lại các trường lớp trên địa bàn tỉnh là hết sức cần thiết, để đáp ứng được nhu cầu tốt nhất của học sinh. Các bậc phụ huynh, các em học sinh cần hiểu và chia sẻ để chuẩn bị bước vào năm học mới với nhiều thuận lợi. 

Việc sát nhập trường tại Quảng Xương (Thanh Hóa): Cần chia sẻ để tháo gỡ “nút thắt” - Hình 2

Bà Phạm Thị Hằng Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa

Những thắc mắc, trăn trở của người dân cũng được các phóng viên, nhà báo đưa ra tại buổi họp. Trả lời những vấn đề trên ông Lưu cho biết, trước khi thực hiện việc sáp nhập trường, UBND huyện Quảng Xương đã đầu tư xây dựng khu lớp học 2 tầng gồm 10 phòng học (sẽ hoàn thiện trong tháng 10) khang trang với đầy đủ trang thiết bị nhằm đáp ứng nhu cầu cơ sở vật chất cho học sinh Quảng Phúc.

Về khoảng cách địa lý thì theo khảo sát, từ gia đình học sinh ở xã Quảng Phúc tới vị trí trường Quảng Vọng xa nhất cũng chỉ khoảng 3,5 km. Trong khi, UBND huyện Quảng Xương đã đầu tư vốn để làm đường giao thông nội đồng nối thôn Văn Bình, Thanh Minh đi Quảng Vọng, nhằm giúp các học sinh đi lại thuận tiện hơn.

Ông Lưu cũng khẳng định, là phụ huynh học sinh của trường THCS Quảng Phúc về trường THCS Quảng Vọng, sẽ không phải đóng góp bất kỳ một khoản xã hội hóa nào trong năm học. Đặc biệt, huyện cũng trích kinh phí để mua tặng 19 chiếc xe đạp mới cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các em thuộc diện hộ nghèo, hoặc cận nghèo để các em có phương tiện đến trường. Chính quyền địa phương cũng chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Việc sát nhập trường tại Quảng Xương (Thanh Hóa): Cần chia sẻ để tháo gỡ “nút thắt” - Hình 3

Ông Trần Thế Lưu Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương (Thanh Hóa)

Thảo luận về việc sát nhập trường THCS và tiểu học với nhau, UBND huyện Quảng Xương đánh giá đây chỉ là giải pháp cơ bản có thể tiết kiệt một phần cơ sở vật chất. Nhưng không giúp nâng cao chất lượng giáo dục. Bởi vì, riêng vì thời gian tiết học thì THCS là 45 phút mà tiểu học chỉ 35 phút, khi cấp này đang học thì cấp khác ra chơi, chắc chắn sẽ ảnh hưởng. Thứ 2, giáo viên tiểu học thì không thể lên dạy THCS, mà giáo viên THCS xuống dạy tiểu học thì quá thực tế. Để đảm bảo chất lượng thì kế hoạch của UBND huyện Quảng Xương là sát nhập THCS với THCS và chỉ sát nhập những xã gần nhau. Để đảm bảo cự ly không xa quá. 

Cũng theo phương án xây dựng nông thôn mới của xã, sẽ chuyển trường tiểu học Quảng Phúc sang học tại trường THCS. Với mục đích trường tiểu học sẽ có cơ sở vật chất, phòng học đạt chuẩn. Bởi hiện nay, cơ sở chất của trường tiểu học Quảng Phúc đã xuống cấp trầm trọng. Như vậy cơ sở sở vật chất của trường THCS Quảng Phúc sẽ không bị lãng phí.

Ông Lưu nhấn mạnh, UBND huyện Quảng Xương luôn tạo điều kiện để thúc đẩy sự phát triển chất lượng ngành giáo dục địa phương. Có thể việc thay đổi khiến nhiều phụ huynh và học sinh ngỡ ngàng, băn khoăn nhưng vì lợi ích chung cần người dân phải nhìn sâu sắc, chia sẻ và đồng thuận. 

Tại buổi họp báo, lãnh đạo Ban Tuyên giáo, Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa cũng đưa quan điểm, trong hoàn cảnh hiện nay người dân và các bậc phụ xã Quảng Phúc cần phải bình tĩnh, lý trí không nên có những “hành động” bộc phát, tạo cơ hội để các đối tượng xấu lợi dụng làm mất trật tự an ninh trên địa bàn.

Về phía chính quyền cấp cơ sở cần tiếp tục tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu rõ hơn về lợi ích thiết thực của việc thực hiện nghị quyết của Trung ương, tỉnh Thanh Hóa nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

Nguyễn Thuấn