Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính cho biết, để quản lý nợ công, hiện đang sử dụng hai mô hình quản lý nợ công là mô hình Chiến lược nợ trung hạn (MTDF) về các kế hoạch quản lý nợ của Ngân hàng Thế giới - WB; mô hình Quản lý nợ bền vững - DSA.
Đây là một trong những mô hình quản lý nợ chủ đạo có liên hệ mật thiết với nhiệm vụ phân tích, dự báo và thực hiện các nghiệp vụ quản lý rủi ro danh mục nợ để đảm bảo an toàn nợ công, an ninh tài chính quốc gia.
Theo Bộ Tài chính, tại kế hoạch tài chính ngân sách và vay trả nợ công 05 năm 2021-2025, Quốc hội phê duyệt mức trần nợ công không quá 60% GDP, nợ chính phủ không quá 50% GDP; ngưỡng cảnh báo an toàn nợ công khoảng 55% GDP và nợ chính phủ khoảng 45% GDP; chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách Nhà nước hàng năm không quá 25%.
Quốc hội đã phê duyệt tổng mức vay của Chính phủ giai đoạn 2021-2025 là 3,068 triệu tỷ đồng, bội chi ngân sách Nhà nước bình quân cả giai đoạn là 3,7% GDP. Theo đó, đến năm 2025 chỉ tiêu nợ công dự báo khoảng 45,3% GDP, nợ Chính phủ khoảng 41,6% GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách Nhà nước cao nhất cả giai đoạn rơi vào năm 2021 là khoảng 24,8%.
Theo Bộ Tài chính, sau giai đoạn 2016 - 2020, Việt Nam đã cải cách mạnh mẽ về quản lý nợ công, kiểm soát được nợ công, dư địa nợ công của Việt Nam tương đối rộng, có được sự co giãn trong thực hiện chính sách quản lý nợ công.
Nợ công ở Việt Nam đến nay khoảng 43,7% GDP trong khi trần nợ công cho phép là 60%. Nếu cộng thêm việc thực hiện các gói kích cầu của Chính phủ thì nợ công cũng mới lên khoảng 45% GDP.
C.H (t/h)