Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 02/2022 diễn ra chiều tối 03/03, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã trao đổi với báo chí liên quan tới biến động giá xăng dầu trong nước thời gian vừa qua.
Trong bối cảnh căng thẳng Nga-Ukraine, giá xăng dầu có biến động lớn, đồng thời chuỗi cung ứng hàng hoá toàn cầu bị ảnh hưởng với các mặt hàng khác có biến động như sắt, thép, phân bón... Liên quan tới việc này, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có chỉ đạo về nguồn cung và kỳ điều hành giá xăng dầu.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, về nguồn cung, nguồn sản xuất trong nước đã đáp ứng được 70-75%, thậm chí 80% nhu cầu thị trường. Nguồn cung này từ Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn (35-40%), còn lại 35% tới từ Nhà máy Lọc hoá dầu Bình Sơn.
Thời gian qua, nhà máy Nghi Sơn có một số khó khăn về tài chính nên phải giảm dần công suất xuống 90%, 80%, hiện là 55%. Điều này khiến tiến độ giao hàng và nguồn hàng giảm. Nhà máy Bình Sơn đã phải nâng công suất lên 105% từ ngày 07/02, nhưng số tăng khoảng 28.000m3 chưa đủ để bù số giảm công suất của Nhà máy Nghi Sơn.
Cũng theo ông Hải, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường nhập khẩu để bù đắp lượng thiếu hụt trong tháng Hai, 03/2022. Còn nhà máy Nghi Sơn sẽ hoạt động với 100% công suất từ tháng 04/2022: "Bộ Công Thương cũng họp với 10 nhà cung cấp lớn nhất để bảo đảm đủ lượng xăng dầu cung cấp cho thị trường nội địa. Theo đó, từ quý II/2022, chúng ta sẽ bảo đảm đủ xăng dầu cho nhu cầu người dân và sản xuất - kinh doanh, dù nhà máy Nghi Sơn không hoạt động đủ 100% công suất".
Về việc điều chỉnh giá xăng dầu, ông Hải thông báo, theo quy định hiện tại Việt Nam đang thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu với tần suất 10 ngày/lần. Đồng thời, liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định điều chỉnh giá nếu thị trường ghi nhận biến động lớn. Tổ công tác của liên bộ cũng sẽ họp với tần suất 02 ngày/lần để xem xét việc thay đổi tần suất điều hành giá.
Trao đổi thêm về giá xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ vừa có văn bản gửi các bộ, ngành, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) với xăng dầu, mỡ nhờn.
Cơ quan này dự kiến giảm 1.000 đồng với mỗi lít xăng (trừ etanol), từ mức 4.000 đồng một lít xuống mức 3.000 đồng một lít.
Các sản phẩm gồm dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn dự kiến giảm 500 đồng, từ mức 2.000 đồng một lít xuống 1.500 đồng một lít.
Dầu hỏa dự kiến giảm 500 đồng, từ mức 1.000 đồng một lít xuống 500 đồng một lít.
Mỡ nhờn dự kiến giảm 500 đồng với mỗi kilogam, từ 2.000 đồng một kilogam xuống 1.500 đồng một kilogam.
Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, thuế Bảo vệ môi trường (BVMT) là loại thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường nên chi phí thuế BVMT sẽ được chuyển vào giá thành sản phẩm, hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế BVMT và người tiêu dùng là người cuối cùng chịu thuế BVMT.
Vì vậy, việc giảm mức chịu thuế BVMT với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ góp phần trực tiếp làm giảm giá bán lẻ của các mặt hàng này qua việc giảm thuế BVMT và giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT).
Q.N (t/h)