Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc tại diễn đàn WEF ASEAN
Chiều ngày 13/9, Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội với chủ đề “Việt Nam - Đối tác kinh doanh tin cậy: Kết nối & Sáng tạo”. Hội nghị do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì tổ chức, và là hoạt động nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN diễn ra từ ngày 11-13/9.
Theo ông Vũ Tiến Lộc (Chủ tịch VCCI), Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 đã thảo luận về những vấn đề hệ trọng nhất của nền kinh tế thế giới đương đại.
Từ những vấn đề thị trường, các dòng chảy thương mại-đầu tư, đến những xu hướng mới về công nghệ và quản trị, vấn đề phát triển bền vững và bao trùm, vấn đề khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, vấn đề việc làm, vấn đề bình đẳng giới và an ninh mạng…
Tinh thần doanh nghiệp và cuộc CMCN 4.0 là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tại các cuộc thảo luận của WEF ASEAN. Thông qua các phiên thảo luận đã cùng thống nhất với nhau rằng, đó cũng chính là những động lực mới trong sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu…
Tại Hội nghị này, ngoài những định hướng về tầm nhìn, chương trình cải cách và triển vọng phát triển của Việt Nam gắn kết với các chuỗi giá trị toàn cầu sẽ được chia sẻ trong các bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới, các vị Bộ trưởng, lãnh đạo các tổ chức quốc tế và các tập đoàn kinh doanh hàng đầu sẽ giới thiệu cụ thể các cơ hội kinh doanh với Việt Nam trong kỷ nguyên số.
Đặc biệt là các dự án đổi mới sáng tạo, các cơ hội đầu tư tài chính trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, phát triển doanh nghiệp tư nhân, các dự án phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, trong đó có các dự án phát triển cơ sở hạ tầng số trong nền kinh tế, để góp phần thực hiện ý tưởng về kết nối số với ASEAN và thế giới…
Theo ông Vũ Tiến Lộc, trong 2 năm gần đây, Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều cuộc thảo luận nhất về Cách mạng công nghiệp 4.0 và cũng được kỳ vọng là quốc gia có thể hiện thực hóa để bứt phá theo trào lưu của cuộc cách mạng này.
Theo báo cáo của Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu vừa công bố vào năm nay, chỉ số khởi nghiệp của Việt Nam đứng thứ 6 trong số 54 nền kinh tế tham gia khảo sát.
Kết quả nghiên cứu của AlphaBeta cũng xếp hạng Việt Nam ở vị trí thứ 2 về môi trường đầu tư công nghệ và thứ 3 về nhân tài số trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương…
Đó là những lợi thế mới của Việt Nam trong nền kinh tế số, bên cạnh những lợi thế truyền thống: Vị trí địa chính trị, địa kinh tế thuận lợi, sự ổn định về chính trị-xã hội, quy mô thị trường lớn được gắn kết nối với các hiệp định thương mại tự do, lực lượng lao động trẻ, dồi dào và chi phí thấp… Những nỗ lực cải cách thể chế, chủ trương xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển, đặt người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm, cũng đang trở thành một động lực mới của nền kinh tế Việt Nam.
Hằng Vương (t/h)