Nền kinh tế Việt Nam được quốc tế đánh giá là ví dụ điển hình cho các quốc gia đang phát triển khác sớm trở thành những nền kinh tế với “động cơ tên lửa đẩy”, nhiều chuyên gia, định chế tài chính tin tưởng, Việt Nam có thể lọt top 20-30 nền kinh tế lớn nhất thế giới trong thập kỷ tới.
Đáng chú ý là trong khi thứ hạng của các nước ASEAN không tăng trong một vài năm qua nhưng thứ hạng của Việt Nam đã có những bước tăng trưởng vượt bậc.
Cụ thể: Năm 2021, trị giá xuất khẩu hàng hóa xếp vị trí thứ 23 trên thế giới, trị giá nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam xếp vị trí thứ 20 trên thế giới. Theo đó, kể từ năm 2019, Việt Nam xếp vị trí thứ 02 trong khối ASEAN vượt qua cả Thái Lan và Malaysia và chỉ xếp sau Singapore.
Theo dự báo của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR), tổ chức có trụ sở tại London, Anh, Việt Nam sẽ lọt vào top 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2036.
Tại hội thảo “Triển vọng Thị trường 2022” được Ngân hàng HSBC Việt Nam tổ chức, ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) kiêm Chủ tịch tập đoàn Jardine Matheson tại Việt Nam, đã nhận định: Trong khi con tàu kinh tế thế giới khó lường và triển vọng toàn cầu vẫn bất ổn, thì “niềm hy vọng lớn lao đã được thắp lên ở Việt Nam” và quốc gia Đông Nam Á này vẫn là điểm sáng khá tích cực.
Hoạt động xuất nhập khẩu đã có những bước tiến mạnh mẽ, liên tiếp đạt được các mốc kỷ lục. Tổng trị giá xuất nhập khẩu năm 2007 đạt 100 tỷ USD, nhưng chỉ 4 năm sau (2021) đã tăng gấp đôi, đạt 200 tỷ USD. Khoảng thời gian 4 năm tiếp theo (năm 2015), xuất nhập khẩu Việt Nam cán mốc trị giá 300 tỷ USD.
Với thời gian rất ngắn, chỉ 02 năm sau đó (vào giữa tháng 12/2017), tổng trị giá xuất nhập khẩu đã đạt mức 400 tỷ USD. Sau đó mỗi 02 năm tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng thêm 100 tỷ USD, trị giá xuất nhập khẩu đã cán mốc 500 tỷ USD trong nửa cuối tháng 12/2019, và cán mốc 600 tỷ USD vào tháng 11/2021.
Đến giữa tháng 12/2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ đạt mốc 700 tỷ USD.
Thiên Trường (t/h)