Việt Nam nhận được sự ủng hộ của nhiều đoàn đại biểu quốc tế - Hình 1

Họp báo kết thúc APPF-26

Theo Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân, tuyên bố Hà Nội có ý nghĩa quan trọng, xác định một tầm nhìn mới, vị thế mới của APPF sau 1/4 thế kỷ hình thành và phát triển, góp phần thúc đẩy hợp tác và đối thoại vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực. Đặc biệt, tuyên bố Hà Nội đã chính thức hóa phiên họp của nữ nghị sĩ tại mỗi kỳ họp thường niên của APPF bằng việc bổ sung quy chế của APPF. 

Đây là sáng kiến của Nhật Bản, nhận được sự đồng tình cao của các nghị viện thành viên, có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp bình đẳng giới trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương, Việt Nam hết sức ủng hộ sáng kiến này. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục rà soát lại hệ thống pháp luật xem phải sửa đổi những gì để thực hiện tuyên bố Hà Nội của APPF-26.

Việt Nam nhận được sự ủng hộ của nhiều đoàn đại biểu quốc tế. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, hơn 350 khách quốc tế từ 21 nghị viện thành viên đến Việt Nam dự hội nghị đã minh chứng cho điều này. Việt Nam cũng mời Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới IPU, nguyên Chủ tịch IPU và Tổng thư ký IPU đến Hà Nội. Quan sát viên của Hội nghị là Bruney.  Khách mời của Hội nghị APPF-26 ngoài khu vực châu Á - Thái Bình Dương là Ma-rốc.

Trưởng đoàn Nhật Bản Takuji Yanagimoto, với cương vị là Chủ tịch danh dự APPF đánh giá cao công tác tổ chức của nước chủ nhà Việt Nam, giúp cho hội nghị APPF-26 diễn ra suôn sẻ, thành công. Ông Takuji Yanagimoto đặc biệt ấn tượng đối với vai trò điều hành của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân.

Là người đã tham dự 25 kỳ hội nghị APPF, ông Takuji Yanagimoto cho rằng, Tuyên bố Hà Nội đã tiếp nối hiệu quả các tuyên bố trước đó, nhất là việc xác định tầm nhìn cho APPF trong những năm tiếp theo. 

Phó Chủ tịch Thượng viện Campuchia Tep Ngorn tại cuộc họp báo cho biết, là nước chủ nhà APPF-27, Campuchia sẽ tiếp thu nhiều kinh nghiệm của Việt Nam để tổ chức thành công sự kiện ngoại giao liên nghị viện này vào năm sau.  

Cũng tại cuộc họp báo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định, APPF-26 là một sự kiện chính trị đối ngoại quan trọng, mở đầu cho hoạt động ngoại giao của Việt Nam trong năm 2018. Đây là lần thứ 2 Quốc hội Việt Nam đăng cai APPF, thể hiện vai trò và trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam trong APPF.

Nhìn lại sự kiện APPF-26, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, tại phiên khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nhấn mạnh, các thách thức và cơ hội của APPF kêu gọi nghị viện các nước thành viên tăng cường hợp tác, nhằm đưa việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của APPF lên một tầm cao mới, khẳng định vai trò đặc biệt của APPF cũng như của các nước thành viên trong việc giải quyết các thách thức chung

Trong khuôn khổ hội nghị, trưởng đoàn các nước đã đến chào xã giao Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tổng Bí thư đánh giá cao sự tăng cường hợp tác giữa các nghị viện thành viên APPF, coi đây là cầu nối giữa nhân dân và các chính phủ, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân.

Sau 3 ngày làm việc khẩn trương với tinh thần trách nhiệm cao, Hội nghị APPF-26 đã hoàn thành 4 phiên thảo luận tập thể, họp Ban chấp hành và các phiên thảo luận về những vấn đề quan tâm chung của khu vực và thế giới. Hội nghị đã nhất trí, Quốc hội Campuchia sẽ giữ chức chủ tịch APPF và đăng cai tổ chức Hội nghị APPF-27 tại Siêm Riệp vào tháng 1/2019.

Thanh Bình