Nhập khẩu hàng trăm nghìn tấn thịt đông lạnh
Lượng thịt lợn đông lạnh nhập khẩu tiếp tục tăng nhanh, do các thị trường xuất khẩu lớn như châu Âu, Brazil... dư thừa về sản lượng, có giá rẻ hơn so với giá thành sản xuất của Việt Nam. Trong khi đó, thị trường nhập khẩu lớn nhất là Trung Quốc giảm nhập khẩu.
Lý giải việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép nhập khẩu thịt lợn đông lạnh với số lượng lớn về Việt Nam, trong khi nguồn cung lợn trong nước dư thừa, với tổng đàn lợn đến hết tháng 9/2021 đã có khoảng 28 triệu con, Cục Thú y cho biết, từ trước đến nay, các sản phẩm chăn nuôi đều không có hạn ngạch mà do các doanh nghiệp khảo sát thị trường và tự đàm phán, nhập khẩu theo quy định về an toàn thực phẩm.
Chia sẻ về vấn đề này, chủ một trại chăn nuôi tại Bình Thuận cho hay: “Trong khi giá lợn hơi trong nước đang “rẻ như bèo”, việc nhập khẩu ồ ạt hàng trăm nghìn tấn thịt đông lạnh thực sự là động thái “chở củi về rừng”, gây rất nhiều hệ lụy cho ngành chăn nuôi trong nước và đẩy người chăn nuôi đến bờ vực phá sản”.
Tại một số địa phương, giá lợn hơi hiện nay ở nhiều địa phương đã xuống dưới mức 40.000 đồng/kg. Cụ thể tại miền Bắc, ba tỉnh thành gồm Hưng Yên, Bắc Giang và thành phố Hà Nội hiện thu mua lợn hơi chung mức 36.000 đồng/kg trong hôm nay.
Tại miền Trung, Tây Nguyên, 4 tỉnh thành gồm Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi và Khánh Hòa giá lợn hơi còn 43.000 đồng/kg, cao nhất khu vực. Thấp hơn một giá, thương lái ba tỉnh Đắk Lắk, Ninh Thuận và Bình Thuận hiện duy trì thu mua lợn hơi tại mốc 42.000 đồng/kg. Các tỉnh thành còn lại trong khu vực tiếp tục giao dịch trong khoảng 38.000 - 41.000 đồng/kg.
Thị trường lợn hơi miền Nam điều chỉnh giảm rải rác ở một số tỉnh thành trong hôm nay. 5 tỉnh gồm Long An, An Giang, Vĩnh Long, Bến Tre và Sóc Trăng giảm từ 1.000 đồng/kg đến 2.000 đồng/kg, hiện thu mua lợn hơi với giá là 42.000 đồng/kg.
Theo các tiểu thương, giá thịt lợn tại các chợ dân sinh đã bắt đầu giảm mạnh trong 2 tuần nay, một phần do giá lợn hơi giảm, nhưng một phần các tiểu thương đang phải “chạy đua” với các cơ sở bán thịt đông lạnh đang được "xả kho" để "chạy giá" bởi số lượng lớn đã được ồ ạt nhập về trong 2 năm nay.
Bà Trần Thị Hồng, kinh doanh thực phẩm tại ngõ 122 Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng cho biết: Giá thịt đông lạnh bán sỉ nguyên hộp (25-30kg) chỉ từ 65.000-75.000 đồng/kg thì thịt lợn "ta" không thể nào cạnh tranh nổi. Vì vậy, hầu hết quán cơm bình dân, bếp ăn công nghiệp, bếp ăn trường học đều mua loại thịt này khiến tiểu thương tại chợ rất ế ẩm.
Cách nào "cứu" sản phẩm chăn nuôi trong nước?
Trước những khó khăn của người chăn nuôi do giá lợn hơi xuống quá thấp, Hội Chăn nuôi Việt Nam vừa có văn bản gửi lên Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị khẩn một số giải pháp nhằm phục hồi ngành chăn nuôi, trong đó có việc kiểm soát chặt việc nhập khẩu thịt.
Cụ thể, Hội Chăn nuôi Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cơ cấu và chỉ đạo điều hành sản xuất theo các ngành hàng đối với một số sản phẩm chăn nuôi chính, như: thịt lợn, thịt gia cầm, thịt trâu bò, trứng và sữa theo các chuỗi liên kết khép kín phù hợp với tiềm năng, nhu cầu của thị trường trong nước và hội nhập quốc tế.
Trong đó, cần phát huy tối đa vai trò của các doanh nghiệp, hiệp hội để cân đối, điều hòa sản xuất sát hơn với thị trường.
Đồng thời, phối hợp với Bộ Công Thương kiểm soát chặt vấn đề nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi, nhất là sản phẩm giá rẻ và vật nuôi sống thương phẩm. Vì có nhiều mặt hàng sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu đã tăng đột biến trong thời gian gần đây, cụ thể: năm 2020 so với năm 2019 nhập khẩu thịt lợn tăng 404%, thịt gia cầm tăng 15%, thịt trâu bò tăng 44% ... đã gây thêm rất nhiều khó khăn cho sản xuất chăn nuôi trong nước. Phần lớn các sản phẩm chăn nuôi trong nước hiện nay đang bán dưới giá thành sản xuất và không tiêu thụ được.
Hội Chăn nuôi Việt Nam cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động lưu thông và bình ổn thị trường sản phẩm chăn nuôi phù hợp nhằm khuyến khích sản xuất chăn nuôi trong nước phát triển; mở rộng hệ thống cửa hàng, siêu thị thực phẩm mát trên thị trường, ngay cả ở các vùng nông thôn.
Đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi, trong đó chú ý đến các sản phẩm thịt gia cầm đã qua xử lý nhiệt, đây sẽ là mặt hàng có lợi thế của chăn nuôi trong nước thời gian tới.
Tâm An