Khó khăn & thách thức
Để thực hiện các mục tiêu của mình, LHQ duy trì mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với 15 tổ chức quốc tế - được chỉ định là "các cơ quan chuyên môn" của LHQ, mặc dù các tổ chức này là những thực thể pháp lý độc lập.
Một số cơ quan chuyên môn có trước LHQ, được thành lập vào thế kỷ XIX, hoặc sau Thế chiến I bởi Hội Quốc liên (tiền thân của LHQ). Một số được thành lập đồng thời với LHQ vào cuối Thế chiến II. Một số khác đã được thành lập gần đây nhằm góp phần giải quyết các vấn đề toàn cầu mới.
Đây là các tổ chức quốc tế liên chính phủ, hoạt động độc lập trong LHQ, trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hôi, văn hóa giáo dục, y tế và các lĩnh vực liên quan khác. Các tổ chức này, có quan hệ chặt chẽ với LHQ thông qua các thỏa thuận đặc biệt được ký kết bởi Hội đồng Kinh tế và Xã hội LHQ (ECOSOC) theo các điều khoản 57 và 63 của Hiến chương LHQ.
Theo các nội dung nêu tại Chương 9 - Hiến chương LHQ, với mục đích tạo những điều kiện ổn định và những điều kiện đem lại hạnh phúc cần thiết để duy trì những quan hệ hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc, dựa trên sự tôn trọng nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền và quyền tự quyết của các dân tộc, LHQ khuyến khích:
Nâng cao mức sống, đảm bảo cho mọi người đều có việc làm và những điều kiện tiến bộ - phát triển trong lĩnh vực kinh tế, xã hội;
Giải quyết những vấn đề quốc tế trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, y tế và những vấn đề liên quan khác; hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực văn hóa và giáo dục;
Tôn trọng và tuân thủ triệt để các quyền và các tự do cơ bản của tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc nam nữ, ngôn ngữ hay tôn giáo.
Hiến chương nêu rõ, tất cả các quốc gia thành viên LHQ phải cam kết bằng các hành động chung hoặc riêng trong sự nghiệp hợp tác với LHQ, để đạt được những mục đích nói trên.
Theo đó, Điều 57 quy định, các tổ chức chuyên môn khác nhau được thành lập bằng các điều ước liên chính phủ và theo điều lệ của tổ chức ấy, có trách nhiệm quốc tế rộng rãi trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế và trong những lĩnh vực liên quan khác, sẽ có quan hệ với LHQ theo những quy định của Điều 63 và được gọi là các tổ chức chuyên môn.
Hiến chương cũng quy định, LHQ sẽ khuyến nghị phối hợp về chính sách và hoạt động của các tổ chức chuyên ngành (Điều 58) và khi cần, sẽ đưa ra những sáng kiến về các cuộc đàm phán giữa các quốc gia hữu quan để thành lập các tổ chức chuyên môn mới, cần thiết để đạt được những nội dung nêu trên (Điều 590).
Việc phối hợp giữa LHQ và các tổ chức này, sẽ do ECOSOC và Trưởng ban Điều hành (Chief Executives Board - CEB) đảm nhiệm. Mỗi cơ quan chuyên ngành hoạt động độc lập, dưới sự bảo trợ của LHQ, với cơ cấu quản lý, quy chế hoạt động, tư cách thành viên và cơ chế tài chính riêng.
Các tổ chức chuyên môn này, gồm:
(i) Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO); (ii) Tổ chức Hàng không quốc tế (ICAO); (iii) Quỹ Quốc tế về phát triển nông nghiệp (IFAD); (iv) Tổ chức Lao động quốc tế (ILO); (v) Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF); (vi) Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO); (vii) Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU); (viii) Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục LHQ (UNESCO); (ix) Tổ chức Phát triển công nghiệp LHQ (UNIDO); (x) Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO); (xi) Liên minh Bưu chính quốc tế (UPU); (xii) Tổ chức Y tế thế giới (WHO); (xiii) Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO); (xiv) Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO); (xv) Ngân hàng Thế giới (WB).
Các tổ chức này, dù có cái nhìn và trọng tâm riêng, đảm nhiệm những chức năng và nhiệm vụ riêng biệt, nhằm giải quyết các vấn đề cụ thể trong lĩnh vực của mình, nhưng đều cùng hướng tới sự phát triển bền vững và an ninh toàn cầu, tạo thành một mạng lưới tích cực - góp phần vào sự thành công của LHQ trong việc thực hiện các sứ mệnh của mình.
Trên thực tế, đây là các trụ cột quan trọng, định hình và phát triển ngành/lĩnh vực chuyên môn và chịu trách nhiệm điều phối hoạt động và hỗ trợ các quốc gia thành viên của LHQ hoàn thiện cơ chế, chính sách, hạ tầng và thúc đẩy thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) trên toàn cầu.
Sự kết hợp và hợp tác giữa các tổ chức này, tạo nên một hệ thống phát triển thống nhất và hiệu quả, không chỉ giúp LHQ hoàn thành các mục tiêu phát triển, mà còn thể hiện sự liên kết chặt chẽ, củng cố vai trò của tổ chức trong việc ứng phó với những thách thức, các vấn đề toàn cầu ngày càng gia tăng tính phức tạp và khó lường của thế giới hiện đại.
Hệ thống các tổ chức này, không chỉ giúp LHQ thực hiện các chức năng của mình, mà còn nâng cao khả năng phản ứng và ứng phó với các thách thức toàn cầu. Các tổ chức chuyên môn - chính là động lực quan trọng để giải quyết các thách thức toàn cầu cụ thể về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế và các lĩnh vực liên quan, cùng nhau thực hiện các dự án phát triển, từ đó nâng cao chất lượng sống cho người dân và tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững toàn cầu.
Với việc tạo ra một mạng lưới toàn cầu, sự kết hợp giữa các tổ chức này, giúp củng cố vai trò của LHQ, nâng cao khả năng ứng phó với các thách thức toàn cầu và bảo vệ quyền lợi của con người, làm cho thế giới trở nên an toàn và bền vững hơn, góp phần làm giảm nguy cơ xung đột và thúc đẩy hòa bình. Đồng thời, thông qua việc phối hợp ứng phó với các cuộc khủng hoảng, các tổ chức chuyên ngành giúp cộng đồng quốc tế xây dựng khả năng phục hồi tốt hơn về mặt kinh tế, xã hội và môi trường.
Trong gần nửa thập kỷ qua, LHQ, các tổ chức chuyên môn của mình và các thành viên đang trải qua những thách thức lịch sử chưa từng có do thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, xung đột lợi ích giữa các nước lớn ngày càng trở nên gay gắt, kèm theo nguy cơ suy thoái kinh tế trên phạm vi toàn cầu - đang đưa thế giới đến những thách thức vô cùng to lớn mà không một quốc gia nào tự mình có thể giải quyết nổi; nó đòi hỏi sự chung tay và nỗ lực của tất cả.
Chỉ trong một thời gian ngắn, thế giới đã chứng kiến những diễn biến an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội, vừa truyền thống, vừa phi truyền thống, nhiều vấn đề mang tính toàn cầu như Đại dịch Covid-19, chiến tranh Nga – Ucraina, xung đột Israel với thế giới Arab… mà không một quốc gia riêng lẻ nào, dù có sức mạnh tiềm năng to lớn đến đâu, hoặc có sức ảnh hưởng mang tầm thế giới như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, châu Âu…, cũng không thế một mình giải quyết được.
Những diễn biến an ninh, chính trị thời gian gần đây, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột và những vấn đề toàn cầu mới, các vấn đề phi truyền thống tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp và có sự đan xen chặt chẽ với nhau, tác động sâu rộng đến mọi khía cạnh của đời sống quan hệ quốc tế.
Thách thức từ các vấn đề khẩn cấp toàn cầu như biến đổi khí hậu và thiên tai, sự khác biệt về lợi ích kinh tế, trách nhiệm lịch sử, tài chính và địa chính trị của các quốc gia thành viên, đến tác động của cạnh tranh các nước lớn, tập hợp lực lượng, việc chính trị hóa các nội dung chuyên môn tại các tổ chức này, đã và đang làm trầm trọng thêm các vấn đề - vốn đã tồn tại nhiều năm qua của hệ thống đa phương và LHQ.
Sự bế tắc của Hội đồng Bảo an, phản ứng chậm chạp trước các cuộc khủng hoảng, thiếu tính hợp pháp, lãng phí nguồn lực và bộ máy quan liêu nặng nề, các vấn đề chuyên ngành bị chi phối bởi các vấn đề chính trị của nhiều nước.
Đại dịch Covid-19, chiến tranh Nga – Ucraina, xung đột tại Trung Đông, đang đặt ra câu hỏi cho tính hiệu quả và thực tế của diễn đàn hàng đầu thế giới này.
Bên cạnh đó, vấn đề thiếu hụt ngân sách, cơ cấu quản trị cồng kềnh, khó thích nghi với sự chuyển đổi nhanh chóng của tình hình thế giới, kinh tế, dịch bệnh, cũng là vấn đề tồn tại trong nhiều năm, đang được LHQ và các tổ chức chuyên môn thúc đẩy cải cách, đổi mới; tuy nhiên chưa đạt được nhiều đột phá mạnh mẽ, do đó phần nào vẫn đang kìm hãm những nỗ lực quốc tế chung nhằm ứng phó với những khó khăn thách thức hiện nay.
Với vai trò là tổ chức đa phương quan trọng nhất trên thế giới trong việc giải quyết những thách thức toàn cầu, thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển tiến bộ, những vấn đề nội tại của hệ thống LHQ, cũng làm cho hiệu quả hoạt động của tổ chức này không như kỳ vọng.
Mặc dù, các cơ quan chuyên ngành của LHQ đều có sứ mệnh quan trọng; nhưng sự phân tán quyền lực và thiếu sự phối hợp, cơ cấu tổ chức phức tạp và thủ tục hành chính rườm rà, hạn chế về nguồn lực tài chính - làm chậm tiến độ triển khai các chương trình, cơ chế đại diện và cơ chế đồng thuận, đặc biệt trong Hội đồng Bảo an, rõ ràng đang làm giảm hiệu quả của các nỗ lực quốc tế dẫn đến việc lãng phí nguồn lực.
Sự cạnh tranh giữa các nước lớn, cũng làm ngưng trệ nhiều quyết định quan trọng và khả năng ứng phó tập thể, khiến LHQ không thể phát huy vai trò của mình dẫn đến tình trạng phân mảnh trong hợp tác quốc tế. Hơn nữa, khả năng phản ứng nhanh và hiệu quả của LHQ và các tổ chức trước các vấn đề an ninh phi truyền thống và khủng hoảng toàn cầu, vẫn còn hạn chế - đang trở thành trở ngại cho những quyết sách quan trọng nhất của LHQ.
Đây là hồi chuông cảnh tỉnh về sự cần thiết của cải cách để tăng cường sự hợp tác và điều phối giữa các cơ quan nêu trên.
Trên thực tế, từ khi trở thành Tổng Thư ký LHQ, ông Antonio Guterres đã nhấn mạnh đến cải cách và đưa ra các đề xuất phát triển và điều chỉnh sứ mệnh của tổ chức. Tuy nhiên, vấn đề cải cách, luôn phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, đáng lo ngại nhất chính là sự bất đồng giữa các quốc gia thành viên.
Tại phiên họp trực tiếp đầu tiên, sau đại dịch Covid-19, Tổng Thư ký Guterres đã phát đi thông điệp rằng, nền tảng lớn nhất cho mọi sự thay đổi vẫn là hợp tác đa phương, dựa trên đối thoại.
Đặc biệt, đại dịch Covid-19 vừa qua, đã làm bộc lộ rõ nét hơn bao giờ hết những điểm yếu của các tổ chức đa phương toàn cầu. Các tổ chức chuyên môn thuộc hệ thống Covid-19 và nhiều tổ chức quốc tế, đa phương liên quan khác, đã chịu chỉ trích nặng nề, do phản ứng quá chậm chạp, thiếu hiệu quả khi dịch bệnh bùng phát và trong giải quyết các tác động của đại dịch trên toàn cầu.
Vì vậy, dù cải cách trong hệ thống LHQ không phải là vấn đề mới, nhưng đại dịch Covid-19 đã làm vấn đề này trở nên cấp bách hơn, nhu cầu về thay đổi, cải cách trở nên rõ nét và bức thiết.
Từ phía các tổ chức chuyên môn, những khó khăn chung mà các tổ chức này phải đối mặt, gồm:
Về thể chế, ngân sách và chuyên môn, khi phạm vi trách nhiệm của tổ chức đã mở rộng theo thời gian, nhưng lại có ít sự tăng trưởng về nguồn tài trợ, ngân sách không linh hoạt bị chi phối bởi các khoản đóng góp tự nguyện;
Thiếu hiệu quả trong việc triển khai một số nhiệm vụ quan trọng trong việc quản trị toàn cầu, trong đó có việc điều phối các nỗ lực toàn cầu ứng phó với các vấn đề mới nổi, chưa có sự chuẩn bị cần thiết trước các tình huống khẩn cấp toàn cầu;
Cấu trúc quản trị cồng kềnh, phi tập trung và kém hiệu quả; vừa là một tổ chức kỹ thuật có chuyên môn, vừa là tổ chức mang tính chính trị - nơi các quốc gia tranh luận và đàm phán về các vấn đề chuyên môn, nhưng đôi khi vẫn bị chia rẽ vì vấn đề chính trị.
Những thách thức đó, đặc biệt rõ ràng hơn trong và sau những lần các tổ chức này phải đối phó với các đại dịch như Ebola, Covid-19...
Đại dịch Covid-19 - là sự kiện mang tính bước ngoặt với hệ thống đa phương toàn cầu, theo cả chiều hướng tích cực và tiêu cực. Ở khía cạnh tích cực, đây là dịp để các tổ chức chuyên môn trong hệ thống LHQ và các nước thành viên nhận thức rõ sự cần thiết phải xây dựng cơ chế hoạt động mới để ứng phó kịp thời, hiệu quả các vấn đề toàn cầu có thể phát sinh trong tương lai; đồng thời tận dụng nguồn lực để tạo ra các cơ hội phục hồi sau đại dịch và phát triển mới cho tổ chức nói chung và các nước thành viên nói riêng, nhất là các nước đang phát triển, nhóm nước đang dần có vị trí quan trọng hơn trong hệ thống đa phương và ngày càng có tiếng nói trong các vấn đề toàn cầu.
Mặc dù vậy, nó cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức, khi phải triển khai chính sách ứng phó với các vấn đề toàn cầu mới chưa từng có tiền lệ, tác động nặng nề và không đồng đều đến các nước thu nhập thấp và trung bình, để lại hậu quả lâu dài về sức khỏe, đời sống, kinh tế của từng gia đình và cả xã hội, cùng với những hậu quả về kinh tế, thương mại, chuỗi cung ứng toàn cầu, mà thế giới vẫn đang tiếp tục ứng phó 3 năm sau đại dịch.
Song, đây chính là cơ hội để các nước, các tổ chức nhìn nhận rõ nét hơn sự cần thiết đẩy nhanh cải tổ cơ cấu, tổ chức nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn, khẳng định vị thế, vai trò trong giai đoạn phát triển mới của thế giới.
Đây cũng là thời điểm then chốt, bước ngoặt tại nhiều tổ chức chuyên môn đa phương, đặc biệt các tổ chức trong hệ thống LHQ. Nhiều nước thành viên đang tranh thủ tận dụng cơ hội cải tổ, đổi mới để tham gia, định hình “luật chơi”, thể hiện vai trò chủ động, tích cực hơn, lồng ghép các nội dung có lợi thế để tận dụng hiệu quả hơn các cơ chế hợp tác này.
Với vai trò lãnh đạo và điều phối các lĩnh vực chuyên môn toàn cầu, các tổ chức chuyên môn của LHQ cũng đưa ra một loạt biện pháp cải cách mang tính dài hạn:
Cải cách ngân sách/tài chính; cải tổ hệ thống quản trị nội bộ; chuyển đổi số; tăng cường hợp tác giữa các tổ chức;
Kết hợp đưa ra những văn bản pháp lý, điều lệ mới như sửa đổi Điều lệ Y tế quốc tế, xây dựng văn kiện pháp lý quốc tế về ngăn ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch (Tổ chức Y tế Thế giới - WHO);
Chuyển đổi số/áp dụng công nghệ vào quy trình quản lý và bảo hộ tài sản trí tuệ trên phạm vi toàn cầu; thúc đẩy chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo (Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới - WIPO);
Nâng cao hợp tác với khối tư nhân, triển khai Chương trình nghị sự An ninh không gian mạng toàn cầu (Liên minh Viễn thông quốc tế - ITU);
Cải cách cơ cấu và phương thức làm việc của Ban Thư ký (Tổ chức Khí tượng thế giới - WMO) và các bước điều chỉnh ngắn hạn, phù hợp nhằm thích ứng với môi trường và các xu thế phát triển mới.
Trong đó, tập trung vào việc ứng dụng công nghệ mới, hỗ trợ các quốc gia đang phát triển nâng cao năng lực quốc gia, giải quyết các thách thức pháp lý từ công nghệ hiện đại; thúc đẩy hợp tác quốc tế; tích hợp yếu tố bền vững vào chiến lược phát triển.
Những chính sách cải cách đó, không chỉ giúp các tổ chức quốc tế đáp ứng những thay đổi trong bối cảnh toàn cầu mới, mà còn góp phần duy trì vai trò quan trọng là cơ quan của LHQ chủ trì bảo vệ, thúc đẩy phát triển và an sinh xã hội trên toàn cầu.
Thực tiễn tham gia của Việt Nam
Điểm lại thực tiễn tham gia đối ngoại đa phương của Việt Nam tại LHQ và các tổ chức chuyên môn được lựa chọn, có thể thấy rằng:
Đối ngoại Việt Nam nói chung và đối ngoại đa phương Việt Nam nói riêng, có quá trình hình thành và phát triển lâu dài, gắn liền với lịch sử của dân tộc, của Nhà nước cách mạng Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tư duy đối ngoại đa phương - đã được Hồ Chủ tịch đặt nền móng và Đảng ta vận dụng, phát triển qua các thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, đổi mới và hội nhập quốc tế.
Thực tiễn hoạt động đa phương cho thấy, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu và đối ngoại đa phương, đóng vai trò quan trọng trong suốt chặng đường lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất và xây dựng đất nước.
Đối ngoại đa phương Việt Nam ngày càng được mở rộng và đi vào chiều sâu, nâng tầm từ khu vực lên liên khu vực và toàn cầu, trở thành hướng ưu tiên trong việc triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.
Việt Nam tiếp quản vị trí thành viên của các tổ chức chuyên môn nêu trên từ giai đoạn 1975 - 1976 và hiện là thành viên tích cực, hiện diện và tham gia đóng góp, có vai trò nhất định tại tất cả các tổ chức này.
Chúng ta cũng từng bước tham gia, ứng cử làm thành viên của một số cơ chế điều hành của các tổ chức này, ngày càng thể hiện tốt hơn vai trò chủ động, dẫn dắt về ý tưởng, sáng kiến, được nhiều nước tin cậy, tín nhiệm, thể hiện qua phiếu bầu ủng hộ Việt Nam vào các cơ chế đa phương gần đây.
Kể từ giai đoạn đầu tham gia cho đến nay, quan hệ giữa Việt Nam và các tổ chức chuyên môn của LHQ không ngừng phát triển tốt đẹp; các tổ chức chuyên môn này, đã có những đóng góp rất tích cực cho sự phát triển của ngành/lĩnh vực liên quan của Việt Nam, đồng hành và hỗ trợ Việt Nam trong quá trình đổi mới, xây dựng đất nước và phát triển kinh tế, xã hội, đổi mới sáng tạo, giai đoạn về sau này.
Việt Nam là thành viên tích cực trong các tổ chức chuyên môn này, thường xuyên tham gia các hoạt động thường niên và ngày càng tích cực đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng, chủ chốt trong các tổ chức. Đồng thời, nhờ có sự tham gia tích cực, các lĩnh vực chuyên môn liên quan của chúng ta đã tranh thủ được nhiều nguồn hỗ trợ quan trọng, nâng cao khả năng tham gia, cũng như phát huy thế mạnh của Việt Nam, được các tổ chức chuyên môn hỗ trợ. Có thể kể đến, như: Các chương trình xây dựng năng lực người lao động của ILO; xây dựng chính sách và nâng cao năng lực viễn thông của ITU; các chương trình hợp tác phát triển và hỗ trợ kỹ thuật về bưu chính của UPU; xây dựng khuôn khổ pháp lý quan trọng phù hợp với chuẩn mực quốc tế…
Tham gia các tổ chức chuyên môn của LHQ, Việt Nam có một số thuận lợi, đồng thời đối mặt với một số khó khăn, thách thức, xuất phát từ tình hình an ninh, chính trị quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến khó lương, cạnh tranh các nước lớn căng thẳng, phức tạp.
Tuy nhiên, khó khan, thách thức lớn nhất chúng ta đối mặt khi tham gia LHQ và các tổ chức chuyên môn đó là việc đổi mới tư duy trong nước chưa bắt kịp tốc độ hội nhập quốc tế, cũng như chuyển đổi của thế giới và khu vực, trong khi tình hình chuyển biến nhanh, các nước lớn điều chỉnh chính sách, nhiều sáng kiến hợp tác mới được thúc đẩy, đòi hỏi Việt Nam phải nhạy bén trong tư duy, dự báo tốt tình hình, nắm bắt đúng xu thế để có những bước đi hội nhập chủ động và hiệu quả.
Hiện các cơ quan tham gia công tác đối ngoại đa phương nói chung, chưa thực sự phối hợp hiệu quả, đồng bộ, có hệ thống và chúng ta chưa có một cơ chế điều phối chung giữa các bộ, ban, ngành liên quan. Do đó, trên thực tế, tham gia của Việt Nam tại các tổ chức chuyên môn về phát triển còn nhiều hạn chế về chất lượng, chiều sâu, tại một số tổ chức, chủ yếu “ghi danh, góp mặt” mà chưa kịp thời nắm bắt xu hướng, cơ hội hay các vấn đề mới phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn mới.
Với đặt điểm tình hình thế giới và khu vực có nhiều chuyển biến nhanh chóng, phức tạp, cục diện đa phương - đa cực - đa trung tâm, tiềm ẩn sự cạnh tranh, cọ xát phức tạp hơn, thậm chí căng thẳng, xung đột, nhất là giữa các nước lớn trong việc định hình luật lệ, thể chế mới, các vấn đề tác động lớn về hòa bình, an ninh quốc tế, các vấn đề xã hội, phát triển như đói nghèo, môi trường, biến đổi khí hậu…, trong công tác đối ngoại đa phương, tham gia LHQ và các tổ chức chuyên môn giai đoạn mới, Việt Nam cần xác định rõ một số điểm sau:
i/Định hướng phát triển của LHQ và các tổ chức chuyên môn;
(ii) Xu thế cải tổ; (iii) Các biện pháp nâng cao khả năng ứng phó, trước các vấn đề toàn cầu... của từng tổ chức chuyên môn trong giai đoạn hậu Covid-19; (iv) Đánh giá sự tham gia của chúng ta và các nước thành viên, nhất là các nước đang phát triển, nhằm nâng cao vị thế, tranh thủ hiệu quả nhất các cơ hội - vươn lên mạnh mẽ sau đại dịch.
Qua đó, chúng ta có thể rút ra các bài học, giải pháp thúc đẩy tham gia chủ động, tích cực, có hiệu quả hơn của Việt Nam, tại các cơ chế chuyên môn đa phương, đem lại những lợi ích thiết thực, đóng góp cho quá trình phát triển kinh tế, xã hội, trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước.
Đề xuất một số giải pháp
Nhằm triển khai những định hướng chiến lược - đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, những yêu cầu cụ thể đặt ra cho công tác đối ngoại đa phương thời gian tới và để nâng tầm tham gia của Việt Nam tại các tổ chức chuyên môn của LHQ, chúng ta cần triển khai một số nhóm giải pháp như sau.
Thứ nhất, chúng ta thúc đẩy chuyển từ tư duy “tham gia tích cực” sang “chủ động và tích cực đóng góp xây dựng, định hình”; chú trọng tiếp cận liên ngành, gắn với phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo, vươn lên vai trò nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải tại LHQ và các tổ chức chuyên môn, với lộ trình và kế hoạch bài bản, đồng bộ, thay vì chờ đợi, ứng phó như trước đây;
Chúng ta chủ động thúc đẩy các vấn đề mới mà Việt Nam và các đối tác cùng quan tâm như biến đổi khí hậu, phụ nữ, thanh niên, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, kinh tế xanh, kinh tế số, công nghệ mới…
Thứ hai, Việt Nam có chiến lược tham gia dài hạn và xuyên suốt, với lộ trình và định hướng cụ thể. Chiến lược tham gia dài hạn và xuyên suốt, ngoài việc giúp đẩy mạnh, nâng tầm sự tham gia của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương, đưa được người vào các vị trí chủ chốt, sẽ đồng thời tạo điều kiện để đưa ra các sáng kiến mới, thu hút, tập hợp lực lượng ở các diễn đàn đa phương và sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế.
Theo đó, xác định các nhóm vấn đề có nhiều lợi ích:
(i) Các vấn đề ưu tiên, Việt Nam có lợi ích, cần tranh thủ từ góc độ đa phương như thực hiện các Mục tiêu SDGs và các cam kết quốc tế lớn (ii) Các lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh và lợi ích sát sườn, có khả năng thúc đẩy, vươn lên, đóng vai trò dẫn dắt, đồng thời được nhiều đối tác quan tâm như ứng phó với đại dịch, môi trường, nhân quyền và biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, bình đẳng giới và trao quyền kinh tế cho phụ nữ, phụ nữ và hòa bình, kinh tế số, thương mại số, lao động, doanh nghiệp vừa và nhỏ… (iii) Các vấn đề xuyên suốt cần ưu tiên thúc đẩy tại tất cả các diễn đàn/tổ chức như công nghệ chiến lược, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, biến đổi khí hậu, phụ nữ và hòa bình... (iv) Các tổ chức cần tăng cường vai trò, đóng góp thực chất và các vị trí quan trọng chúng ta có khả năng/sẽ ứng cử để xây dựng kế hoạch vận động theo thời gian, mức độ ưu tiên, lựa chọn ứng viên.
Thứ ba, Việt Nam xây dựng và hoàn thiện cơ chế phối hợp liên ngành; chia sẻ thông tin, phối hợp chủ trương, lập trường giữa các bộ, ngành hữu quan, giữa các cơ quan trong nước và các cơ quan đại diện về các diễn đàn/tổ chức, diễn biến, chiều hướng các diễn đàn và tập hợp lực lượng giữa các nước, tác động đến Việt Nam và đối sách. Điều này, có thể được thực hiện qua các cuộc họp định kỳ, trao đổi thông tin của cơ chế liên ngành, nhằm chia sẻ thông tin, phối hợp.
Thứ tư, đào tạo nguồn nhân lực - vấn đề then chốt, nhân tố quyết định việc tổ chức triển khai thành công những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, tham gia LHQ và các tổ chức quốc tế.
Chúng ta cần xây dựng các chiến lược, kế hoạch đào tạo cán bộ đa phương dài hạn, với các chương trình bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ, cử người tham gia các tổ chức quốc tế, hướng tới việc hình thành một đội ngũ chuyên gia am hiểu về LHQ, các diễn đàn chuyên môn, các vấn đề toàn cầu, tinh thông nghiệp vụ, ngoại ngữ, đủ phẩm chất, trình độ làm việc trong môi trường quốc tế, được đào tạo bài bản để thành thạo các kỹ năng điều hành, chủ trì các hội nghị quốc tế, thương lượng, đàm phán và kỹ năng số.
Thứ năm, chúng ta tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược; tham mưu lãnh đạo Đảng và Nhà nước về:
Chính sách đối ngoại đa phương, tập trung vào các lĩnh vực, vấn đề Việt Nam có lợi ích lớn, xuyên suốt để làm cơ sở cho việc định hướng, đề xuất các sáng kiến, ý tưởng hợp tác có tầm chiến lược và có tính hiệu quả cao;
Nghiên cứu kỹ, kịp thời, các vấn đề mới nổi như chính sách, sáng kiến của các nước lớn, những thách thức toàn cầu mới để đánh giá tác động của các vấn đề này đối với an ninh, phát triển của đất nước;
Đề xuất phương hướng, biện pháp xử lý về đối ngoại để tranh thủ mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực (lập trường công khai, các bước chuẩn bị trong nước như khuôn khổ pháp lý, cơ chế, bộ máy cần thiết để ứng phó với các vấn đề này)…
ThS. Nguyễn Phương Anh - Học viện Ngoại giao