Sau khi đội tuyển Việt Nam chỉ giành vị trí thứ hai bảng B, nhiều người hâm mộ đã phàn nàn và có ý trách thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo rằng sao không “né” Thái Lan. Nhưng chúng ta là nhà đương kim vô địch, tại sao phải tránh đối thủ, các đối thủ khác phải tránh mình chứ?
Huấn luyện viên Park Hang-seo theo sát buổi tập của đội tuyển Việt Nam. Ảnh: VFF.
Không ngại Thái Lan nhưng đội tuyển Việt Nam sẽ thi đấu như thế nào để hướng tới mục tiêu giành chiến thắng. Trong hai lần gặp nhau tại vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực Châu Á, đội tuyển Thái Lan hòa Việt Nam trong thế trận nhỉnh hơn. So với lần đụng độ đó, hiện tại đội tuyển Việt Nam thiếu vắng đi nhiều trụ cột quan trọng là Văn Hậu, Hùng Dũng, Trọng Hoàng vì lý do chấn thương.
Đối đầu với Thái Lan, chắc chắn đội tuyển Việt Nam sẽ khó kiểm soát bóng nhiều và dễ dàng tạo ra cơ hội ăn bàn như trước Lào, Campuchia hay Malaysia. Đội tuyển Việt Nam đã chủ động chơi tấn công trong cả 4 trận đấu ở vòng bảng, dù vậy, huấn luyện viên Park Hang-seo sẽ phải điều chỉnh chiến thuật ở trận này. Có thể, đội tuyển Việt Nam sẽ trở lại với lối đá phòng ngự phản công với bộ khung quen thuộc gồm Hoàng Đức, Tuấn Anh, Quang Hải và Tiến Linh như mỗi khi đối đầu với các đối thủ mạnh.
Thái Lan là một đối thủ khó chơi. Trong lịch sử đối đầu, đội tuyển Việt Nam gặp Thái Lan tổng cộng 5 trận tại các kỳ bán kết Tiger Cup/AFF Cup và mới chỉ một lần được hưởng niềm vui chiến thắng. Từ khi dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, huấn luyện viên Park Hang-seo chưa một lần nào thua Thái Lan, nhưng ông và các học trò cũng chưa từng thắng người Thái ở cấp độ đội tuyển quốc gia trong một giải đấu chính thức. Đội tuyển Việt Nam đang có một thế hệ cầu thủ thuộc dạng hay nhất lịch sử, song bóng đá Thái Lan cũng đâu có thụt lùi.
Đội tuyển Việt Nam tập luyện trước trận đấu với Thái Lan. Ảnh: VFF.
Chuẩn bị cho AFF Cup 2020, huấn luyện viên Alexandre Polking đã có trong tay lực lượng mạnh nhất. Bên cạnh những cầu thủ đang thi đấu ở nước ngoài là Thamsatchanan, Thanawat, Chanathip, ông đã triệu tập trở lại những cựu binh từng một thời khuynh đảo bóng đá Đông Nam Á là Teerasil Dangda và Adisak Kraisorn.
Dù vậy, phải thừa nhận huấn luyện viên Alexandre Polking cũng có phần ngạc nhiên khi Thái Lan sẽ đối đầu với Việt Nam tại bán kết. Thậm chí nhà cầm quân này còn rơi vào thế “việt vị” vì đến dự khán trận đấu giữa Indonesia với Malaysia khi cho rằng một trong hai đội bóng này sẽ là đối thủ của Thái Lan tại bán kết.
Do ảnh hưởng của Covid-19 nên AFF Cup 2020 được tổ chức tập trung tại một quốc gia đăng cai là Singapore. Vì vậy, điều lệ giải cũng có một số sự thay đổi cho phù hợp với thực tế. Cụ thể, tại vòng bán kết và chung kết, mặc dù vẫn thi đấu lượt đi và lượt về nhưng luật bàn thắng sân khách sẽ không được áp dụng.
Tại trận lượt về, nếu không phân định thắng bại sau thời gian thi đấu thông thường, hai đội sẽ thi đấu thêm 2 hiệp phụ mỗi hiệp 15 phút. Nếu vẫn không có kết quả rõ ràng, đội thắng sẽ được quyết định bằng thi đấu luân lưu 11m theo trình tự của luật thi đấu.
Điều lệ thi đấu thay đổi cũng đòi hỏi ban huấn luyện mỗi đội cần có sự tính toán cẩn thận, bởi vậy đó là lý do vì sao ở các buổi tập gần đây ngoài việc rèn chiến thuật các tuyển thủ Việt Nam cũng tập thêm đá penalty.
Trở về từ sau vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực Châu Á, Thái Lan đang mang đến thách thức lớn nhất cho đội tuyển Việt Nam. Theo đó, nếu muốn hoàn thành mục tiêu bảo vệ thành công chức vô địch Đông Nam Á, đội tuyển Việt Nam cần phải đánh bại mọi đối thủ. Khó khăn cũng là lúc thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo cần chứng tỏ bản lĩnh của nhà đương kim vô địch.
So sánh thông số của tuyển Việt Nam và Thái Lan
Về số bàn thắng thì Thái Lan chỉ hơn Việt Nam 1 bàn sau khi vòng bảng khép lại (10 bàn so với 9 bàn). Khả năng tấn công của hai đội cũng khá ấn tượng, khi Thái Lan đã thực hiện 84 cú sút, còn Việt Nam có 80 lần dứt điểm.
Nguồn: Zingnews.vn
Đoàn quân của HLV Mano Polking cho thấy sự hiệu quả hơn khi trúng đích tới 35 lần, so với 18 lần của Việt Nam. Tuy nhiên, khả năng chuyển hóa thắng của tuyển Việt Nam lại ấn tượng hơn khi đạt tỉ lệ 18%, so với 15,9% của đối thủ.
Tại vòng bảng, hai đội thường lựa chọn lối chơi chủ động. Điều này thể hiện ở tỉ lệ kiếm soát bóng trung bình khá tố cùng số đường chuyền ấn tượng. Thực tế cho thấy tuyển Việt Nam là đội chuyền nhiều nhất giải tại vòng bảng với 2.284 đường chuyền. Thái Lan đứng ngay sau với tổng cộng 2.200 đường chuyền chỉ sau có 4 trận.
Khả năng phòng ngự của tuyển Việt Nam đang tạm thời nhỉnh hơn đôi chút, khi chưa để lọt lưới bàn nào. Còn Thái Lan thì đã nhận 1 bàn thua.
Những con số thông kê này cho thấy hai đội đang khá cân bằng nhau. Do đó, trận bán kết lượt đi giữa Việt Nam và Thái Lan vào tối nay (23/12) có thể sẽ rất hấp dẫn.
Đội hình dự kiến:
Đội tuyển Việt Nam (3-4-3): Nguyên Mạnh; Tiến Dũng - Ngọc Hải - Duy Mạnh; Hồng Duy - Hoàng Đức - Tuấn Anh - Văn Thanh; Quang Hải - Tiến Linh - Công Phượng.
Đội tuyển Thái Lan (4-3-3): Budprom; Weerawatnodom - Bihr - Kaman - Bunmathan; Suengchitthawon - Sukjitthammakul - Yooyen; Supachai - Dangda - Songkrasin
Hoàng Thăng (T/h)