Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Việt Nam vs UAE: 'Đội mạnh nhất bảng G' chờ UAE tại Mỹ Đình

Những chiến lược gia lừng lẫy như Goran-Eriksson, Hiddink hay tối nay là Van Marwijk có lý do đặc biệt để không thắng được ông Park Hang-seo và tuyển Việt Nam.

UAE và tuyển Việt Nam, Park Hang-seo và Bert van Marwijk, đó là cuộc đối đầu của hai đội tuyển hoàn toàn trái ngược, với hai chiến lược gia đối lập tới từ hai nền văn hóa Đông - Tây. UAE với Bert van Marwijk là điển hình cho những chiến lược ngắn hạn, còn ông Park với tuyển Việt Nam là biểu tượng của những kế hoạch dài hơi.

Đồng tiền của UAE có thể mua được rất nhiều thứ, có thể giúp họ thuê được một HLV từng vào chung kết World Cup. Tuy nhiên, nó không thể giúp họ có được tinh thần, khát vọng hay sự gắn kết như tuyển Việt Nam.

Ai sợ Van Marwijk, ai sợ UAE chứ tuyển Việt Nam thì không.

Đối đầu Park Hang-seo - Bert van Marwijk là cuộc chiến của hai đội tuyển, hai chiến lược gia hoàn toàn trái ngược.

Đối đầu Park Hang-seo - Bert van Marwijk là cuộc chiến của hai đội tuyển, hai chiến lược gia hoàn toàn trái ngược

Van Marwijk ngắn hạn, Park Hang-seo dài hạn

Tính từ năm 2017 tới nay, UAE là đội tuyển thứ ba mà ông Van Marwijk dẫn dắt. Ở chiều ngược lại, cũng từ 2017, Van Marwijk là HLV thứ ba từng cầm quân ở UAE. Với UAE, Van Marwijk chưa phải một chiến lược gia dài hạn. Với Van Marwijk, UAE chưa chắc là bến đỗ lâu dài. Thứ gắn kết họ cũng là điều đã gắn kết rất nhiều HLV lừng danh của châu Âu với các nền bóng đá giàu có của châu Á. Đó là tiền.

Ngày chiến lược gia Hà Lan chia tay tuyển Saudi Arabia năm 2017, truyền thông bản địa đưa tin ông Van Marwijk gia hạn hợp đồng thất bại vì đề nghị tăng lương từ 2,2 triệu USD lên 3,3 triệu USD/năm bị từ chối. Ngày nhận lời dẫn dắt Australia trước World Cup 2018, Van Marwijk nhận lương 1,35 triệu USD/năm dù chỉ cầm quân 6 tháng. Khi ký hợp đồng với UAE hồi tháng 3, ông nói với báo chí Hà Lan rằng “mức lương hấp dẫn” là một trong các lý do chính.

Van Marwijk không phải chiến lược gia châu Âu đầu tiên chấp nhận đến với bóng đá châu Á. Ông chỉ là một nhân vật trong dòng luân chuyển mạnh mẽ ấy, chỉ là một trong những chiến lược gia lừng danh bị thu hút bởi hấp lực mãnh liệt của tiền bạc và sự xa hoa của châu Á. Vài người trong số đó là những cái tên quen thuộc với đội tuyển Việt Nam và HLV Park Hang-seo.

Đó là Sven Goran-Eriksson, người nhận lương 80.000 USD/tháng ở Philippinies, là Guus Hiddink với mức thu nhập có thể ở mức chục triệu USD tại tuyển trẻ Trung Quốc.

So với Park Hang-seo, người chỉ nhận trên nửa triệu USD/năm sau khi gia hạn hợp đồng tại Việt Nam, đó là hai thế giới.

Ông Park từng thắng những chiến lược gia châu Âu danh tiếng điển hình như Sven Goran-Eriksson (trái) (Ảnh: Minh Chiến)

Ông Park từng thắng những chiến lược gia châu Âu danh tiếng điển hình như Sven Goran-Eriksson (trái) (Ảnh: Minh Chiến)

Van Marwijk hay Hiddink là những chiến lược gia đẳng cấp thế giới. Họ không cần khẳng định mình với bất kỳ ai ở châu Á. Họ có quyền kẻ cả, có thế đứng bề trên. Ông Park Hang-seo là HLV chưa quá nổi danh trước khi tới Việt Nam, ông có quá nhiều điều phải chứng tỏ, có nhu cầu gắn kết.

Xuất phát điểm khác nhau dẫn tới hành động khác nhau. Van Marwijk hay Hiddink dẫn dắt UAE nhưng dành phần lớn thời gian xem bóng đá qua truyền hình từ châu Âu. Họ ít khi tới sân cỏ quốc nội, chỉ xuất hiện mỗi khi tuyển quốc gia tập trung. Ở chiều ngược lại, ông Park gắn bó, chịu ơn Việt Nam, xem Việt Nam là quê hương thứ hai, chỉ về Hàn Quốc trong những dịp nghỉ ngắn ngày.

Với thời gian gắn bó ngắn ngủi, Van Marwijk hay Hiddink không đủ khả năng tạo nên sự gắn bó, không xây dựng được khối đoàn kết trong nội bộ đội bóng. Họ chỉ có thể làm việc bằng kinh nghiệm, tính toán chiến thuật thuần túy. Họ khó gợi được niềm tự hào dân tộc, ý chí chiến đấu sống chết trong mỗi cầu thủ.

Điều họ kém nhất lại là thứ ông Park giỏi nhất. Sự gần gũi, thân tình, quan hệ gắn bó mật thiết, lâu dài theo thời gian giúp ông tạo được một tập thể đoàn kết phi thường. So với Van Marwijk, Park rõ ràng là một chiến lược gia nhân trị, người có lẽ chưa hoàn hảo về mặt chiến thuật nhưng hiểu học trò, hiểu văn hóa Việt Nam, có khả năng khơi dậy tối đa tiềm năng của cầu thủ.

Sự khác biệt nơi HLV thể hiện trong hình hài đội tuyển. UAE được đầu tư nặng tay, có điều kiện cơ sở vật chất lý tưởng vẫn không trội hơn Việt Nam suốt hai năm qua. Tại Asian Cup 2019, UAE vào tới bán kết nhưng Việt Nam cũng đi tới tứ kết. Tại Asian Games 2018, Olympic UAE chỉ thắng Việt Nam trong một trận cầu mà họ là đội lép vế. Ngay tại bảng G vòng loại World Cup 2022 châu Á, UAE cũng đang xếp dưới Việt Nam.

Gắn bó lâu dài mới nảy sinh tình cảm, tạo thành khối đoàn kết (Ảnh: Việt Hùng)

Gắn bó lâu dài mới nảy sinh tình cảm, tạo thành khối đoàn kết (Ảnh: Việt Hùng)

Tiền bạc không phải là tất cả

Vấn đề của Van Marwijk hay mọi chiến lược gia châu Âu giống ông là họ có thể ra đi bất kỳ lúc nào sau thất bại của những kế hoạch ngắn hạn. Vì thứ gắn kết lớn nhất giữa đôi bên là tiền bạc, nó có thể tan vỡ bất kỳ lúc nào. Người như Van Marwijk sẽ không bao giờ nói “tầm nhìn quan trọng còn tiền bạc chỉ là thứ yếu”. Người như Hiddink sẽ không bao giờ hạ mình, bày tỏ mong muốn gắn bó ngay lúc mới đàm phán hợp đồng.

Không đủ thời gian, các HLV ấy tài năng cỡ nào cũng không tạo dựng được nền tảng cho đội tuyển. Họ thường chỉ làm việc với những “nguyên liệu” sẵn có trong tay. Trong một vài thời điểm của trận đấu, với tài năng chiến thuật siêu quần, họ có thể áp đảo ông Park. Nhưng trong 90 phút hay trên chặng đường dài hạn, họ khó lòng thắng được tuyển Việt Nam.

Philippines của Goran-Eriksson đã thua Park Hang-seo trong cả hai lần đối đầu ở AFF Cup 2018. U22 Trung Quốc bại trận dù người dẫn dắt là Hiddink huyền thoại. Xa hơn, Akira Nishino lừng danh cũng không thắng được thầy Park khi chưa có đủ thời gian ở tuyển Thái.

Dưới triều đại Park Hang-seo, đội Tây Á duy nhất từng thắng áp đảo Việt Nam là Iran của Carlos Queiroz, người đã sống gần một thập kỷ trên mảnh đất Trung Đông. Iraq của Srecko Katanec chỉ thắng Việt Nam nhờ một siêu phẩm sút phạt trong trận cầu mà họ bị dẫn trước 2 lần. Olympic UAE chỉ thắng Việt Nam trên chấm luân lưu sau 120 phút hoàn toàn lép vế.

HLV Park và học trò đã 7 lần quật ngã các đại diện Tây Á khác, trong đó có những chiến thắng vang dội trước U23 Qatar của Felix Sanchez hay Jordan của Vital Borkelmans.

Dưới thời ông Park, tuyển Việt Nam chỉ thực sự gặp khó trước các đại diện Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, những đội bóng dùng HLV nội, có sự gắn bó máu thịt, có khối đoàn kết tập thể vững chắc.

Với những HLV như Van Marwijk, thắng được Việt Nam là điều cực kỳ khó khăn.

Lợi thế phong độ, sân nhà và lực lượng

Xét trên khía cạnh phong độ và lực lượng, UAE cũng không có nhiều cơ hội trước tuyển Việt Nam. Đội bóng Tây Á mới có 6 điểm, đã thua đối thủ trực tiếp Thái Lan và sẽ buộc phải “chơi tất tay” để chiến thắng Việt Nam trên sân Mỹ Đình như nhận định của HLV Park Hang-seo.

Đó là điều kiện hoàn hảo cho Việt Nam triển khai thứ bóng đá phòng ngự phản công sở trường. Ba trận vòng loại đã qua, hàng thủ của Đặng Văn Lâm chỉ một lần bị xuyên thủng khi cho phép Indonesia ghi bàn danh dự ở trận đấu hồi tháng trước. Với bức tường thép ấy, tuyển Việt Nam sẽ kéo UAE tràn lên tấn công, ru ngủ đối thủ trước khi trừng phạt họ.

Bản thân UAE đang có phong độ không tốt. Thất bại của họ trước Thái Lan là trận thua toàn diện từ tỷ số tới thế trận. Các thông số đều chỉ ra UAE là kẻ lép vế so với Thái Lan mạnh hơn ở mọi mặt. Người Thái dẫn bàn sau 26 phút, cầm bóng áp đảo 58%, dứt điểm trúng khung thành nhiều gấp 3 lần (3 so với 1), phạt góc 5 lần so với 2. Chiến thắng 2-1 của Thái Lan là kết quả tất yếu của đội mạnh trước đội yếu chứ không hề khiến ai bất ngờ.

Đội hình dự kiến tuyển Việt Nam đấu UAE tối 14/11

Đội hình dự kiến tuyển Việt Nam đấu UAE tối 14/11

Mọi thứ càng bất lợi hơn với Van Marwijk khi ông sẽ mất đi 3 trụ cột quan trọng trong 90 phút tại Mỹ Đình. Trong đó, sự vắng mặt của Ali Mabkhout mang tới cơn đau đầu thực sự khi tiền đạo này là chủ nhân của cả 6 bàn cho UAE từ đầu vòng loại. Vấn đề không chỉ nằm ở số lượng bàn thắng của Mabkhout, vấn đề nằm ở sự phụ thuộc nơi hàng công UAE, những người có lẽ đã quên mất cách ghi bàn khi có chân sút này.

Ở chiều ngược lại, tuyển Việt Nam ghi 4 bàn trong 2 trận gần nhất với các pha lập công được trải đều trên cả 3 tuyến. Tại thánh địa Mỹ Đình, tuyển Việt Nam cũng đang bất bại dưới triều đại Park Hang-seo.

Lịch sử, phong độ, sân nhà, tất cả đều đứng về phía đội tuyển Việt Nam.

Khi được hỏi về đối thủ trong buổi họp báo ngày 13/11, ông van Marwijk đã nói Việt Nam là đội mạnh nhất bảng G. Vậy thì cũng hợp lý thôi nếu đội mạnh thắng đội yếu vào đêm nay, tại Mỹ Đình, trước 40.000 khán giả.

Họ đã nói gì trước trận?

- HLV Park Hang-seo (Việt Nam): “Dù đối thủ là ai, sân nhà hay sân khách, tôi luôn muốn giành chiến thắng. Mà đã muốn chiến thắng thì phải có áp lực”. -

HLV Bert van Marwijk (UAE): “Tôi thấy Việt Nam là đối thủ mạnh nhất mà các đội trong bảng phải đối đầu. Tuy nhiên, ngày mai, chúng tôi đã chuẩn bị và quyết tâm”.

Trận đấu giữa tuyển Việt Nam và đội khách UAE trong khuôn khổ bảng G Vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á sẽ diễn ra lúc 20h ngày 14/11 trên sân vận động quốc gia Mỹ Đình, trực tiếp trên Zing.vn.

Theo Zing.vn

Bài liên quan

Tin mới

Quý I/2024, KIDO báo lãi sau thuế 21,7 tỷ đồng
Quý I/2024, KIDO báo lãi sau thuế 21,7 tỷ đồng

Quý I/2024, KIDO báo lãi sau thuế đạt 21,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ tới 150,6 tỷ đồng.

Kon Tum thu hút có chọn lọc các dự án chăn nuôi
Kon Tum thu hút có chọn lọc các dự án chăn nuôi

Kon Tum thu hút có chọn lọc các dự án chăn nuôi, trong đó chú trọng các dự án chăn nuôi theo quy trình khép kín từ khâu sản xuất con giống tới chế biến phân phối sản phẩm ra thị trường.

Việt Nam thu hút gần 9,27 tỷ USD đầu tư nước ngoài trong 4 tháng
Việt Nam thu hút gần 9,27 tỷ USD đầu tư nước ngoài trong 4 tháng

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam từ đầu năm đến ngày 20/4 đạt gần 9,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước; vốn thực hiện ước đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4%.

Vụ kiện lịch sử vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam
Vụ kiện lịch sử vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

Tôi chiến đấu không chỉ cho bản thân mà cho tất cả các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam và cả ở nước khác', bà Trần Tố Nga chia sẻ trước Phiên tranh tụng tại Tòa phúc thẩm Paris, ngày 7/5.

Bốn tháng đầu năm 2024: Có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD
Bốn tháng đầu năm 2024: Có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD

Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 238,88 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ. Xuất khẩu tăng 15%; nhập khẩu tăng 15,4%, có 21 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Nam Định xếp thứ 8 tỉnh, thành phố có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước
Nam Định xếp thứ 8 tỉnh, thành phố có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước

Tổng cục Thống kê vừa có báo cáo kết quả khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2023. Theo đó, tỉnh Nam Định xếp thứ 8 cả nước, với mức thu nhập bình quân đầu người/tháng, đạt 5,5 triệu đồng.