Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu gạo hiện là một trong những mặt hàng nông nghiệp có mức tăng trưởng cao và đạt trên tỷ USD trong 3 tháng đầu năm 2024.

Các thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam hiện nay là Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Ghana, Malaysia, Singapore đều tăng mua gạo Việt trong quý đầu năm… Trong đó, thị trường Philippines hiện chiếm hơn 38% tổng lượng gạo xuất khẩu của nước ta. Do đó, kết thúc 3 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu hơn 2,1 triệu tấn gạo, trị giá gần 1,4 tỷ USD, tăng khoảng 42% so với cùng kỳ năm 2023.

Việt Nam xuất khẩu hơn 2,1 triệu tấn gạo, trị giá gần 1,4 tỉ USD trong quý 1 năm 2024.
Việt Nam xuất khẩu hơn 2,1 triệu tấn gạo, trị giá gần 1,4 tỷ USD trong quý I/2024.

Thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo loại 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam hiện duy trì ở mức dưới 580 USD/tấn - mức thấp kể từ đầu năm đến nay. Trong khi đó, một số thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam cũng đang có xu hướng giảm nhập khẩu hoặc đa dạng hóa nguồn cung. So sánh với các nước, loại gạo đồ 5% tấm của nhà xuất khẩu hàng đầu Ấn Độ được báo giá ở mức 540-548 USD/tấn trong tuần này, giảm so với mức 550-558 USD của tuần trước. Giá gạo 5% tấm của Thái Lan tuần này được báo giá ở mức 570 USD/tấn, giảm từ mức 585-590 USD/tấn của tuần trước.

“Hiện, các quốc gia tăng mua hàng nhưng cũng đã lên kế hoạch đa dạng hóa nguồn cung. Trong đó, Philippines, Indonesia đang nỗ lực tăng năng suất và diện tích sản xuất lúa trong nước. Bên cạnh việc xây dựng các chương trình hỗ trợ phân bón, giống chất lượng cao, các quốc gia này còn hỗ trợ thêm tài chính để nông dân trong nước tăng cường trồng trọt”, theo Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn.

Vừa qua, Chính phủ Indonesia đã quyết định tăng phân bổ ngân sách cho chương trình trợ cấp phân bón năm nay thêm 1,77 tỷ USD lên khoảng 3,41 tỷ USD nhằm đẩy mạnh năng suất sản xuất nông nghiệp.

Trong khi đó, thị trường Châu Phi, khu vực nhập khẩu gạo truyền thống của Việt Nam cũng đang được hỗ trợ sản xuất lúa gạo thông qua nhiều dự án hỗ trợ từ các quốc gia khác nhằm giúp các nước này có thể tự cung tự cấp lương thực. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng các doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường, nâng cao chất lượng để mặt hàng gạo Việt Nam ngày càng cạnh tranh hơn trên thế giới.

Minh An (t/h)