Bài 1: Bỉm Sơn (Thanh Hóa): Nhân viên Công ty xi măng Bỉm Sơn bị “tố” thuê xe rồi mang đi “cắm”?
Bài 2: Vì sao chưa khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo quy định?
Liên quan đến vụ việc anh Vũ Thế Anh (ở Khu 3, phường Đông Sơn TX. Bỉm Sơn, Thanh Hóa) tố cáo anh Phạm Tuấn Đạt, lái xe xưởng Khai thác tổ Vận tải sét – Công ty CP xi măng Bỉm Sơn thuê xe ô tô của mình nhưng mang đi cắm. Luật sư Vi Văn Diện, Giám đốc Công ty Luật Thiên Minh cho rằng: “Cơ quan cảnh sát điều tra công an TX. Bỉm Sơn phải vào cuộc xem xét, xác minh, điều tra… Nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì phải lập tức khởi tố vụ án, khởi tố bị can… theo đúng quy định”.
Giấy thế chấp xe để vay 200 triệu của anh Thu do chính tay anh Đạt viết
Chưa giải quyết dứt điểm vụ việc?
Như Thương hiệu & Công luận đã phản ánh, ngày 30/6/2014 anh Phạm Tuấn Đạt (khu phố 4, phường Ba Đình, Bỉm Sơn, Thanh Hóa) lái xe xưởng Khai thác Vận tải sét – Công ty CP xi măng Bỉm Sơn đã thuê xe ô tô Lacety CDX, BKS: 36N 4990 của anh Vũ Thế Anh. Khi thuê xe, anh Phạm Tuấn Đạt có để lại 1 quyển hộ chiếu mang tên Phạm Tuấn Đạt và giấy mượn xe (viết tay).
Trong giấy mượn xe, anh Đạt ghi rõ: Thuê xe ô tô trong vòng 5 ngày (từ 30/06 đến 05/07/2014), tiền thuê xe là 800.000đ/1 ngày sau đó sẽ hoàn trả lại xe. Tuy nhiên, đến ngày 05/07/2014(đã hết hạn thuê xe) không thấy anh Đạt mang xe tới trả, anh Vũ Thế Anh đã gọi điện yêu cầu anh Đạt trả xe như cam kết. Tuy nhiên anh Đạt không hoàn trả chiếc xe, mà cho biết đã mang đi cắm tại quán cầm đồ.
Khi sự việc xảy ra, anh Anh đã nhiều lần liên lạc với gia đình anh Đạt, Công ty CP xi măng Bỉm Sơn để thông báo tình hình và yêu cầu gia đình anh Đạt có phương án giải quyết trả lại xe cho mình. Tuy nhiên, cả gia đình và bản thân anh Đạt vẫn không chịu giải quyết?
Trước hành vi phạm pháp của anh Đạt, anh Vũ Thế Anh đã làm đơn tố cáo gửi Công an phường Đông Sơn, Công an Thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa) nhưng đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm theo đúng quy định.
Trao đổi với phóng viên ngày 2/12/2014, ông Nguyễn Hữu Thắng, Trưởng Công an thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa) cho biết: “Công an Thị xã Bỉm Sơn đã nhận được đơn tố cáo của anh Vũ Thế Anh từ Công an phường Đông Sơn chuyển lên, và đơn tố cáo trực tiếp do nạn nhân gửi. Hiên tại, tôi đã giao cho một số cán bộ giải quyết theo quy định để trả lời đơn thư tố cáo và có văn bản gửi Báo…”.
Cũng liên quan đến vụ việc trên, ông Nguyễn Văn Phúc, Chánh văn phòng Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn xác nhận: “Anh Phạm Tuấn Đạt đúng là nhân viên của công ty. Tuy nhiên, nội tình vụ việc như thế nào thì phải chờ kết luận của công an thị xã. Nếu cơ quan công an kết luận anh Đạt có hành vi phạm pháp thì chúng tôi sẽ xử lý theo đúng quy chế của công ty cũng như quy định của pháp luật…”.
Theo thông tin vụ việc, ngày 12/12/2014 ông Mai Sĩ Thao, Trợ lý điều tra, Công an Thị xã Bỉm Sơn đã tiến hành lập biên bản “Tạm giữ đồ vật, tài sản” tại nhà anh Trương Anh Thu (người mà anh Vũ Tiến Đạt đã để lại chiếc xe ô tô Lacety CDX, BKS: 36N 4990 làm tin để vay 200 triệu đồng), đồng thời đưa chiếc xe ô tô về trụ sở công an thị để phục vụ cho công tác quan điều tra (tang vật).
Theo đó, đến ngày 29/12 tại cơ quan điều tra, ông Mai Sĩ Thao, Trợ lý điều tra, Công an Thị xã Bỉm Sơn tiếp tục lập biên bản bàn giao xe ô tô cho anh Vũ Thế Anh trước sự có mặt của anh Phạm Tiến Đạt, anh Trương Anh Thu…
Theo anh Vũ Thế Anh cho biết: “ngày 29/12/2014, ông Mai Sĩ Thao, Trợ lý điều tra, Công an Thị xã Bỉm Sơn đã gọi tôi lên để xác nhận biên bản bàn giao và nhân chiếc xe ô tô về. Còn số tiền 6 tháng thuê xe (800 nghìn đồng/1 ngày), hao mòn tài sản… sẽ gọi lên giải quyết sau. Tuy nhiên, đến nay đã gần 1 tháng trôi qua, nhưng tôi vẫn chưa thấy động thái gì từ phía công an thị xã và gia đình anh Phạm Tuấn Đạt. Trong khi anh Đạt vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật”.
Cũng liên quan đến vụ việc, anh Trương Anh Thu cũng cho hay: “Khi viết giấy vay của tôi 200 triệu đồng, anh Đạt đã để lại chiếc xe ô tô làm tin. Tuy nhiên khi Công an thị xã Bỉm Sơn lập biên bản tạm giữ tang vật, rồi làm biên bản bàn giao xe cho anh Vũ Thế Anh xong thì số số tiền anh Đạt vay của gia đình tôi vẫn chưa được cơ quan điều tra đứng ra giải quyết dứt điểm.
Lẽ ra, khi thu xe về rồi trả lại cho anh Vũ Thế Anh thì Công an thị xã Bỉm Sơn phải yêu cầu anh Đạt trả lại số tiền 200 triệu đồng đã vay của tôi, đây là số tiền vợ chồng tôi dành dụm để kinh doanh, giờ đây anh Đạt không trả, cơ quan công an cũng không có hướng giải quyết dứt điểm, tôi thấy rất vô lý?”.
Phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can
Liên quan vụ việc, Luật sư Vi Văn Diện, Giám đốc Công ty Luật Thiên minh cho rằng: Đối với vụ việc ông Vũ Thế Anh cho Phạm Tuấn Đạt thuê xe ô tô sử dụng, sau đó Phạm Tuấn Đạt mang xe đi thế chấp vay 200 triệu để tiêu sài cá nhân, khi được yêu cầu trả lại xe thì đối tượng này không thực hiện trách nhiệm là đã có dấu hiệu của hành vi “lừa đảo”; “lợi dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản”, vi phạm quy định của pháp luật. Có thể căn cứ, áp dụng vào các điều khoản như sau:
Điều 139 luật hình sự năm 1999 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (BLHS) quy định:
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng (sửa đổi 2009) đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Ngoài ra theo quy định tại Điều 140 Bộ Luật hình sự đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (BLHS) về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” thì: “1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ bốn triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới bốn triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm: a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó; b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ trên năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; đ) Tái phạm nguy hiểm; e) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm và bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản hoặc một trong hai hình phạt này. “Theo đơn thư tố cáo của người dân trước vụ việc rõ ràng có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự nêu trên, sau khi có đơn tố cáo của bị hại là ông Vũ Thế Anh, cơ quan cảnh sát điều tra công an thị xã Bỉm Sơn cần thiết phải vào cuộc xem xét, xác minh, điều tra… Nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì cần thiết ngay lập tức khởi tố vụ án, khởi tố bị can để bảo đảm trật tự xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, bảo vệ tài sản của công dân”. Luật sư Diện nhấn mạnh. Trước sự việc trên, thiết nghĩ Lãnh đạo công an tỉnh Thanh Hóa, Công an thị xã Bỉm Sơn, Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn phải nhanh chóng có biện pháp giải quyết dứt điểm vụ việc trên để bảo đảm tính nghiêm minh của luật pháp. Đồng thời, nếu vụ việc có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì cơ quan điều tra cần lập tức khởi tố vụ án, khởi tố bị can để bảo đảm trật tự xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, bảo vệ tài sản của công dân, tránh sự bức xúc trong dư luận. Thương hiệu &Công luận sẽ tiếp thông tin tới bạn đọc./. |
Tuấn Ngọc