=>  Bài 1: “Khu liên hiệp thể thao quốc gia  đất vàng bị “xẻ thịt” vô tội vạ?

Bài 2: Có hay không việc “bật đèn xanh” cho doanh nghiệp “xẻ thịt” đất vàng?

Biết việc cho thuê mặt bằng khu đất dành xây dựng khu thể thao trong nhà tại thuộc Khu liên hiệp thể thao Quốc gia Mỹ Đình là hoàn toàn sai luật, tuy nhiên ông Cấn Văn Nghĩa, Giám đốc Khu Liên hiệp Thể thao vẫn không ngần ngại đặt bút kí cho doanh nghiệp thuê đất?

Công ty Việt Hàn "cày nát" đường và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Ngay từ năm 2006, Khu liên hiệp thể thao Quốc gia Mỹ Đình đã ký hợp đồng cho Công ty CP đầu tư phát triển hạ tầng và xây dựng Sông Đà thuê 3.000m2 với giá 15 triệu đồng/tháng (5.000 đồng/m2/tháng) để làm trạm trộn bê tông thương phẩm 50m3/h. Thời hạn hợp đồng sau ba năm kể từ ngày 10/4/2006.

Tiếp đó, ngày 5/6/2006, Khu liên hiệp thể thao Quốc gia Mỹ Đình ký hợp đồng cho Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hùng Hương thuê 3.420m2 đất với giá 17,1 triệu đồng/tháng (5.000đồng/m2/tháng) để làm kho chứa thiết bị nội thất và xưởng gia công khung nhôm kính. Thời hạn cho thuê là ba năm. Ngày 30/6/2006,  Khu liên hiệp thể thao Quốc gia Mỹ Đình tiếp tục ký hợp đồng với Công ty CP Việt Mỹ cho thuê 3.000m2 đất với giá 15 triệu đồng/tháng. Công ty Việt Mỹ cũng dùng diện tích này làm trạm trộn bê tông và kho chứa vật liệu xây dựng…

Hợp đồng thuê mặt bằng để "xẻ thịt" khu "đất vàng"

Tháng 7/2006, UBND huyện Từ Liêm (cũ) có văn bản 633 gửi KLHTTQG khẳng định việc cho thuê đất Khu liên hiệp thể thao Quốc gia Mỹ Đình là sai với mục đích sử dụng đất; Việc xây dựng các công trình trong phạm vi đất được giao cho Khu liên hiệp thể thao Quốc gia Mỹ Đình tạm quản lý phải được cấp có thẩm quyền cho phép...

Tuy nhiên, không hiểu vì sao đến nay những công trình này vẫn tiếp tục tồn tại và có biểu hiện tăng  trong Khu liên hiệp. Hàng chục doanh nghiệp đã và đang xây dựng nhà xưởng để phục vụ nhu cầu kinh doanh trên đất vàng.

Mục sở thị quanh khu vực khan đài A của SVĐ Quốc gia Mỹ Đình, có rất nhiều đơn vị doanh nghiệp đang “nhộn nhịp” kinh doanh trên đất vàng của Khu liên hiệp. Cụ thể như ẩm thực phố cổ, sân tập FLC Golfnet 2, Tat golf, đặc biệt đơn vị thuê nhiều nhất là doanh nghiệp Việt Hàn với trạm trộn bê tông khổng lồ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 01/01/2014 giữa Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia do Giám đốc Cấn Văn Nghĩa làm đại diện và Công ty CP Xây dựng và Đầu tư Thương mại Việt Hàn do ông Trần Văn Phố, Giám đốc doanh nghiệp này làm đại diện đã cùng nhau kí bản Hợp đồng thuê mặt bằng số 04/KLH-MB với nội dung, trong thời gian chờ quyết định đầu tư của cơ quan chức năng có thẩm quyền, Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia đồng ý cho Công ty Việt Hàn được phép sử dụng mặt bằng với diện tích 6.000m2 tại khu đất quy hoạch Khu thể thao trong nhà thuộc Khu Liên hợp Thể thao Quốc Gia để làm trạm trộn bê tông thương phẩm 50m3/giờ. Thời gian thuê mặt bằng trong vòng 6 tháng tính từ ngày 01/1/2014 đến 30/6/2014, với giá 15.000 đồng/m2/tháng.

Điểm đáng chú ý nhất trong bản hợp đồng thoả thuận là điều khoản bảo mật hợp đồng. Điều 6 trong bản Hợp đồng thuê mặt bằng số 04/KLH – MB nêu rõ: “Hai bên cam kết đảm bảo tính bảo mật của hợp đồng. Không bên nào được tiết lộ nội dung của hợp đồng cho bên thứ ba mà không có sự thống nhất bằng văn bản giữa hai bên trừ trường hợp có sự can thiệp của luật pháp vào bất cứ thời gian nào; Tính bảo mật của hợp đồng được đảm bảo trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng và sau khi thanh lý hợp đồng”.

Điều khoản chung của hợp đồng này cũng thể hiện: “Hai bên hiểu rằng đây là hợp đồng có thể bị đình chỉ bởi bên thứ ba (bên thứ ba được hiểu là: cơ quan nhà nước có thẩm quyền) do tính chất của khu đất (thuộc dự án Khu thể thao trong nhà) khi đó bên Công ty Việt Hàn phải hoàn trả lại nguyên trạng mặt bằng cho Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia như ban đầu mà không kèm theo điều kiện nào; Hết thời hạn thuê, nếu Công ty Việt Hàn có nhu cầu sử dụng mà Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia có thể đáp ứng được thì hai bên sẽ thoả thuận bằng hợp đồng tiếp theo...”

Rõ ràng, ông Cấn Văn Nghĩa biết rằng, việc cho thuê đất là hoàn toàn trái pháp luật, chưa được sự đồng ý của cơ quan chức năng có thẩm quyền và có thể bị tuýt còi bất cứ lúc nào nhưng vẫn chắp bút tạo điều kiện cho doanh nghiệp sử dụng đất dự án trong Khu liên hiệp.

Dư luận đang đặt nhiều dấu hỏi, đằng sau những bản hợp đồng ngầm này, số tiền thu về từ việc cho thuê mặt bằng lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi tháng, liệu có nộp về ngân sách Nhà nước hay để phục vụ “lợi ích một nhóm người”? Đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền kiểm tra làm rõ bảo đảm đất dự án được sử dụng đúng mục đích như quy hoạch.

Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc./.

Nhóm PVĐT