Ông Trần Sỹ Thanh, trao Bằng khen (của Uỷ ban Quản lý Vốn Nhà nước tại doanh nghiệp) cho các tập thể và cá nhân xuất sắc (Ảnh: Thanh Huyền)
Báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2019, kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020, ông Nguyễn Quỳnh Lâm,Tổng Giám đốc Vietsovpetro cho biết:
Năm 2019, mặc dù gặp nhiều khó khăn thách thức như, giá dầu giảm hơn 6,5USD/thùng (so với giá dầu xuất bán năm 2018), sản lượng dầu liên tục suy giảm, tình trạng khai thác phức tạp, điều kiện thời tiết có nhiều bất lợi, nhưng Vietsovpetro đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn thách thức hoàn thành vượt kế hoạch nhiều chỉ tiêu sxkd đề ra. Tổng sản lượng khai thác đạt gần 4 triệu tấn dầu, vượt 6,8% kế hoạch; cung cấp vào bờ hơn 1 tỷ m3 khí, vượt mức chỉ tiêu đề ra hơn 147,5 triệu m3, đạt 179% kế hoạch.
Về doanh thu bán dầu, năm 2019, Vietsovpetro đạt 1,79 tỷ USD, bằng 112,4% kế hoạch; doanh thu từ khí và condensate đạt 21,7 triệu USD, bằng 115,9% kế hoạch, nộp NSNN 1.152,6 triệu USD, trong đó lợi nhuận phía Việt Nam là 208,2 triệu USD (đạt 173,9% kế hoạch); lợi nhuận phía Nga là 238,2 triệu USD (đạt 207,1% kế hoạch).
Một trong những yếu tố, giải pháp then chốt, quyết định đến kết quả SXKD năm qua của Vietsovpetro phải nói đến việc đưa vào vận hành và khai thác dòng dầu đầu tiên (tháng 01/2019) của giàn CTC-1, ghi dấu ấn về hiệu quả mở rộng vùng hoạt động của Vietsovpetro vươn ra các lô dầu khí ngoài Lô 09-1.
Tháng 10/2019 giàn BK 20 đưa vào vận hành sớm trước 4 ngày so với tiến độ đề ra, ghi nhận những nỗ lực của đội ngũ lao động Vietsovpetro trong việc chặn đà suy giảm sản lượng dầu khai thác như hiện nay.
Đáng chú ý, tốc độ thương mại của khoan khai thác năm 2019 đã xác lập kỷ lục mới, đạt mức cao nhất trong suốt 38 năm hoạt động là 3.406 m/tháng/máy, vượt xa so với mức kỷ lục cũ lập vào năm 2016 là 2660m/tháng/máy, góp phần đảm bảo hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 2019 của Vietsovpetro.
Quang cảnh hội nghị (Ảnh: Thanh Huyền)
Năm 2020, Vietsovpetro đề ra các chỉ tiêu sản xuất chủ yếu, về khai thác dầu khí với sản lượng đạt hơn 3 triệu tấn dầu và condensate, sản lượng khí thiên nhiên đạt 70,4 triệu m3. Dự kiến, doanh thu năm 2020 ở mức 1,38 tỷ USD (với giá dầu 60 USD/thùng), lợi nhuận phía Việt Nam dự kiến đạt 102 triệu USD và lợi nhuận phía Nga hơn 98 triệu USD.
Các giải pháp được Vietsovpetro đặt ra là tiếp tục triển khai các biện pháp đảm bảo khai thác an toàn, tăng cường các biện pháp địa chất kỹ thuật, huy động tối đa các nguồn lực sản xuất, tiềm năng khoa học – kỹ thuật sẵn có... đầu tư trang thiết bị mới, mở rộng vùng hoạt động, tìm kiếm cơ hội tham gia các lô dầu khí mở trên thềm lục địa Việt Nam.
Phấn đấu đưa giàn BK-21 vào khai thác, cho dòng dầu đầu tiên vào ngày 30/10/2020; xây dựng giàn BK-18A mỏ Bạch Hổ, đưa vào vận hành trong năm 2021.
Ông Nguyễn Quốc Thập phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Thanh Huyền)
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Thập, Phó TGĐ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho rằng:
“Vietsovpetro cần phải tiếp tục nâng cao ý thức người lao động, tăng cường công tác đào tạo huấn luyện an toàn, để các chỉ số an toàn đảm bảo cao nhất. Sau năm 2010, sản lượng khai thác của vietsovpetro vẫn đạt, nhưng nhìn vào gia tăng trữ lượng mới, cho thấy hệ số bù chưa tương xứng".
Vì vậy, Phó TGĐ (PVN) cho rằng, Vietsovpetro cần có thông tin tổng thể hơn về trữ lượng còn lại của Vietsovpetro trong cân đối đến hết năm 2030 là bao nhiêu; về mặt kỹ thuật còn bao nhiêu? Trong tương lai, định hình như thế nào?...
Đề cập đến vấn đề mở rộng vùng hoạt động của Vietsovpetro, Phó TGĐ (PVN) cũng cho biết, đây là mục tiêu sống còn, lãnh đạo hai bên đã cân nhắc đi đến quyết định mở rộng vùng hoạt động, thể hiện bằng việc xem xét mở rộng Hiệp định liên Chính phủ sau năm 2030.
Hiện tại, cả Zarubeznheft và Tập đoàn Dầu khí Niệt Nam đồng ý để tổ công tác bắt tay hoạt động ngay trong tháng 1 này. Đây là mục tiêu, cũng là cơ hội và tương lai cho Vietsovpetro. Để đạt được mục tiêu này thì đòi hỏi thông số đầu vào từ chính Vietsovpetro, một đơn vị sở hữu đội ngũ tập thể lao động quốc tế và cơ sở vật chất tốt.
Thanh Huyền