Theo chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Viettel là đơn vị đảm bảo thông tin cho Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 4. Do đó, trước cơn bão, Viettel đã đưa vào hoạt động “Trung tâm điều hành mạng lưới dã chiến” tại 11 tỉnh, thành phố trong vùng ảnh hưởng của bão. Các trung tâm này thực hiện giám sát, cảnh báo, hỗ trợ trực tiếp cho việc chỉ đạo điều hành, ứng cứu khi xảy ra sự cố viễn thông.
Cùng với đó, từ ngày 28/9 đến 10/10/2022, Viettel sẽ tạm hoãn chặn một chiều, hai chiều với khoảng 54.000 thuê bao trả sau (di động, cố định, truyền hình..) chưa đóng cước tại 9 địa phương gồm Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai và Kon Tum.
Viettel đồng thời triển khai chính sách sử dụng internet di động thay thế cố định (tặng 14GB/tuần) cho khoảng 15.000 thuê bao sử dụng dịch vụ cố định băng rộng, thuê bao cung cấp dịch vụ đặc thù như khách sạn, quán cafe, cửa hàng tiện lợi, dạy học trực tuyến, khách hàng bị sự cố do ảnh hưởng của bão… Viettel cũng hỗ trợ miễn phí khoảng 1.000 sim data (5GB/ngày); cho mượn bộ kết nối Dcom (5GB/ngày) đối với các khách hàng không có thiết bị.
Một số lượng lớn gồm hơn 16.000 thiết bị các loại như Dcom wifi, modem, camera, V-tracking, S-tracking… cũng đã được Viettel điều chuyển đến các địa phương chịu ảnh hưởng của bão số 4 nhằm hỗ trợ, ứng cứu thông tin, đảm bảo dịch vụ. Viettel cũng sẽ điều chỉnh tiền cước đối với các thuê bao cố định bị gián đoạn thông tin trong bão với số lượng dự kiến 226.000 thuê bao với chi phí khoảng 1,1 tỷ đồng.
Viettel cũng liên tục cập nhật tình hình diễn biến sau bão số 4 và các khuyến cáo cần thiết qua tin nhắn thoại, tin nhắn SMS tới 3,2 triệu thuê bao di động và 1,1 triệu thuê bao cố định băng rộng. Tổng đài chăm sóc khách hàng của Viettel cũng trực liên tục, đảm bảo phục vụ xuyên suốt, kịp thời hỗ trợ tới tất cả các khách hàng, tăng cường 30% lượng nhân sự chăm sóc khách hàng tuyến đầu đảm bảo phục vụ 24/7.
Trước đó, nhận định về bão số 4 là cơn bão mạnh, Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương do Phó Thủ tướng, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai Lê Văn Thành làm Trưởng ban để trực tiếp chỉ đạo ứng phó.
Theo Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 4, chưa đầy 2 ngày trước khi bão đổ bộ, các địa phương và các lực lượng kêu gọi, hướng dẫn 57.840 tàu, thuyền/299.678 người di chuyển tránh trú và neo đậu an toàn. Trong ngày 27/9/2022, các địa phương đã tổ chức sơ tán hơn 108.441 hộ dân/340.863 nhân khẩu đến nơi an toàn; vận động, tuyên truyền và di dời người dân tại 20.712 ha và 4.571 lồng, bè nuôi trồng thủy sản lên bờ, đảm bảo an toàn, không để xảy ra rủi ro khi bão đổ bộ. Cùng với đó, các địa phương đã tập trung gia cố bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, công trình hạ tầng; hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa…; hạn chế giao thông khi bão đổ bộ.
Ngọc Bích (t/h)