Tham dự Hội thảo có ông Trần Văn Dũng – Cục phó Cục nghiệp vụ, Tổng Cục Quản lý thị trường; ông Huỳnh Vũ Phong – Thường trực Ban chỉ đạo 389 tỉnh Cà Mau, Cục trưởng Cục QLTT Cà Mau; ông Nguyễn Tân Tiến – Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 tỉnh Cà Mau; ông Huỳnh Văn Khoa – Phó Cục trưởng, Cục QLTT Cà Mau và ông Nguyễn Viết Hồng – Tổng Giám đốc Công ty Vina CHG.

Ngoài ra, Hội thảo có sự tham dự của Sở ban ngành, Cục QLTT các tỉnh lân cận; hiệp hội, doanh nghiệp và cơ quan báo đài trung ương, địa phương.

Hội thảo được tổ chức nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tìm ra các giải pháp, tăng cường trao đổi và thảo luận với cơ quan quản lý, chuyên gia về vấn đề bảo vệ thương hiệu khi doanh nghiệp khi tham gia và triển khai kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử.

Ông Huỳnh Vũ Phong – Thường trực Ban chỉ đạo 389 tỉnh Cà Mau, Cục trưởng Cục QLTT Cà Mau phát biểu khai mạc
Ông Huỳnh Vũ Phong – thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Cà Mau, Cục trưởng Cục QLTT Cà Mau phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu mở đầu Hội thảo, ông Huỳnh Vũ Phong – Thường trực Ban chỉ đạo 389 tỉnh Cà Mau, Cục trưởng Cục QLTT Cà Mau cho hay, ngày 29/3/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 319/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025. 

Nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Đề án làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ, hiệu quả, đồng thời nâng cao sự kết nối chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và doanh nghiệp, người tiêu dùng trong việc triển khai Đề án, đem lại các kết quả thiết thực trong công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trên môi trường thương mại điện tử.

Theo ông Phạm Văn Huy – Chuyên viên tư vấn thương mại điện tử, Hội thương mại điện tử Việt Nam VP tại Cần Thơ, hiện nay người dân đã quen mua sắm online trên các trang thương mại điện tử. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch Covid-19, sự tiện lợi qua mua sắm online khiến người tiêu dùng mua sắm càng nhiều, nhất là các sản phẩm thiết yếu.

Bên cạnh đó, việc bán hàng trên các trang thương mại điện tử cũng ngày càng dễ dàng, một cá nhân cũng có thể tạo nhiều tài khoản ẩn danh để bán hàng. Điều này tạo ra thách thức đối với các doanh nghiệp làm ăn chân chính và cả người tiêu dùng bởi sản phẩm kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái trà trộn với giá rẻ và ưu đãi hấp dẫn.

Qua đó, ông Huy nhấn mạnh, doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng đa kênh và xác minh đầy đủ thông tin chứng minh gian hàng chính hãng. Các doanh nghiệp cũng nên đăng tải các giấy tờ chứng minh chất lượng sản phẩm, đặc biệt cần tối ưu việc chống giả cho sản phẩm bằng việc sử dụng các công nghệ chống giả, dán tem chống hàng giả truy xuất nguồn gốc.

Quang cảnh Hội thảo
Trao đổi giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp

Chia sẻ về tình hình triển khai ngăn chặn các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động thương mại điện tử, ông Huỳnh Văn Khoa cho biết: Bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động thương mại điện tử cũng phát sinh nhiều rủi ro, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân, quyền lợi người tiêu dùng và sản xuất kinh doanh. Trước thực tế đó, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Cà Mau đã triển khai Kế hoạch số 04/KH-BCĐ389 ngày 13/11/2020 của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Cà Mau về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn.

Thực hiện Kế hoạch 888 của Tổng cục QLTT, Cục QLTT tỉnh cũng chỉ đạo các đội QLTT tăng cường quản lý địa bàn, giám sát chặt chẽ các tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại điện tử, các website thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến và các hoạt động sử dụng phần mềm khác trên môi trường internet, mạng xã hội để livestream bán hàng; kịp thời xây dựng phương án kiểm tra, đấu tranh chống buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, gian lận thương mại trong thương mại điện tử.

Chia sẻ về khó khăn của doanh nghiệp trong việc chống giả trên môi trường thương mại điện tử, ông Mai Ngọc Thạch – Thành viên HĐQT Công ty CP Anh Khuê Watch, Tập đoàn Bitex Group đóng góp ý kiến, cần phải đề ra quy định, chế tài cho sàn thương mại điện tử và doanh nghiệp tham gia. Điều này nhằm mục đích ngăn chặn hàng giả ngay từ đầu, chứ không để hàng giả tràn ra thị trường mới tìm cách xử lý.

Ông Thạch cũng cho biết thêm, để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hiện tại Công ty Anh Khuê đã và đang áp dụng tem bảo hành với công nghệ chống giả đặc biệt, có thể ngăn chặn hàng giả một cách hiệu quả, nhất là các sản phẩm tham gia trên sàn thương mại điện tử.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Viết Hồng – Tổng giám đốc Công ty Vina CHG, đơn vị tiên phong trong lĩnh vực cung cấp các giải pháp chống hàng giả, hàng nhái, cho biết: Vina CHG đã đưa ra 5 giải pháp để giúp doanh nghiệp tăng cường công tác chống hàng giả, hàng nhái, nhất là trên môi trường internet nói chung và thương mại điện tử nói riêng. 5 giải pháp đó là: In tem chống hàng giả đảm bảo pháp lý; phần mềm chống hàng giả Vinacheck; truyền thông chống hàng giả,; hỗ trợ điều tra xử lý hàng giả và in bao bì chống giả.

Hiện tại, Vina CHG triển khai các công nghệ chống hàng giả công nghệ cao cho doanh nghiệp thông qua tem chống hàng giả, đồng thời áp dụng các hệ thống phần mềm như truy xuất nguồn gốc, quản lý hàng hoá, quản lý kho, bảo hành,.. hỗ trợ doanh nghiệp quản lý một cách chuyên nghiệp và hiệu quả.

Đặc biệt, thời gian gần đây, Vina CHG cũng đã tiến hành ứng dụng công nghệ chống hàng giả ngay trên bao bì. Đây là giải pháp mang lại rất nhiều thuận tiện cho doanh nghiệp, đặc biệt giúp ngăn chặn hàng giả trực tiếp một cách nhanh chóng, hiệu quả và đáp ứng xu hướng công nghệ số, thông minh, hiện đại. Ngoài ra, Vina CHG triển khai các giải pháp in bao bì trọn gói: Bao bì chống giả, bao bì thông minh, bao bì xanh, bao bì đẳng cấp,.. hỗ trợ doanh nghiệp nhận diện thương hiệu và bảo vệ thương hiệu toàn diện.

Đề cập tới vấn đề bảo vệ thương hiệu trên thương mại điện tử, ông Phan Thanh Thảo - Tổng giám đốc Công ty CP NPOIL nhấn mạnh, vấn nạn hàng giả đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, trong đó có NPOIL. Công ty NPOIL đã triển khai công tác tuyên truyền, marketing để chống hàng giả; thay đổi mẫu mã, ứng dụng công nghệ chống giả. Đối với các gian hàng trên sàn thương mại điện tử, Công ty triển khai đăng kí gian hàng Mall và cung cấp giấy tờ chứng minh chất lượng để người tiêu dùng có thể yên tâm mua sắm.

Trước thực trạng hàng giả, hàng nhái trên thương mại điện tử, đặc biêt là lĩnh vực dược mỹ phẩm, bà Phạm Thị Đào – Giám đốc Công ty TNHH sản xuất mỹ phẩm Anh Đào cũng đề xuất cơ quan chức năng kiểm tra sát sao và đề ra các quy định để doanh nghiệp kinh doanh mỹ phẩm nói chung tuân thủ trong việc lưu hành, dán nhãn phụ đối với sản phẩm nhập khẩu.

Phát hiểu bế mạc Hội thảo, ông Nguyễn Tân Tiến - Chánh Văn phòng Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Cà Mau thông tin thêm, các cơ quan chức năng đã và đang triển khai thực hiện đề án chống hàng giả và sẽ tiếp tục thực hiện công tác chống giả trong thời gian tới một cách sát sao và hiệu quả hơn.

Trong khuôn khổ chương trình Hội thảo, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Cà Mau và Công ty Vina CHG đã ký kết phối hợp, hợp tác trong công tác phòng chống hàng giả. Đây là chương trình hợp tác nhằm nâng cao sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chức năng và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu, phối hợp trong công tác truyền thông và điều tra, xử lý hàng giả. 

Ông Nguyễn Tân Tiến – Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 tỉnh Cà Mau và ông Nguyễn Viết Hồng - Tổng giám đốc Công ty Vina CHG thực hiện ký kết hợp tác
Ông Nguyễn Tân Tiến – Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 tỉnh Cà Mau và ông Nguyễn Viết Hồng - Tổng giám đốc Công ty Vina CHG thực hiện ký kết hợp tác

Việt Anh